Chân dung

Thuở cơ hàn lận đận nuôi gà, heo của đại gia Trầm Bê

"Lúc còn nhỏ, ông Trầm Bê vất vả lắm. Người lớn tuổi sống ở Trà Cú đều biết chuyện ổng nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má. Giờ đã giàu có, ổng không quên giúp người nghèo".

Ngôi chánh điện đẹp lộng lẫy của chùa Vàm Ray.

Những người lớn tuổi đang sống ở Trà Cú đều  biết chuyện ổng nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má. Quanh năm chỉ có một bộ đồ dính da.

Trong số 9 ngôi chùa mà ông Trầm Bê bỏ hơn 100 tỷ xây dựng, thì chùa Vàm Ray, tọa lạc tại quê hương ông, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chiếm chi phí hơn 50 tỷ...

Ngôi chánh điện đẹp lộng lẫy của chùa Vàm Ray.

Theo anh Châu Khương, một người gần gũi, cùng quê với đại gia Trầm Bê cho biết: "Thuở thiếu thời, ông Trầm Bê đã từng tu học ở ngôi chùa này.  Là người gốc Hoa, sống giữa cộng đồng người Khmer từ nhỏ, ông Trầm Bê đã theo phong tục: Thanh niên Khmer đến 12 tuổi, sẽ vào chùa tu học khoảng 3-4 năm, học chữ, học kinh Phật và học làm người, trước khi bước ra đời, làm người có ích cho xã hội".

Bức tượng Phật nằm dát vàng lớn nhất Đông Nam Á, tái hiện cảnh đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ở chùa Vàm Ray.

"Ông Trầm Bê đã cạo đầu, mặc xà rông thay áo bằng một khăn vải trắng  Pên-nexô đắp lên vai từ trái sang phải trong buổi lễ Bank-Bom-Buôn vào dịp tết Chôl Chnâm Thmây của người Khmer. Ông đã từ bỏ thế tục, tập trung học đạo, học làm người" - Anh Thạch Châu Khương nhớ lại.

Theo lời anh Châu Khương, chính vì đã có thời gian tu học ở chùa Vàm Ray, nên khi bước ra đời, giỏi làm ăn, khi phất lên thành đại gia, ông Trầm Bê đã không quên ơn nơi đã từng cưu mang mình.  Ông Trầm Bê đã bỏ ra hơn 50 tỷ để biến ngôi chùa đã mục nát này thành một ngôi chùa tráng lệ, lớn nhất tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa được khởi công vào năm 2004 và hoàn thành sau 4 năm ròng rã.

Chùa Vàm Ray là ngôi chùa cổ, có thời gian tồn tại hơn 600 năm. Để giữ di tích cổ còn sót lại, ông Trầm Bê đã bỏ ra một số tiền lớn để mời thần đèn Cẩm Lũy di dời ngôi chánh điện cũ, bằng gỗ đã mục nát, sang vị trí mới, nhường chỗ để xây dựng ngôi chánh điện mới hoàn toàn.

Theo lời ông Phan Tấn Sự, một người dân địa phương: "Trước khi xây mới ngôi chùa như hiện nay, ông Trầm Bê đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng để mời thần đèn  Cẩm Lũy di dời hai gian ngôi chùa cũ ra cách xa hơn 100 mét, giữ nguyên trạng. Sau khi di dời xong, chúng tôi mới bắt đâu xây dựng ngôi chánh điện”.

Nói về chuyện xây chùa của ông Trầm Bê, anh Châu Khương cũng không quên nói về tuổi thơ cơ cực của vị đại gia này. Anh Châu Khương nhớ lại: "Lúc còn nhỏ, ông Trầm Bê vất vả lắm. Những người lớn tuổi đang sống ở Trà Cú đều  biết chuyện ổng nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má. Quanh năm chỉ có một bộ đồ dính da... Trải qua nghèo khổ, cho nên sau này trở nên giàu có, ổng không quên người nghèo, luôn tìm cách giúp đỡ họ".

Tuổi thơ nghèo khó của đại gia Trầm Bê nằm trong ký ức của ông Thạch Song Sơn: "Tôi biết Trầm Bê có được ngày hôm nay, là cả một quá trình phấn đấu gian khổ.  Theo tôi biết, Trầm Bê từng phải đi ở đợ cho hào phú, sáng sáng dắt bầy trâu ra đồng... Chở củi mướn. Có lần, đang chở củi cho người ta, gặp sóng to, gió lớn, chìm xuồng tưởng chết. Cực khổ trăm bề, khi thành đại gia, Trầm Bê vẫn không quên nguồn cội nghèo khó của mình, luôn hướng về quê hương".

Ông Trầm Bê trong lần về dự đám giỗ lần thứ 4 của Đại Hòa thượng Trần Dạnh tại ngôi chùa Cà Hom, được bà con Phật tử đón tiếp long trọng.

Người có ảnh hưởng đến sự sùng bái đức Phật của ông Trầm Bê, là Đại hòa thượng Trần Dạnh. Ông Trầm Bê rất quý mến Đại Hòa thượng quá cố Trần Dạnh, nguyên là: Thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Truởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Trà Vinh, Viện chủ chùa Cà Hom, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Theo nhiều người dân Khmer sinh sống ở đây: Lúc Hòa còn tại thế, Đại Hòa thượng Trần Dạnh được ông Trầm Bê rất mực kính trọng và xem Hòa thượng như người cha thứ 2 của mình. Từ khi Đại Hòa thượng Trần Dạnh viên tịch đến nay, vì trọng tình nghĩa, trong  4 lần giỗ, chưa bao giờ vắng mặt ông Trầm Bê.

Chùa Cà Hom là ngôi chùa lúc còn tại   thế, Đại Hòa Thượng Trần Dạnh trụ trì. Ông Trầm Bê cũng đã bỏ ra gần chục tỷ đồng để xây dựng ngôi chùa này khang trang.

Trước lúc viên tịch vào năm 2009, lúc đã 84 tuổi, Hòa thượng Trần Dạnh, với tư cách là Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước thuộc tỉnh Trà Vinh, đã căn dặn: "Thí chủ Trầm Bê có công đức xây dựng chánh điện nhiều ngôi chùa, giúp đỡ bà con nghèo có chỗ bái lạy Phật. Để ghi nhớ ơn, tôi mong muốn, cũng như bà con Phật tử Khmer mong muốn, là treo bảng công đức của thí chủ xung quanh chánh điện các ngôi chùa mà thí chủ đã phát tâm xây dựng.  Đó mới hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Khmer...".

Và sau khi Hòa thượng Trần Dạnh viên tịch, theo nguyện vọng của Ban quản trị chùa và bà con Phật tử, bảng công đức đã được treo ở 7 ngôi chùa mà ông Trầm Bê phát tâm xây dựng ở Trà Vinh. Ngoài ra, ông Trầm Bê còn cho xây dựng ngôi chùa Hạnh Phúc Tăng (ở Vũng Liêm, Vĩnh Long) và mới đây là ngôi chùa Prắc - Huy - Hia (Campuchia), trị giá 600.000 USD.

Theo Công lý
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo