Môi trường

Diễn tập ứng phó với động đất, sóng thần cho học sinh

DNVN - Chương trình diễn tập “Ứng phó với sóng thần - đa thiên tai” đã diễn ra từ ngày 23-24/8 tại Quảng Nam nhằm giúp các em học sinh trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình, được an toàn trước thiên tai, đặc biệt là động đất, sóng thần.

Phát hiện dấu hiệu cổ sóng thần ở Nghệ An / ADB cam kết giúp châu Á ứng phó với thiên tai

Chương trình diễn tập “Ứng phó với sóng thần - đa thiên tai” do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Phát biểu khai mạc buổi diễn tập, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, học sinh cần được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình và để được an toàn.

Các cuộc diễn tập tại trường học và tại cộng đồng đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai, như bão, nước biển dâng, lũ lụt và sóng thần.

Học sinh được diễn tập cách sơ cứu khi xảy ra động đất, sóng thần.

Ông Takashi Suzuki, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản đã khiến cho hơn 18.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, do được tập huấn kỹ về thảm họa sóng thần và động đất, tất cả học sinh trường tiểu học và trung học cơ sở của một thành phố đã bảo toàn được tính mạng do đã kịp sơ tán lên khu vực cao trước khi sóng thần ập đến.

Khi những học sinh đầu tiên tại trường trung học cơ sở nhận tin là sắp xảy ra sóng thần, các em đã chủ động hô to “có sóng thần” với các bạn khác trong trường rồi cùng nhau chạy lên trên đồi.

Khi đến được điểm sơ tán đầu tiên, các em lại quyết định chạy tiếp lên khu vực cao hơn. Sóng thần đã ập đến ngay điểm sơ tán đầu tiên và có thể thấy các em học sinh đã có quyết định sáng suốt để cứu chính mình.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nghiên cứu động đất tại vùng nguồn máng biển sâu Manila, Philippines được đánh giá là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam.

Nếu xảy ra động đất với độ lớn cực đại lên đến M = 9,3 tại khu vực này thì mức độ nguy hiểm sóng thần tác động trên toàn dải ven biển Việt Nam. Khi đó, có thể có rủi ro thiên tai cấp độ 4, tương ứng với độ cao sóng từ 8m đến 16m tại khu vực ven biển từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến tỉnh Bình Thuận, vào sâu trong đất liền có thể tới 2-3km.

"Để chủ động ứng phó nguy cơ xảy ra sóng thần, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng công tác cảnh báo, ứng phó khi xảy ra sóng thần cho các địa phương ven biển với nhiều giải pháp, kế hoạch sơ tán và hành động cho từng cấp chính quyền cho tới các trường học, cộng đồng dân cư ven biển”, ông Tiến nói.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm