Tin tức - Sự kiện

Đột quỵ có thể tầm soát và phòng ngừa

DNVN - Trước diễn biến đáng báo động của tình hình bệnh đột quỵ não hiện nay, nhất là tình trạng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa, Doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi với Ths.BS Ngô Đức Hải, Tổng Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng về việc phòng ngừa và phát hiện sớm nguy cơ của căn bệnh nguy hiểm này.

Đà Nẵng: Du lịch Golf là sản phẩm trọng điểm thu hút du khách Hàn Quốc / Những câu hỏi đặt ra khi thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở Đà Nẵng

Xin ông cho biết tình hình bệnh đột quỵ não hiện nay đáng báo động như thế nào?

Ths.BS Ngô Đức Hải: Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm để lại nhiều di chứng nặng nề, là gánh nặng về cả sức khỏe và kinh tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên.

Ths.BS Ngô Đức Hải, Tổng Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng

Ths.BS Ngô Đức Hải, Tổng Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng.

Ở Việt Nam, tỷ lệ bị đột quỵ ngày càng tăng, từ 200/100.000 người/năm (1990) lên 250/100.000 người/năm (2010); mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca mắc đột quỵ mới và 11.000 tử vong do đột quỵ. Theo công bố của Bệnh viện Đà Nẵng thì trong tuần đầu tháng 8/2022 đã liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ, trong đó đáng lưu ý là các trường hợp phình mạch não, dị dạng động tĩnh mạch não gây xuất huyết não ở người trẻ, tuổi từ 25-43.

Các triệu chứng thường gặp khi bị xuất huyết não là đau đầu đột ngột, dữ dội, ói mửa, chóng mặt… 80% ca phình não đến bệnh viện trong tình trạng đã vỡ, thường chỉ 20% là được tầm soát (chụp CT mạch não, chụp MRI mạch não đánh giá các nguy cơ từ vị trí đau đầu) lúc chưa vỡ.

Cũng theo công bố của Bệnh viện Đà Nẵng, trong hơn 50 ca đang điều trị tại Khoa Đột quỵ của bệnh viện này thì có 1/5 là xuất huyết não và nhiều ca là người dưới 45 tuổi. Trung bình mỗi năm, bệnh viện này có khoảng hơn 100 trường hợp vỡ túi phình cần phải mổ hoặc can thiệp.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình trạng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa?

Ths.BS Ngô Đức Hải: Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ tăng cao là do các bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, lạm dụng rượu bia… Hiện nay các bạn trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá sớm, ăn nhiều thức ăn nhanh. Do đó quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây, điều này sẽ thúc đẩy tế bào bất thường phát triển sớm hơn so với tuổi.

Cùng với đó là tình trạng ít hoặc lười vận động. Nhiều người sau giờ làm thường dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại, thậm chí thức khuya để lướt điện thoại mà không chú ý tập thể dục, vận động cơ thể. Điều này làm thay đổi nội tiết khiến các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng. Cũng có yếu tố về gen, di truyền, song có thể nói lối sống thiếu lành mạnh, tích cực, cộng với môi trường ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Hậu quả của đột quỵ não đáng sợ như thế nào, thưa ông?

Ths.BS Ngô Đức Hải: Đột quỵ hiện được xem là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở mọi quốc gia. Theo các nghiên cứu, đột quỵ não được phân thành 2 loại chính là đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu não (nhồi máu não) chiếm 80% và đột quỵ chảy máu não do vỡ mạch máu não (xuất huyết não) chiếm 20%.

Khác với các bệnh lý khác, đột quỵ não thường xảy ra bất ngờ, đột ngột, ít có dấu hiệu báo trước, thường là trên cơ thể người đang khỏe mạnh, đang sinh hoạt, làm việc bình thường và không loại trừ bất cứ ai; đến khi có biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, các bệnh mạch máu não khác như dị dạng mạch máu não bẩm sinh, phình mạch máu não… cũng là nguy cơ tiềm ẩn khó đoán gây đột quỵ ở người trẻ và trẻ em.

Tầm soát sớm ung thư, đột quỵ bằng hệ thống máy MRI 3.0 Tesla Lumina tại Thiện Nhân Đà Nẵng.

Tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ não bằng hệ thống máy MRI 3.0 Tesla Lumina tại Thiện Nhân Đà Nẵng.

Theo một số thống kê, khi xảy ra đột quỵ não thì 30% có thể tử vong, 30% có thể tàn phế, 40% có thể bị ảnh hưởng nhẹ. Tùy mức độ tổn thương của từng vị trí chức năng trên não, người bị đột quỵ có thể gặp những di chứng như hạn chế khả năng vận động, thậm chí không thể vận động tay chân; hạn chế khả năng diễn đạt lời nói, nói ú ớ, líu nhíu…; mất khả năng kiểm soát cảm xúc, dễ cáu gắt, dễ buồn, mặc cảm tự ti về bản thân, trầm cảm…; thị lực giảm tầm nhìn, mờ mắt; ăn uống khó nuốt và dễ sặc…

Ông có lời khuyên nào nhằm giúp phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh này?

Ths.BS Ngô Đức Hải: Hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ não. Trong đó việc thiết lập lối sống lành mạnh là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe; đồng thời tầm soát sớm đột quỵ não bằng các hệ thống máy chụp cộng hưởng từ, để kịp thời xử lý đẩy lùi bệnh tật và tránh những biến chứng nguy hiểm.

Để thiết lập lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa đột quỵ não cần tránh hút thuốc chủ động cũng như bị động. Có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, thực phẩm giàu chất xơ và protein; tránh thừa cân và giữ cân nặng ổn định. Đồng thời tăng cường hoạt động thể chất như chơi thể thao, tập thể dục…; hạn chế sử dụng rượu bia và kiểm soát căng thẳng.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu có thể đột quỵ não sẽ giúp có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, không để dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm