Pháp luật

Tiết lộ nguyên nhân hoãn xử vụ án Giang Kim Đạt tham ô

Sáng 21/1, TAND Hà Nội đưa ra xét xử vụ Giang Kim Đạt - cựu trưởng phòng của Vinashinlines và đồng phạm. Tuy nhiên, phiên xử đã tạm hoãn vì thiếu nhiều luật sư.

Sáng nay 21/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa các bị cáo Trần Văn Liêm (61 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines), Trần Văn Khương (66 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines) và Giang Kim Đạt (39 tuổi, nguyên Trưởng phòng kinh doanh của Vinashin Lines) ra xét xử sơ thẩm về tội Tham ô tài sản. Bị cáo Giang Văn Hiển (66 tuổi) là bố đẻ của bị cáo Giang Kim Đạt, đưa ra xét xử về tội Rửa tiền, theo tin tức trên báo Thanh niên. 

Bị cáo Giang Kim Đạt (bên tay trái) trong phiên xử sáng nay. Ảnh Vnexpress.

Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục phiên tòa, Chủ tọa Nguyễn Quốc Thành cho biết đã nhận được đơn đề nghị của các luật sư bào chữa cho bố con bị cáo Giang Kim Đạt, Giang Kim Hiển là Nguyễn Hồng Hiển, Phan Trung Hoài, Vũ Thị Kim Ngọc và Nguyễn Đình Hưng.

Nội dung đơn đề nghị: “Chúng tôi được biết, quý tòa sẽ mở phiên tòa xử Giang Kim Đạt và đồng phạm vào ngày 21/1. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm nêu trên, chúng tôi đang tranh tụng tại vụ án Phạm Công Danh , diễn ra từ ngày 27/12/2016 đến ngày 24/1/2017 tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. 

Với khoảng cách địa lý gần 2.000 km, chúng tôi không thể có mặt tại Hà Nội để tham gia tố tụng, thực hiện bào chữa cho các bị cáo. Trân trọng đề nghị hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Giang Kim Đạt và Giang Văn Hiển, tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Cũng tại tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng các luật sư khác đều đồng ý hoãn tòa. Hai bị cáo Giang Kim Đạt và Giang Văn Hiển cũng đồng ý xin hoãn tòa để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Theo cáo trạng, các bị cáo đã thỏa thuận lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng mua 3 tàu, cho thuê 9 tàu của Vinashinlines để chiếm đoạt tiền hơn 260 tỷ đồng, báo Tiền phong đưa tin.

 

Cụ thể, từ năm 2006 đến 2008, Liêm đã chỉ đạo Đạt tìm kiếm, thỏa thuận với các Cty môi giới để yêu cầu trích lại từ 1 - 5,75% tổng giá trị hợp đồng mua 3 tàu biển. Qua việc này, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 11,4 tỷ đồng của Vinashinlines.

Cũng trong thời gian này, các bị cáo đã gửi giá vào hợp đồng của Vinashinlines cho đối tác thuê 9 tàu biển, chiếm đoạt gần 250 tỷ đồng. Ngoài ra, các Cty nước ngoài còn chuyển vào tài khoản của vợ chồng Giang Văn Hiển hơn 2,4 triệu USD. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng không có căn cứ kết luận đây là tiền chiếm đoạt của Vinashinlines.

Cơ quan điều tra kết luận, Trần Văn Liêm được hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng bao gồm 40.000 USD, 1 căn chung cư tại dự án Sài Gòn Pearl, 1 ô tô hiệu Mercedes. Trần Văn Khương tuy không thừa nhận nhưng CQĐT kết luận bị cáo đã chiếm đoạt 110 nghìn USD. 

Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255,6 tỷ đồng để mua hơn 40 bất động sản trong nước, 2 bất động sản ở Anh và Singapore cùng nhiều ô tô.
Về hành vi của Giang Văn Hiển, CQĐT xác định bị cáo đã mở 22 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giúp Đạt rửa tiền. Các Cty nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản này với tổng số gần 16 triệu USD. 

Sau đó, Hiển rút ra giao Đạt để Đạt đưa lại cho Liêm và Khương một phần. Còn lại, Hiển mua 40 bất động sản đứng tên mình và người thân, mua đi bán lại 13 ô tô…

 

Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt còn vướng vào vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen. 

Năm 2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao phạt ông Liêm 19 năm tù. Giang Kim Đạt được xác định không có vai trò quyết định trong việc mua tàu Hoa Sen nên CQĐT quyết định đình chỉ điều tra.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Thanh niên, Tiền phong)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo