Tin tức - Sự kiện

Xóa biệt thự ở rừng phòng hộ Sóc Sơn, Hà Nội có “quân lệnh như sơn”?

(DNVN) -“Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị băm nát”- thông tin dày đặc trên báo chí những ngày qua. Dư luận cả nước quan tâm, chờ đợi kết quả xử lý nghiêm minh của chính quyền TP Hà Nội.

Biệt thự nguy nga mọc trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn / Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt với sự cố mất điện đột ngột

Những biệt thự, villa, khu nghỉ dưỡng... vẫn đang hối hả hoàn thiện ở khu rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội). Chắc rằng, các chủ nhân cho là “chuyện đã rồi” nên chính quyền Hà Nội khó khi xử lý vi phạm.
Những tấm ảnh chụp những tòa nhà lộng lẫy, nguy nga, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng…không chỉ phá rừng mà còn lấn cả hồ Đồng Đò… trên các phương tiện truyền thông, người dân Sóc Sơn bức xúc một, người dân cả nước bức xúc mười.
Biệt thự nguy nga xây trên đất rừng ở xã Minh Trí. (Ảnh: Vietnamnet)

Biệt thự nguy nga xây trên đất rừng ở xã Minh Trí. (Ảnh: Vietnamnet)

Chính quyền cơ sở ở đâu mà không phát hiện được? Cho dù UBNDTP Hà Nội, Huyện Sóc Sơn đã có văn bản, giao trách nhiệm cụ thể.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra, những biệt thự, khu nghỉ dưỡng… ấy đâu phải thần thánh phù trợ gì mà chỉ trong ngày một, ngày hai đã xong, để chính quyền sở tại không hề hay biết mà ngăn chặn từ đầu.
Người dân ở đây họ đọc vanh vách từng cái tên rất tây, đầy hấp dẫn . Nào những: The Choai Villa Sóc Sơn; The Homie Sóc Sơn; The Moonlight Sóc Sơn; Khu sinh thái Thiên Phú Lâm; Nhà bên rừng U-LESA; Trà Hoa vien Sóc Sơn…
Và hoành tráng hơn là tổ hợp mang tên Hoàng Lê Gia Garen.
Biệt thự nguy nga xây trên đất rừng ở xã Minh Trí. (Ảnh: Vietnamnet)

Kè đá vững trãi đã được hoàn thiện. (Ảnh: Vietnamnet)

Việc các ngôi biệt thự, villa, khu nghỉ dưỡng lấn rừng, không phép, diễn ra suốt gần chục năm rồi chứ đâu ít. Kể cả những sai phạm mà Thanh tra Nhà nước đã kết luận từ năm 2006…rồi cũng vẫn để đó.
Rừng phòng hộ Sóc Sơn cứ dần dần được thu hẹp theo thời gian.
Ngày 11/6/1998, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2234, Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn, tổng diện tích lâm nghiệp 6.630 ha ( trong đó rừng đặc dụng 1.530 ha, rừng phòng hộ 5.100 ha).
Mười năm sau, ngày 29/5/2008, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 21000, về việc điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Sóc Sơn năm 1998 thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Nhiều công trình kiên cố mọc lên ven hồ Đồng Đò. (Ảnh: Vietnamnet)

Nhiều công trình kiên cố mọc lên ven hồ Đồng Đò. (Ảnh: Vietnamnet)

Diện tích quy hoạch được điều chỉnh xuống còn 4.557 ha, bao gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã đồi gò Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Nam Sơn… và Lâm trường Sóc Sơn.
Thế rồi, cộng thêm sự “xâm lấn” của các ngôi biệt thự, villa, khu nghỉ dưỡng…khiến cho rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường Sóc Sơn- lá phổi của Thủ đô Hà Nội ngày càng thu hẹp.
Chủ nhân của các ngôi biệt thự, villa, khu nghỉ dưỡng ấy là những ai? Sai phạm mức độ nào. Dư luận chờ đợi câu trả lời từ chính quyền Hà Nội. Dù nó đã thành hình hài, cũng không thể ngoại lệ với phép nước.
Bất chợt, tôi nhớ đến giọt nước mắt của người nông dân Nguyễn Quang Khải ( Ấp 3, Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TPHCM) đứng trước phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Củ Chi.
Anh Khải bị TAND huyện Củ Chi tuyên phạt 18 tháng tù vì tội chống người thi hành công vụ.
Phiên tòa lưu động xử người chống người thi hành công vụ Nguyễn Quang Khải sáng 10/02. (Ảnh: PLO)

Phiên tòa lưu động xử Nguyễn Quang Khải chống người thi hành công vụ. (Ảnh: PLO)

Nguyên nhân dẫn anh Khải vướng vòng lao lý, là thấy cái nhà vệ sinh có mấy mét vuông của gia đình đã sập sệ quá rồi, nên anh Khải thuê người đến sửa.
Thời điểm đó, tổ thanh tra xây dựng xã Tân Thạnh Đông đến kiểm tra việc xây dựng, theo lịch công tác tuần do Phó Chủ tịch xã ký.
Tổ thanh tra thấy anh Khải sửa nhà vệ sinh mà không có giấy phép nên đã lập biên bản, đình chỉ không có xây dựng.
Nhà vệ sinh đang dang dở, không làm tiếp thì gia đình chỉ có nước sang nhà hàng xóm đi nhờ, nên anh Khải đã tự tay sửa chữa thì tổ thanh tra lại đến. Hai bên xô xát, một thanh tra xây dựng bị xây xát.
Tòa sơ thẩm nhận định rằng, tình hình xây dựng trái phép ở huyện Củ Chi rất phổ biến, hành vi chống đối người thi hành công vụ của anh Khải cần xử lý nghiêm để làm gương.
Nhận bản án 18 tháng tù, anh Khải nước mắt ngắn, dài: “Tôi tìm hiểu thì việc sửa cái nhà vệ sinh ở khu vực tôi không cần xin giấy phép xây dựng, chỉ cần báo cáo xã. Tòa nghiêm khắc quá, tôi kháng cáo để còn đi chăn bò, nuôi ba đứa con thơ”.
Ôi! giá như những biệt thự, villa, khu nghỉ dưỡng “băm nát” rừng phòng hộ Sóc Sơn, cũng được xử nghiêm như vụ sửa cái nhà vệ sinh mấy mét vuông…thì phép nước nghiêm biết chừng nào!
Huyền Lê
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm