Văn hóa

Thực khách "chết mê chết mệt" với đặc sản của Phan Thiết

Đến với Phan Thiết (Bình Thuận) ngoài biển xanh cát vàng, du khách còn có dịp khám phá nhiều loại đặc sản rất ngon và ấn tượng như: Nước mắm, mực một nắng, bánh cốm… Trong đó phải kể đến món bánh rế Phan Thiết, một loại bánh dân dã, ngon miệng, giòn thơm tan trong vòm miệng.

Bánh rế tiền thân có xuất xứ từ Phan Rang, dần dà lan khắp vùng miền Trung rồi đến miền Nam, nhưng phổ biến nhất hiện nay và trở thành loại bánh đặc sản của vùng Phan Thiết. Du khách khi nghe cái tên” bánh rế” đã cảm thấy khá ấn tượng bởi vì sau khi thưởng thức, bánh rế cho ta một hương vị rất là đặc biệt, khó quên. Có lẽ không nơi đâu làm ra những chiếc bánh rế thơm ngon như tại Phan Thiết. 

Các “nghệ nhân” làm bánh rế sinh sống tại Phan Thiết cho hay, nguyên liệu của bánh rế được làm từ củ khoai mì và khoai lang. Để có những chiếc bánh thơm ngon, chất lượng, việc đầu tiên là phải chọn những củ khoai lang, khoai mì thật tươi, không non cũng không quá già. Muốn làm 1 chiếc bánh rế thành phẩm phải qua 6 công đoạn có 6 người thợ đảm nhận 6 công đoạn khác nhau của quy trình chế biến bánh rế: khoai, sắn mua về rửa, lột sạch vỏ, bào thành sợi dài nhỏ đều khoảng 3-4 cm, để khi chiên những sợi dài đan xen cuốn lẫn nhau.

Những chị em làm việc trong lò bánh ở đây tay nghề cũng thật là điêu luyện, góp phần độc đáo tạo nên chiếc bánh đẹp mắt. Dùng 1 cái chảo nhỏ có lòng sâu đặt trên 1 lò than nhỏ, cho 1 ít dầu dừa vào chảo, khi dầu sôi lấy một nắm củ mì hoặc củ lang đã bào sợi sẵn. Sau đó, dùng một vá có cán dài, lòng vá sâu tròn và một đôi đũa, lấy đũa vạch sợi mì cho đều trong lòng chảo, rồi dùng lưng vá đè, ép các cọng mì sát xuống lòng chảo.

Bánh rế Phan Thiết.

Dầu làm cho khoai chín kết dính vào nhau, hình thù chiếc bánh giống như cái rế lót nồi niêu mà các vùng nông thôn hay dùng, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, từ đó nên được đặt tên là “bánh rế”. Khi bánh đã kết dính với nhau dùng vá xúc bánh bỏ qua chảo dầu lớn chiên trở màu vàng là đã chín. Dùng đũa vớt ra ngoài bỏ bánh trên vĩ cho ráo dầu, tiếp tục chế thêm ít dầu nữa rồi chiên cái khác. Chiên hết số sợi mì đã thành bánh rế xong, thì dùng một chảo khác cho đường và ít nước bắc lên lò lửa. Đường chảy ra, người ta từ từ lấy từng bánh một nhúng lưng bánh vào chảo đường rồi lấy ra làm cái khác, rắc thêm tý mè trắng rang sẵn trên mặt bánh vừa mới nhúng đường, để khi ăn vừa thơm lại vừa đẹp mắt, cho đến khi cả rổ bánh được ngào đường mới thôi.

Bánh rế chiên dầu vàng giòn rụm vừa béo vừa ngọt, cộng thêm mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được của khoai lang, khoai mì tươi chiên giòn. Chờ bánh nguội xếp vào bao nilon loại cứng và dày chiều ngang theo khuôn khổ chiếc bánh, mỗi gói 10 cái giá bán dao động từ 10 đến 20 ngàn đồng/1 gói tùy theo bánh lớn nhỏ, và tùy theo thương hiệu cũng như chất lượng của từng lò bánh.

Bánh rế đã có từ rất lâu, trước kia người dân Phan Thiết chỉ làm ăn chơi hoặc khi có tiệc tùng, cúng giỗ, chủ yếu làm quà biếu. Khoảng mười mấy năm trở lại đây bánh rế của Phan Thiết có chỗ đứng vững trong thị trường và được du khách rất ưa chuộng, ăn ngon mà giá cả lại bình dân, mỗi khi ghé qua Phan Thiết không quên mua về làm quà cho bạn bè, người thân hoặc mua nhiều để dành ăn dần, nên trở thành loại bánh đặc sản của vùng miền và hiện nay đang lưu hành có mặt trên mọi miền đất nước.

Một ly trà đặc hay một ly trà atiso nóng, ngồi nhâm nhi cùng mấy chiếc bánh rế vừa giòn thơm ngọt béo, sẽ làm cho bạn ngon miệng và có cảm giác thoải mái khi được thưởng thức những món ăn mang đậm tính chất truyền thống, loại ẩm thực thuần Việt độc đáo, mang hương vị của hồn quê hương xứ sở.

Nên đọc
Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo