Xã hội

Viết về phụ nữ, tác phẩm báo chí cần thoát khỏi khuôn mẫu "phụ nữ yếu mềm"

DNVN - Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi viết về phụ nữ, các tác phẩm cần thoát khỏi khuôn mẫu “đóng khung” hình ảnh phụ nữ yếu mềm, gắn với các công việc nhẹ nhàng, nội trợ, chăm sóc gia đình, lo toan cho chồng con... Thay vào đó là hình ảnh phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo, quyết đoán.

Phát động giải báo chí "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương" 2022 / Trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 và Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và môi trường lần thứ VI

Theo Hội Nhà báo Việt Nam (Hội), việc Hội phối hợp với Oxfam tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu “Nâng cao nhạy cảm giới trong xây dựng các sản phẩm báo chí” sáng 12/1, là một phần trong kế hoạch của khóa tập huấn, nhằm hỗ trợ cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên có thêm kỹ năng về sáng tạo tác phẩm lồng ghép giới, có các góc nhìn về giới, tăng cường nhạy cảm giới trong các sản phẩm báo chí, truyền thông.

Nội dung cụ thể của chương trình tập huấn bao gồm: Học viên gửi các tin, bài, chương trình đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng về Ban tổ chức để các chuyên gia đánh giá, nhận xét tác phẩm dựa trên các tiêu chí về giới và đồng thời là căn cứ để Ban tổ chức tổng hợp kết quả khóa học.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, hiện nay, một số cơ quan báo chí, truyền thông, một số phóng viên, nhà báo còn thiếu kiến thức và kỹ năng khi sáng tạo tác phẩm báo chí, sản xuất các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới. Nhiều sản phẩm đã và đang củng cố định kiến giới và góp phần duy trì tình trạng bất bình đẳng giới.

Tập huấn nâng cao nhạy cảm giới trong xây dựng các sản phẩm báo chí.

“Khi viết về phụ nữ, các tác phẩm cần thoát khỏi khuôn mẫu “đóng khung” hình ảnh phụ nữ yếu mềm, gắn với các công việc nhẹ nhàng, nội trợ, chăm sóc gia đình, lo toan cho chồng con... Thay vào đó là hình ảnh phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo nhưng cũng không kém phần quyết đoán”, ông Oanh nói.

Theo ông Oanh, các tác phẩm báo chí xuất hiện hình ảnh những nữ chính trị gia, nữ doanh nhân, nữ nghệ sĩ, hay những phụ nữ thành đạt và quyền lực. Họ được báo chí, phương tiện truyền thông tiếp cận khai thác thông tin với vai trò là chủ thể, là những người có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội.

Báo chí, truyền thông cần từng bước góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của nam giới, phụ nữ, cộng đồng LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào, hoặc đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân) trong đời sống xã hội hiện đại.

Theo TS Lê Văn Sơn - Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng cho biết, nhạy cảm giới là tình trạng nhận thức đầy đủ và đúng đắn về giới; nhận ra sự khác biệt về xã hội giữa các giới và nắm rõ nguyên nhân dẫn tới bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức sự khác biệt mà chưa có biện pháp can thiệp cụ thể.

Để nâng cao “nhạy cảm giới” trong xây dựng các sản phẩm báo chí, nhà báo không sử dụng hình ảnh củng cố hoặc không làm nặng thêm định kiến giới và khuôn mẫu giới vốn có.

Sử dụng hài hòa hình ảnh minh họa, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí. Đảm bảo hiện diện bình đẳng (hình ảnh, ý kiến) của nam, nữ trong sản phẩm báo chí. Sử dụng hình ảnh thách thức lại các định kiến về giới, khuôn mẫu giới truyền thống.

Cùng với đó là định hướng suy nghĩ và quan điểm đúng về giới; xóa bỏ khuôn mẫu - thúc đẩy đa chiều khi phản ánh về giới và sử dụng câu chuyện, hình ảnh truyền cảm hứng về giới và sự chia sẻ, hỗ trợ giữa các giới để cùng thành công.

Sử dụng ngôn ngữ “trung tính” về giới khi phản ánh vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới và khuôn mẫu giới. Mô tả rõ về giới khi phản ánh các khía cạnh giới (nhu cầu, kinh nghiệm, vai trò…) .

Đặc biệt là tránh thổi phồng nguy cơ của một giới nào đó. Các số liệu (liên quan đến con người) sử dụng trong bài viết được tách biệt theo giới tính. Các vấn đề liên quan đến con người được mô tả và phân tích theo từng giới.

Được biết, thông qua chương trình tập huấn, mỗi học viên gửi 5 - 7 tin, bài, chương trình. Thời gian đăng tải tác phẩm từ ngày 12/1 - 10/3/2023. Thời hạn nhận bài đến hết ngày 15/3/2023.

Kinh phí hỗ trợ tác giả gửi tác phẩm: 100.000 đồng/tin/bài. Bài viết hoặc đường link gửi về địa chỉ Email: lienhe.cttdt.hnb@gmail.com hoặc địa chỉ Cổng Thông tin Điện tử - Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, Lô E2 KĐT Cầu Giấy, phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm