Tin tức - Sự kiện

Di dời hơn 500.000 dân nếu bão cấp 8 đổ bộ vào Sài Gòn

Nếu bão cấp 8 đổ bộ vào TPHCM, cơ quan chức năng phải tổ chức di dời hơn 500.000 dân, trong đó quận 8 di dời nhiều nhất với gần 87.000 người.

Dự báo thời tiết 14/8: Tâm bão nằm trên vùng biển Quảng Ninh-Nam Định / Vụ hồ tôm xả 1.000m3 nước thải ra biển: Xử phạt hơn 400 triệu đồng

Theo phương án phòng, tránh ứng phó bão của UBND TPHCM, các địa phương phối hợp cơ quan chức năng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ, sập và những khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) di dời đến nơi trú bão an toàn khi bão số 16 năm 2017 đổ bộ vào TPHCM (ảnh: Đình Thảo)
Người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) di dời đến nơi trú bão an toàn khi bão số 16 năm 2017 đổ bộ vào TPHCM (ảnh: Đình Thảo)

Trường hợp bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h) sắp vào, cơ quan chức năng sẽ sơ tán hơn 106.300 hộ với hơn 500.000 người ở 24 quận, huyện. Riêng huyện đảo Cần Giờ di dời khoảng 4.400 dân.

Trường hợp có bão cấp 10-13 (89-149 km/h), sẽ có hơn 108.000 hộ với hơn 506.000 dân phải di dời, trong đó huyện đảo Cần Giờ di dời hơn 2.300 hộ với hơn 8.300 người.

Đáng chú ý, trong cả 2 trường hợp trên, quận 8 phải di dời gần 22.000 hộ với gần 87.000 người; quận 9 di dời dân ít nhất với 188 hộ, khoảng gần 800 người.

UBND TPHCM yêu cầu chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng phải tổ chức di dời cho người dân trước 12 tiếng hoặc 24 tiếng so với thời điểm dự báo bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố.

Dự kiến, thành phố sẽ huy động lực lượng tham gia di dời, sơ tán người dân gồm quân sự, công an, bộ đội biên phòng, phòng cháy chữa cháy, y tế, hội chữ thập đỏ, thanh niên xung phong, đoàn thanh niên… khoảng gần 7.000 người, cùng hơn 1.000 phương tiện.

Lãnh đạo 24 quận, huyện, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trực tiếp xuống địa bàn phường, xã, thị trấn tại khu vực di dời dân và các điểm tạm cư để kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch chu đáo, an toàn.

Đồng thời, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của dân tại những nơi đã di dời.

Cũng theo phương án này, UBND TP yêu cầu tùy tình hình thực tế cơ quan chức năng quyết định cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm soát chặt việc xuất bến; cấm đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu vận tải (không bao gồm tàu biển), tàu nhà hàng...

Đối với tàu biển hoạt động trong vùng nước cảng biển, Cảng vụ Hàng hải thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới, bão và chỉ thị của Cục Hàng hải Việt Nam để điều động tàu thuyền tránh, trú bão an toàn.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện quyết định cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn thành phố.

Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm