Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỉ phú Jorge LeMann: càng giàu càng phải kín tiếng

Người đàn ông đa tài gốc Brazil Jorge Paulo LeMann được Business Week gọi tên ngài "tỉ phú thú vị nhất thế giới", bởi ông là tay vợt 2 lần vô địch giải quần vợt quốc tế Davis Cup và 5 lần đăng quang giải vô địch quốc gia.

Mọi người đều biết ông rất ghét nhìn thấy tên mình trong danh sách những người giàu có. Vì thế tại Mỹ, không nhiều người biết 3 biểu tượng văn hóa tiêu dùng của quốc gia này, gồm xốt cà chua Heinz, thức ăn nhanh Burger King và nhãn bia danh tiếng Budweiser lại do ông chủ Jorge LeMann cùng hai cộng sự lâu năm Marcel Herrmann Telles và Carlos Alberto Sicupira kiểm soát. Hiện giá trị thị trường của các công ty trên vào khoảng 187 tỉ USD, lớn hơn cả Ngân hàng Citigroup (Mỹ).

Nhưng ở quê hương, Jorge Paul LeMann với khối tài sản 20 tỉ USD lại là người hùng kinh doanh dung hòa một phần tố chất của tỉ phú Warren Buffett, một phần của "ông vua bán lẻ Mỹ" Sam Walton và phần còn lại của tay vợt danh tiếng Roger Federer. Ngay cả chính tỉ phú Warren Buffet cũng dành tặng mỹ từ "đẳng cấp" cho doanh nhân này.

Tỉ phú Jorge Paulo LeMann - Ảnh: Business Week.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1961, LeMann vừa chơi tennis chuyên nghiệp tại Wimbledon, vừa hoạt động trong ngành tài chính non trẻ của Brazil. LeMann từng nói với một tạp chí quần vợt Brazil rằng ông chọn theo đuổi kinh doanh chỉ vì tự nhận thấy mình không thể nằm trong top 10 tay vợt hay nhất thế giới.

LeMann và các cộng sự thành lập Công ty quản lý quỹ 3G Capital tại New York vào năm 2004 để mua lại các công ty Mỹ với số tiền mặt họ kiếm được trong hơn 2 thập kỷ tại Brazil. Bắt đầu từ những năm 1970, LeMann xây dựng Garantia trở thành công ty tài chính hàng đầu Brazil. Từ khi bán ngân hàng đầu tư này cho Credit Suisse vào năm 1998, ông và cộng sự tập trung vào các phi vụ thâu tóm ngành công nghiệp tài chính ở nước ngoài, chẳng hạn như tập đoàn thực phẩm Heinz.

Việc đầu tiên của họ tại Heinz là thay giám đốc điều hành lâu năm William Johnson bằng giám đốc quốc tịch Brazil Bernardo Hees, người hiện nay đang giữ chức giám đốc điều hành Burger King toàn cầu. Ông Hees không có kiến thức về lĩnh vực thức ăn nhanh trước khi trở thành CEO của Burger King.

Ông khởi nghiệp với công việc phân tích hậu cần xe lửa nhưng LeMann vẫn chọn Hees vì "điều quan trọng không phải là biết về hamburger mà là hiểu về cách lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là một kiểu tài trí thông minh vượt qua mọi phân khúc kinh doanh cụ thể". Kết quả là trong 2 năm dưới quyền kiểm soát của Hees, lợi nhuận của Burger King tăng gấp đôi

Tháng 8, ông Hees sa thải 600 nhân viên văn phòng Heinz tại Mỹ và Canada, khoảng 9% nhân lực Bắc Mỹ. Ông cũng sa thải 11 nhân sự cấp cao và thay bằng chính nhân viên có thành tích tốt trong công ty. Cộng sự Sicupira có 1 câu khẩu hiệu yêu thích "Chi phí giống như móng tay, phải cắt liên tục!".

 

Chính công thức trên đã mang lại phép mầu lợi nhuận cho liên doanh rượu bia Anheuser-Busch InBev mà LeMann giữ chức chủ tịch HĐQT. Liên doanh này là một trong những gã khổng lồ ở lĩnh vực nước uống lên men hàng đầu thế giới với các nhãn hiệu nổi tiếng như Budweiser, Stella Artois, Beck’s và Michelob. Cổ phiếu của hãng tăng 150% trong vòng 5 năm. Burger King cũng tăng giá trị gấp đôi số tiền 3,8 tỉ USD mà các ông đã mua vào năm 2010.

Arminio Fraga, một trong những doanh nhân Brazil, từng làm việc cho LeMann những năm 1980 và hiện điều hành một trong số công ty quản lý tài sản lớn nhất Brazil, nhận định: "Ông ấy đã làm cuộc cách mạng thay đổi suy nghĩ của mọi người về kinh doanh".

Năm 2012, Jorge LeMann trở thành người đàn ông giàu nhất Brazil sau khi "hất cẳng" nhà tài phiệt khai khoáng Eike Batista. Với tổng tài sản trị giá 20 tỉ USD, LeMann xếp thứ 32 trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, dưới George Soros 7 bậc và trên Carl Icahn 3 bậc.

 

Nên đọc
Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo