Tin tức - Sự kiện

Vinasun kiện Grab: Grab nói gì về việc lỗ gần 1.700 tỉ đồng?

(DNVN) - Sáng 19/10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) về "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".

'Đại chiến' Vinasun-Grab: Bác yêu cầu giữ bí mật kinh doanh của Grab / Quy định mới về kinh doanh vận tải đa phương thức

Grab lỗ 1.700 tỉ không phải do quảng cáo hay tiếp thị

Trong phiên tòa sáng nay, HĐXX và đại diện VKSND TP.HCM chủ yếu xoay quanh vấn đề như: Vì sao Grab lỗ gần 1.700 tỉ đồng trong 4 năm qua, mục đích kinh doanh của Grab là gì?

Ông Jerry Lim (áo đen) - đại diện Grab tại tòa (Ảnh: DL).

Ông Jerry Lim (áo đen) - đại diện Grab tại tòa (Ảnh: DL).

Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP.HCM cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2014-2017, Grab báo lỗ 1.726 tỉ đồng. Chủ yếu lỗ ở các khoản quảng cáo và tiếp thị. Cụ thể, năm 2017, doanh thu của Grab chỉ đạt 758 tỉ đồng, còn lỗ... 788 tỉ đồng, các năm khác cũng tương tự.

Về vấn đề này, ông Jerry Lim - CEO Grab Việt Nam cho rằng, báo cáo của Bộ Tài chính là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, ông Jerry Lim giải thích, việc thua lỗ này không phải do quảng cáo hay tiếp thị.

"Trong năm 2017, Grab thu được 758 tỉ đồng và lỗ 788 tỉ đồng là do chi phí bán hàng. Bên cạnh đó, Grab còn thưởng cho đối tác tài xế và chi phí phát triển công nghệ của Grab", ông Jerry Lim trình bày.

Trả lời câu hỏi tại sao phải thưởng cho tài xế, ông Jerry Lim cho rằng, bởi vì các tài xế chăm chỉ. Do đó Grab thưởng để họ hăng hái tinh thần làm việc và giúp xã hội phát triển hơn.

 

Đại diện Grab thông tin thêm, mục tiêu đầu tư vào Việt Nam là, làm cho thị trường Việt Nam hiểu nền tảng kinh doanh của Grab. Đồng thời còn để cho thị trường có thời gian hiểu về công nghệ và khách hàng sử dụng công nghệ trên điện thoại thông minh. Từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ, giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn. Để làm được điều này, Grab sẵn sàng bỏ tiền đầu tư trong khi vốn điều lệ của Grab chỉ 20 tỉ đồng.

"Chúng tôi còn có nhiều dịch vụ khác như giao đồ ăn, giao hàng, giao hồ sơ - tài liệu, thanh toán thông qua kỹ thuật số. Chúng tôi dùng công nghệ để tạo ra cuộc sống tốt hơn và đây cũng là mục tiêu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện", ông Jerry Lim cho biết.

Cũng tại phiên tòa, vị CEO Grab Việt Nam cho biết thêm, ngành nghề kinh doanh Grab là phát triển phần mềm và ứng dụng máy tính. “Thông thường, các công ty sẽ cố gắng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh. Bởi vì họ không biết trước được sẽ sử dụng ngành nghề nào. Cũng giống như Vinasun, Grab đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh”, đại diện Grab trình bày.

Tuy nhiên, Grab cho biết, dù phía công ty đăng ký nhiều ngành nghề nhưng Grab không sử dụng hết. Đơn cử, ngày 2/3/2017, Grab nhận được quyết định của Bộ Công Thương, đề nghị Grab rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa sử dụng ngành nghề đó. Theo đó, Grab đã tiến hành rút bỏ ngành nghề này.

Đặc biệt, ông Jerry Lim cho biết, năm 2018, Grab sẽ đóng thuế tăng gấp 3 lần so với số thuế mà năm 2017 đã đóng.

 

Grab là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun?

Về phần mình, đại diện Vinasun cho biết, căn cứ các báo cáo tài chính, sau khi so sánh cùng một môi trường kinh doanh, phía Vinasun phát hiện ra những khó khăn từ khi Grab "tấn công" vào thị trường Việt Nam.

Toàn cảnh phiên tòa ngày 19-10 giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn Grab (Ảnh: DL).

Phiên tòa ngày 19-10 giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn Grab (Ảnh: DL).

Theo đó, trước khi Grab đưa hoạt động taxi vào thị trường thì doanh thu của Vinasun tăng trưởng bình thường. Tuy nhiên, vào giai đoạn 2015 – 2016, khi Grab bắt đầu đi vào hoạt động thì doanh thu của Vinasun có dấu hiệu giảm dần.

 

"Khi xem xét báo cáo tài chính, so sánh doanh thu của công ty mẹ, tỉ lệ doanh thu bị sụt giảm. Năm 2017 so với 2016 giảm 43,2%", đại diện Vinasun dẫn chứng.

Theo Vinasun, mỗi năm, Vinasun đều phải đầu tư thay ôtô mới vì xe chỉ hoạt động tối đa 8 năm. Khi có những tác động thì doanh nghiệp có phản ứng nhưng vẫn phải nỗ lực như thay đổi hình ảnh, quá trình hoạt động kinh doanh...

Đồng thời, vị đại diện Vinasun thông tin, năm 2014 Grab bắt đầu vào thị trường. Đến năm 2015, Grab đã hoạt động phát sinh doanh thu nhưng theo quy định của Thông tư 63/2014/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải thì Grab không được kết hợp với các tài xế.

Từ đây, Vinasun cho rằng, Grab và những hoạt động của doanh nghiệp này tại Việt Nam là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun...

DNVN sẽ theo dõi và thông tin tiếp.

 

Vinasun kiện Grab vì cho rằng Grab cạnh tranh không lành mạnh

Theo thông tin DNVN thu thập được, Vinasun cho rằng suốt thời gian qua, Grab có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun. Theo Vinasun, việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công Thương, thì Grab lại khuyến mãi tràn lan quanh năm mà không đăng ký.

Để chứng minh cho việc mình kiện là đúng, Vinasun cung cấp nhiều chứng cứ, văn bản, hình ảnh và hàng chục video... thể hiện Grab Taxi kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Phía Vinasun cũng yêu cầu tòa án buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 41 tỉ đồng. Đây là số tiền mà phía Vinasun cho rằng vì sự cạnh tranh không lành mạnh của Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun.


Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm