Xã hội

Du lịch Hà Tĩnh nỗ lực “hồi sinh” sau đại dịch

DNVN - Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên, những năm gần đây ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đang cùng với các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Sẽ xây dựng 5 vùng nguyên liệu sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, chất lượng cao / 2.680 tỷ đồng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL

Thức dậy những tiềm năng

Hà Tĩnh nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, là một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Đông - Tây”, có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi nối liền các trung tâm du lịch lớn của Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong khối ASEAN. Được thiên nhiên ưu ái với những danh thắng độc đáo, cùng nét đẹp văn hóa truyền nối từ bao đời, Hà Tĩnh sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch Hà Tĩnh còn thấp, các điểm du lịch còn thiếu các loại hình dịch vụ bổ sung, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể để thu hút và tăng chi tiêu của khách du lịch. Doanh thu về hoạt động du lịch và đóng góp vào ngân sách tỉnh còn ở mức thấp.

1

Biển Thiên Cầm với cát trắng, nắng vàng lung linh.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như vị trí địa lý và giao thông không thuận lợi so với một số tỉnh (không có sân bay, ga tàu xa trung tâm tỉnh lỵ), còn có một số nguyên nhân khác như: Các tài nguyên du lịch phân bố không tập trung, nên việc quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng thành những khu du lịch tổng hợp, đồng bộ với quy mô lớn để tạo dựng thương hiệu du lịch Hà Tĩnh khó thực hiện. Xuất phát điểm về hoạt động du lịch còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, Hà Tĩnh lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa bão, lũ lụt, hạn hán đã hạn chế đến phát triển du lịch, đặc biệt là đối với du lịch biển (một năm chỉ khai thác được 3-4 tháng). Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tính thời vụ, hạn chế đến thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của khách, lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đầu tư cho du lịch.

Ngoài ra, du lịch Hà Tĩnh còn bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tháng 4/2016, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Theo Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, trước khi đại dịch xảy ra, du lịch Hà Tĩnh phát triển khá sôi động. Như năm 2019 thu hút hơn 3,8 triệu lượt khách. Trong đó, khách lưu trú đạt gần 1,8 triệu người. Doanh thu dịch vụ du lịch năm 2019 đạt 5.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 3.900 lao động trực tiếp và hơn 13.200 lao động gián tiếp. Trong 2 năm (2020- 2021), do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động du lịch Hà Tĩnh khó khăn, nhiều khách sạn, khu, điểm du lịch trên địa bàn hầu như không có khách.

Năm 2020, Tổng lượng khách tham quan đến Hà Tĩnh là 800 nghìn lượt khách đạt 20,8% so với cùng kỳ năm 2019; khách lưu trú nội địa là 242.500 lượt, giảm 84 % so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều hoạt động sự kiện văn hóa du lịch bị đình trệ, tạm dừng. Năm 2021, khách tham quan, lưu trú tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020 (35%). Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đa số doanh nghiệp du lịch và lữ hành tại Hà Tĩnh đang trong trạng thái “ngủ đông”.

 

Anh Nguyễn Tiến Trình- Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen cho biết, là một đơn vị hoạt động lâu năm và có thương hiệu ở khu vực miền Trung và cả nước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công ty đóng cửa, nhân viên không có việc làm. Công ty đang đứng trước bờ vực phá sản nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài”.

Chị Nguyễn Thị Trâm, một chủ khách sạn tại khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng không khỏi lo lắng: “Ở Hà Tĩnh, các nhà hàng, khách sạn ở vùng biển chỉ hoạt động được 4-5 tháng, còn lại là bão dông triều cường, mưa phùn gió bấc... Mùa hè là lúc để đón khách thì dịch COVID-19 lại bùng phát khiến nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa. Nhân viên phục vụ buộc phải nghỉ nhiều tháng nay mà chưa biết lúc nào mới hoạt động được trở lại".

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 25 công ty lữ hành du lịch, 140 cơ sở lưu trú và hàng loạt nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái nhỏ với vốn đầu tư từ 5-7 tỷ đồng phục vụ du khách với mức giá rẻ đang trong tình trạng “ngủ đông” và có thể phá sản nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài. Nhận định về tình hình trên, đại diện Phòng quản lý Du lịch, Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho rằng, hai năm qua, ngành du lịch phải chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch. Trong thời điểm dịch bệnh, bên cạnh tâm lý lo lắng của du khách thì các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng thực hiện chủ trương phòng dịch là trên hết và đang phải chờ đến khi mọi thứ ổn định trở lại mới có thể tiếp tục.

Tìm giải pháp phục hồi phát triển

 

Ngành du lịch Hà Tĩnh đang từng bước thích nghi với điều kiện mới. Ngày 3/3, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ du lịch năm 2021, bàn giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong năm 2022. Trong đó, tập trung vào những giải pháp lớn, các nhóm chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ, tăng cường xúc tiến, quảng bá, tạo các điểm đến du lịch Hà Tĩnh an toàn, thân thiện.

Để thực hiện yêu cầu của tỉnh, ngành du lịch Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển du lịch, trong đó công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được xác định là một trong ba "điểm nghẽn" của du lịch Việt Nam nói chung Hà Tĩnh nói riêng. Vì vậy, chú trọng nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài để phát triển du lịch.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho biết: Ngành đang tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Hà Tĩnh, điểm đến an toàn”. Thông tin rộng rãi về việc mở cửa các điểm du lịch, xây dựng các quy định hướng dẫn bảo đảm an toàn cho khách du lịch, người lao động và người dân địa phương. Đăng tải thông tin về hình ảnh, con người và tiềm năng của du lịch Hà Tĩnh thông qua các kênh thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội nhằm quảng bá về thương hiệu du lịch Hà Tĩnh. Tổ chức, tham gia các sự kiện giới thiệu, kết nối du lịch Hà Tĩnh tại các thành phố lớn, các tỉnh thành, thị trường truyền thống trong nước và ở các nước không còn dịch. Triển khai đưa vào ứng dụng Giải pháp phần mềm du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách và doanh nghiệp.

Điểm du lịch tâm linh ngã ba Đồng Lộc

Điểm du lịch tâm linh ngã ba Đồng Lộc.

 

Cùng với các giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành còn đề ra nhiều giải pháp về kích cầu du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nhằm động viên khuyến khích các đơn vị phục hồi, phát triển.

Ngay sau khi có chủ trương cho các hoạt động du lịch mở cửa trở lại trong điều kiện "bình thường mới", từ ngày 15/3, ngành du lịch Hà Tĩnh đã triển khai các giải pháp mở cửa du lịch biển, từng bước khôi phục, phát triển du lịch gắn với công tác phòng, chống dịch. Huyện Nghi Xuân đã phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức giải bóng chuyền bãi biển nam, nữ toàn tỉnh, thu hút rất đông vận động viên và du khách đến với Khu du lịch Xuân Thành. Khu du lịch sinh thái Hoa Nắng chuẩn bị với 130 phòng nghỉ và 45 biệt thự độc đáo ven biển, sẵn sàng về cơ sở vật chất, dịch vụ để đón khách. Sân golf Xuân Thành đón nhiều du khách đến vui chơi và giải trí.

Ông Bùi Việt Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, huyện Nghi Xuân xác định phục hồi du lịch là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong thời gian tới.

Tại Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, các nhà hàng, khách sạn đã đầu tư mới cơ sở vật chất, biển quảng cáo, bàn ghế mới, sửa chữa bể chứa thực phẩm, hải sản tươi sống nhằm phục vụ du khách đến thăm quan, tắm biển và thưởng thức ẩm thực địa phương.

 

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 307 khách sạn, nhà nghỉ, với gần 7 nghìn phòng, 7 nhà hàng và 2 trung tâm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi khu vực ven biển như Tổ hợp giải trí sân golf, khách sạn đẳng cấp ven biển đầu tiên tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Mường Thanh, Trường đua chó, đua ngựa Xuân Thành, Công viên nước Vinpearl waterprak Cửa Sót, Khu nhà nghỉ container Xuân Thành đã chủ động xây dựng kế hoạch đón khách vui chơi tắm biển, giải trí gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Hai năm qua, ngành du lịch gặp khó khăn do đại dịch, song tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn vào đầu tư xây dựng các dự án du lịch ven biển. Năm 2021 có 6 dự án với tổng số vốn 57,96 tỷ đồng. Hà Tĩnh đang tiếp tục kêu gọi một số nhà đầu tư tìm hiểu về các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Vingroup với dự án Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh; Tập đoàn T&T với dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam xã Xuân Giang; Công ty CP Vịnh Nha Trang với dự án Khu đô thị du lịch Kỳ Nam; Công ty CP ECOLAND với dự án Tổ hợp du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh... Ngành du lịch Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong năm 2022 đón tổng lượt khách tham quan đạt 800 nghìn lượt người, khách lưu trú nội địa đạt 450 nghìn lượt người, khách lưu trú quốc tế đạt 15 nghìn lượt người. Du lịch biển trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Hà Tĩnh khi Chính phủ có các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Trọng Thắng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm