Tin tức - Sự kiện

VASEP đề nghị Chính phủ bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản

DNVN - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi thư khẩn thiết lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản.

VASEP: Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên bình tĩnh, không hạ giá / VASEP kiến nghị không kiểm dịch sản phẩm thủy sản chế biến theo Luật Thú y

Trong 5 năm, Chính phủ đã ra các Nghị quyết 19 và 02 về cắt giảm danh mục kiểm tra, quản lý rủi ro, hậu kiểm, trong đó nêu rõ có rà soát, sửa đổi nội dung kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu, phân biệt kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).
Nhưng đi ngược lại tinh thần của các nghị quyết này, từ 2010 đến nay, càng về sau, đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch” trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.
VASEP đề nghị Chính phủ bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản.

Ngày 29/11/2021, VASEP đã gửi thư khẩn thiết lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vướng mắc lớn nhất của cộng đồng thủy sản hiện nay đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục “kiểm dịch”.
Bất cập này đã tồn tại suốt 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị cụ thể về nội dung này ghi rõ tại các Nghị quyết 19 (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (năm 2020, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp và nghiên cứu chuyên môn của các chuyên gia, VASEP nhận thấy, hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại các Thông tư về “kiểm dịch” của Bộ NNPTNT bao gồm Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26/2016), Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36/2018) và Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT (TT11/2021) là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.
Do đó, VASEP đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:
Thứ nhất, bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.
Thứ hai, bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).
Thứ ba, tối ưu hoá các quy định về kiểm dịch với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản trên nguyên tắc là vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh nhưng cũng vừa bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế (theo các nguyên tắc vệ sinh thú y của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và các nguyên tắc kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ,…) trong cán cân thương mại với các nước và trên cơ sở đánh giá nguy cơ đối với từng dòng hàng và lịch sử tuân thủ của các doanh nghiệp, không kiểm “dàn hàng ngang” 100%.
Thứ tư, sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy.
Thứ năm, sửa đổi 3 Thông tư nêu trên (26/2016, 36/2018 và 11/2021) của Bộ NNPTNT ngay trong Quý I/2022 để phân định rõ hoạt động kiểm tra nhập khẩu phù hợp với các danh mục sản phẩm khác nhau.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm