Giáo dục

"Phiên tòa facebook": Phê phán cái sai nhưng xin đừng vội kết tội

(DNVN)- Không phủ nhận tính lan tỏa, có hiệu ứng và đặc biệt là chức năng giám sát, phản biện có hiệu quả của mạng xã hội. Nhưng bên cạnh những cái được đó, có những "phiên tòa facebook" với những lời "buộc tội" khiến cho người trong cuộc "sống dở, chết dở".

Chinh phục học bổng danh giá bằng đam mê công nghệ / 20 sinh viên được nhận học bổng Năng lượng tương lai

"Phiên tòa facekook" xin mở đầu câu chuyện đang nóng hổi xảy ra trong ngành giáo dục.

Câu chuyện thứ nhất: Nguyên nhân từ bệnh thành tích

Dư luận chưa hết bức xúc chuyện cô giáo Thủy ở Quảng Bình đã ra hình phạt: Cả lớp mỗi bạn tát 10 cái với học sinh vi phạm. Cậu học trò đã phải nhập viện vì lãnh trọn 230 cái tát của bạn bè, vài cái tát thứ 231 là của cô chủ nhiệm.

Công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án. Cô giáo Thủy có lẽ đã không ngờ đến hành vi của mình lại nghiêm trọng đến mức phải khởi tố. Cô Thủy yên tâm vụ việc không bị vỡ lở, vì đã từng áp dụng hình phạt này với 9 học sinh trong lớp mà...xã hội không hay.

Chỉ đến khi cậu học trò thứ 10 chịu hình phạt tát thì vụ việc mới được mọi người biết đến.


Cơn thịnh nộ từ nạng xã hội bùng lên với những lời lên án, chỉ trích gay gắt hình phạt tát mà cô giáo Thủy áp dụng cho học sinh của mình.

Nhưng nói tóm lại là, chung quy chỉ vì cái tiêu chí, cái danh hiệu trường chuẩn quốc gia với mấy mức độ mà Bộ GD-ĐT đặt ra cho các trường phấn đấu.

Chỉ những người trong ngành giáo dục mới hiểu cái danh hiệu ấy mang lại lợi ích cho những ai?

Trường đạt chuẩn và giữ được danh hiệu này, được nâng lên mức độ cao hơn, hiệu trưởng nhà trường sẽ dễ nằm trong cơ cấu lên chức. Lãnh đạo phòng GD-ĐT cũng mở mày mở mặt, địa phương cũng vinh dự theo.

Bộ GD-ĐT cũng cần xem rằng, những tiêu chí chuẩn quốc gia đó đã thực sự coi học trò là trung tâm chưa? hay toàn là những con số với tỷ lệ phải phấn đấu?

Danh hiệu này sẽ không báo giờ đến với các trường học ở miền núi, vùng sâu vì còn thiếu thốn đủ điều. Nhưng các trường "không với tới" danh hiệu chuẩn quốc gia lại đang coi học trò là trung tâm chứ không phải là thành tích.

Ước mơ của cô giáo Trần Thị Hiền, cô giáo cắm bản tại Trường Mầm non điểm trường Xà Phìn, Bát Đại Sơn, Quảng Bạ, Hà Giang thật đơn sơ và giản dị: Mình phải cố gắng để dựng ước mơ đổi đời cho bọn trẻ. Ước mơ của dân bản, thày cô là điểm trường Xà Phìn được dựng khang trang, để không còn lo nhà cũ sụp đổ và nhất là không phải đi tắm, đi vệ sinh ngoài rừng.

Còn nhớ sự kiện gây chấn động ngành giáo dục. Cũng xuất phát từ nguyên nhân của căn bệnh thành tích mà ra.

Đó là chuyện Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã thẳng thắn" Xin từ chức" chứ không chạy theo thành tích tốt nghiệp phải tăng mỗi năm.

Năm 2010, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT rằng, tỷ lệ tốt nghiệp đang từ bậc 42 tụt xuống bậc 44. Ông Dương Thế Phương khẳng định chất lượng giáo dục đang tăng đúng thực chất. Bởi một thời gian dài, giáo dục chạy theo thành tích, tỷ lệ tốt nghiệp không đúng thực chất.

Ông Phương nhấn mạnh: Khi làm chặt quy trình thi tuyển thì tỷ lệ tốt nghiệp có giảm xuống nhưng đúng thực chất. Nếu buông lỏng công tác coi thi thì "bài toán" tỷ lệ đậu sẽ khác liền. Năm nay tỷ lệ tốt nghiệp nhiều tỉnh, thành tăng mạnh đã tạo nên áp lực với tôi.

Và băn khoăn, day dứt của ông Dương Thế Phương- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã có câu trả lời tại kỳ thi tốt nghiệp năm học 2017-2018, khi nhiều địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao bất ngờ.

Các ngành chức năng vào cuộc, làm sáng tỏ sự gian dối trong việc sửa điểm, có những học sinh được nâng cả chục điểm. Và ai thực hiện hành vi gian dối này, không ai khác là người có quyền trong ngành giáo dục.

Những học trò được khoác lên chiếc áo "gian dối điểm" bởi bàn tay của những thầy cô mưu đồ đen tối, liệu có trở thành người có ích, người có tài cho xã hội? Câu trả lời: Không cần chờ đến ngày mai.

Viện dẫn câu chuyện của Giám đốc Sở GD- ĐT để cho thấy áp lực của căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục bủa vây từ nhiều phía. Từ ngoài dội vào, từ trên dội xuống.

Và cô giáo ra hình phạt tát trò cũng khởi nguồn từ cái danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ II mà Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đang miệt mài leo dốc về đích.

Lớp cô Thủy có trò nói bậy, bị trừ điểm thi đua thì giáo viên chủ nhiệm chịu áp lực đầu tiên. Thi đua quyết định tiền thưởng, lên lương...

Chính vì cái danh hiệu trường chuẩn quốc giá mức độ II mà cả hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục huyện Quảng Ninh ém nhẹm chuyện học sinh phải chịu hình phạt tát tập thể. Chỉ đến khi trò H.L.N phải nhập viện thì mọi người mới tỏ.

Hình phạt của pháp luật chưa có, nhưng cô giáo Thủy đã phải chịu hình phạt quá lớn từ "phiên tòa Facebook", với những lời cáo buộc nặng nề, thậm chí còn hiến kế "tát lại" 231 cái tát với cô giáo Thủy. Chưa kể những lời lẽ xem như cô giáo Thủy như một tội đồ. Khi cô Thủy nhập viện vì tinh thần hoảng loạn, có người còn nghi ngờ cô giáo này diễn kịch.

Bản án của "Phiên toà facebook" như "đóng đinh" vào phần đời còn lại của cô giáo Thủy

Hình phạt cô Thủy áp dụng với học trò là phản giáo dục, vi phạm pháp luật, nhưng ở mức độ nào thì hãy để luật pháp phán xét. Vì cô giáo còn có cha mẹ, con cái. Họ sống ra sao khi đọc được những cáo buộc lời lẽ kinh hoàng từ mạng xã hội.

Câu chuyện thứ 2: Nửa sự thật không phải là sự thật

Chuyện cô giáo ra hình phạt tát học trò chưa nguôi ngoai thì clip ghi hình ảnh bé trai học mẫu giáo nằm sấp, có sợi dây buộc sau áo nối với cửa sổ.


Ôi chao! xem hình ảnh đó ai mà không bức xúc thì người đó được cho là "không có trái tim", là vô cảm... Và ngôi trường đó được nhanh chóng tìm ra: Trường Mầm non B Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định).

Nhưng đó mới chỉ là một nửa của sự thật. Ngạn ngữ có câu: Nửa chiếc bánh mì là chiếc bánh mì. Một nửa sự thật chưa phải là sự thật, Và hoàn toàn đúng trong trường hợp "cháu bé bị buộc dây treo". Ngay cả truyền thông đưa tin cũng chưa đi đến tận cùng của sự thật.

Cháu bé này có hoàn cảnh thật đặc biệt, bố mất khi chưa lọt lòng, mẹ bị bệnh trầm cảm bỏ đi lang thang, bé ở với bà nội. 4 tuổi mà chưa nói được, cháu có biểu hiện tăng động hay chạy, nhảy. Theo bà nội cháu bé, cháu vẫn phải đi Viện Nhi điều trị.

Cháu bé P trí tuệ không phát triển bằng bạn cùng lứa, trong khi các bạn ngủ thì bé nghịch, chạy... và bé được xác định có dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Vì không có tiền nên bà nội cho cháu về quê, không điều trị theo phác đồ của Viện Nhi.

Vì phải kiếm kế sinh nhai, bà nội phải gửi cháu vào trường mẫu giáo. Trẻ bị bệnh tự kỷ cho học chung với học sinh phát triển bình thường là vô cùng khó khăn cho cô giáo và trò.

Chỉ có những gia đình có con bị bệnh tự kỷ thì mới thấm được nỗi cực khổ của căn bệnh tự kỷ. Cô giáo buộc dây trong giờ ngủ để cháu khỏi chạy lung tung, nghịch phá, ảnh hưởng đến cả lớp.

Dẫu biết rằng, việc cô buộc dây học trò là phản cảm, phản giáo dục. Nhưng khi biết bé P bị bệnh tự kỷ thì phần nào cũng có người cảm thông với cô giáo hơn. Nhưng "lẽ phải" vẫn thuộc về số đông. Dù chắc rằng, hình phạt kỷ luật sẽ có với hai cô giáo.

Tiếc là bé P không còn bố, còn mẹ để có được yêu thương, chăm sóc như bé Ong được kể ở câu chuyện dưới đây.

Âu, mỗi người một phận.

Và hành trình của một người mẹ có con tự kỷ

Một người phụ nữ đang bơi gần đó đã tát Ong 1 cái.

- Chị ơi, con em là đứa trẻ tự kỷ. Em xin lỗi nếu làm chị phật ý. Nhưng hành động của chị là không chấp nhận được…

- Em phải biết bảo vệ con chứ!

Lúc ấy, chị Bạch Thùy Linh đã mong người phụ nữ kia cũng có con, cháu, người thân mắc hội chứng tự kỷ để họ biết cảm giác của chị lúc này.

Bé Ong (Ảnh: Gia đình net)

Bé Ong (Ảnh: Gia đình net)

...Đó là câu chuyện của mẹ con chị Linh 4 năm về trước. Giờ thì Ong đã đi học hòa nhập. Cậu có sở thích học tiếng Anh, lắp lego, đam mê máy bay, tàu hỏa, tàu thủy.

“Khi con bước ra cuộc sống thì ai sẽ chơi với con?” Đó là câu hỏi thường trực trong đầu người mẹ.

Giữa năm 2014, 1 tuần sau khi trở về từ bệnh viện vì bị sởi, Ong có biểu hiện khó chịu, hay cáu kỉnh, và thường xuyên không hợp tác với bố mẹ. Lờ mờ nhận ra điều gì đó bất thường nhưng chị vẫn cho Ong tiếp tục đi học mầm non.

Nhận cuộc gọi từ trường Ong đang học, cô giáo nói Ong khác các bạn, cậu liên tục di chuyển, không chịu ngồi yên dù chỉ trong 15 phút. Cô giáo của Ong khuyên chị Linh nên đưa con đi khám.

Chị Linh nhớ như in ngày 24/6/2014 đó, chị đưa Ong tới đánh giá tại Trung tâm Giáo dục & hòa nhập trẻ em và cô kết luận con mắc chứng tự kỷ. Suốt 3 tuần từ khi biết tin ấy, chị đã hoảng hốt nghĩ phải giấu biệt chuyện này đi, không thì ai dám chơi với con, mọi cánh cửa của con sẽ đóng lại.

Con là học sinh đặc biệt nhất của mẹ.

Để giúp con trai, từ một người không biết gì về tự kỷ, chị Linh không bỏ qua bất cứ tài liệu nào về hội chứng này. Chị tự tìm cho mình giáo án phù hợp với con trai. Chị dành toàn bộ thời gian rảnh mỗi ngày để tìm, ghi chép và tập hợp thành cuốn giáo án đặc biệt cho cậu học sinh đặc biệt nhất của chị.

Và phải mất 1 năm luyện tập trung mắt, con mới dừng lại được ánh nhìn vào mắt người khác chừng 2 giây. Để luyện sự tập trung cho con, cả nhà phải gần hết thời gian buổi tối để đi bộ, tập cho con bước đi kiên nhẫn chứ không chạy vụt đi mất kiểm soát.

Mỗi lần Ong học lớp học mới, chị Linh nín thở, thót tim nghe ngóng xem con có hành vi lạ không, có hợp tác với thầy cô không?

Chị Linh chia sẻ: Nuôi một đứa con tự kỷ, dù nhẹ hay nặng, đó là khi bạn phải đối mặt với ba thứ kiệt quệ, một là kiệt quệ về tài chính, hai là kiệt quệ về tinh thần, và ba là sức lực. Học phí học can thiệp trung bình của một trẻ tự kỷ khoảng 8-12 triệu đồng một tháng, bằng 5 bạn học trường tư và hơn 10 bạn học trường công, chưa kể các chi phí ăn uống, sinh hoạt, đồ chơi, học thêm các môn khác.

Tùy mức độ nặng, nhẹ của con, các ông bố bà mẹ cứ xác định đó là cuộc chiến dài hơn 3-5 năm hay thậm chí cả đời. Tôi giành giật từng phút trong quỹ thời gian eo hẹp, buông bỏ công việc để dạy con, học cùng con mọi thứ”. ( lược ghi - theo Gia đình net)


Thanh Thư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm