Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ luôn chủ động đến với người lao động

Chiều 24/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự diễn đàn “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm HIV sẽ bị xử phạt / Dự báo thời tiết 25/9: Nắng nóng bao trùm khắp miền Bắc

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội từ 24 - 26/9. Tham dự diễn đàn còn có Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, các thành viên Chính phủ và đại diện các bộ, ngành.
Trao đổi tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Theo Thủ tướng, nói đến năng lực cạnh tranh quốc gia là đề cập tổng hợp các yếu tố: thể chế, chính sách, năng lực vận hành nền kinh tế và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, năng suất trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, mang lại sự thịnh vượng bền vững cho quốc gia. Việc Chính phủ và Công đoàn đồng hành tức là cùng đi, cùng bước.
Thủ tướng đặt ra 6 câu hỏi cho các đại biểu, trong đó có vấn đề liên quan tới thời cơ và thách thức trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 - 10 năm tới; đánh giá về năng suất lao động và cơ chế thay đổi năng suất lao động ở Việt Nam; làm gì để ứng dụng khoa học công nghệ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Việt Lâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Việt Lâm.

Xây dựng chương trình hành động thích ứng với cách mạng 4.0

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về thách thức và thuận lợi mà Việt Nam đang phải đối mặt, ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương, cho rằng bên cạnh thuận lợi, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là có nguy cơ lỡ nhịp với đoàn tàu Cách mạng công nghiệp 4.0; nguy cơ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng cùng nguy cơ bất ổn xã hội...
Ông Huy đề xuất: “Chính phủ quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó là tăng cường đào tạo lao động chất lượng cao để thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, để người lao động có điều kiện học tập suốt đời. Ngoài tăng cường giảm sự phân hoá giàu nghèo, Chính phủ hỗ trợ công đoàn xây dựng nhà ở, khu sinh hoạt cho công nhân lao động”.
Trước câu hỏi của Thủ tướng về nhìn nhận thực trạng năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động, đại biểu Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế, thẳng thắn cho rằng năng suất lao động Việt Nam nói chung đang ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ luôn chủ động đến với người lao động - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Việt Lâm.
Ngoài các nguyên nhân đa số người lao động không có tay nghề và không có tính kỷ luật, ở góc độ người lao động, bà Hương nhìn nhận: “Việc chia sẻ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa hài hòa, dẫn đến những xung đột không đáng có, làm giảm năng suất lao động. Bên cạnh đó, thù lao cơ sở trả cho người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp thấp hơn bình quân lương cơ sở, kể cả những phúc lợi xã hội của doanh nghiệp với người lao động cũng chưa được tốt”.
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương kiến nghị Chính phủ cần thống kê số liệu định hướng cho người lao động về việc ngành nào, nghề nào đang “hot”, cần lực lượng lao động, để người lao động biết được, chuẩn bị kỹ năng, tay nghề, để khẳng định mình tại nơi làm việc. Người cần phải đưa quan hệ hài hòa lợi ích vật chất giữa người lao động và người sử dụng lao động vào thỏa ước lao động, để người lao động tin tưởng vào doanh nghiệp của mình.

"Chính phủ đã chủ động đến với người lao động"

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Trong thời gian qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng. Chính phủ đã chủ động đến với người lao động, lắng nghe, chia sẻ với tổ chức công đoàn và người lao động, có sự chuyển biến về chất trong phối hợp giữa hai bên. Tổng Liên đoàn Lao độngViệt Nam cũng đã có nhiều sự đổi mới trong việc đồng hành cùng người lao động, đóng góp vào sự phát triển của đất nước".
Về định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng chỉ đạo tổ chức công đoàn cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ công nhân viên chức nâng cao năng suất lao động, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận dụng sáng tạo ở mọi cấp, mọi ngành, có chương trình hành động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đóng góp xây dựng đất nước phát triển bền vững, đưa nội dung nâng cao năng suất lao động vào chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới.
Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp quan tâm chăm lo tốt cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để nâng cao năng suất lao động.
Theo thanhnien.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm