Hỗ trợ doanh nghiệp

TKV khẳng định 'không sai phạm gần 15.000 tỷ đồng'

Tập đoàn này cho biết sẵn sàng nhận trách nhiệm, chịu hình thức xử lý với những kiến nghị có cơ sở pháp lý của Thanh tra Chính phủ.

Theo bà Đặng Thị Tuyết - Trưởng ban Thanh tra - Pháp chế Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV), số tiền gần 15.000 tỷ đồng Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận là "cần kiến nghị xử lý", chưa kết luận "sai phạm". 

"TKV không sai phạm số tiền lớn lên đến gần 15.000 tỷ đồng", bà Tuyết khẳng định, đồng thời cho biết, trong số này có nhiều khoản Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao cho các Bộ, ngành và TKV chủ trì xử lý. 

TKV cho rằng số tiền gần 15.000 tỷ đồng là 'kiến nghị xử lý' chứ không phải 'sai phạm' của tập đoàn này.

Cụ thể là chuyển Bộ Công Thương chủ trì xử lý trên 8.320,8 tỷ đồng; Bộ Tài chính chủ trì xử lý hơn 1.623 tỷ và TKV xử lý gần 4.565 tỷ đồng.

Trong số tiền gần 15.000 tỷ đồng Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý, Trưởng ban Thanh tra - Pháp chế TKV thừa nhận, những khoản có ý kiến đúng như lỗ hơn 3.300 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty Điện lực TKV, do chưa được tính trong giá bán điện theo Thông tư 41/2010 của Bộ Công Thương nên vẫn "treo", dẫn tới phát sinh lỗ tại đơn vị này.

Tuy nhiên, theo bà, một số khoản đề nghị xử lý tại kết luận của thanh tra lại đang có cách tính, áp dụng và quan điểm khác nhau giữa hai đơn vị. Bà Tuyết đơn cử, việc tính toán khối lượng đất đá vận chuyển trong khai thác lộ thiên gần 4.600 tỷ đồng được tập đoàn này thực hiện theo quy định chuyên ngành khai thác mỏ lộ thiên. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ lại tính theo chỉ tiêu quy định ngành mỏ và xây dựng, dẫn tới không thống nhất về phương pháp tính. 

“Bộ Công Thương đã có hai công văn gửi Thanh tra Chính phủ thống nhất cách xác định của TKV là có cơ sở”, Trưởng ban Pháp chế TKV nói. Bà cho biết thêm, số tiền này TKV đã xử lý một phần và có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị chấp thuận một số nội dung theo số liệu của TKV.

Ngoài ra, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ thu hồi về ngân sách hơn 1.872 tỷ đồng, trong đó có trên 1.635 tỷ thuế tài nguyên than, bà Tuyết cho rằng, không có cơ sở do xác định không đúng đối tượng nộp và giá tính thuế. "TKV đã kê khai và nộp thuế tài nguyên theo đúng Luật thuế tài nguyên", vị này nói.

 

Về khoản tiền này, Bộ Tài chính đã có 3 công văn gửi Thanh tra Chính phủ nêu rõ cách xác định thuế tài nguyên của TKV là phù hợp quy định. Hội tư vấn Thuế Việt Nam cũng khẳng định TKV thực hiện kê khai, nộp thuế tài nguyên phù hợp quy định. Số tiền còn lại hơn 273 tỷ đồng gồm thuế chưa đến hạn nộp, một số khoản khác, hiện TKV tiếp tục báo cáo giải trình và sẽ thực hiện khi có quyết định truy thu theo quy trình xử lý kết luận thanh tra.

Đại diện TKV cũng khẳng định "nghiêm túc nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức xử lý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ theo quy định của pháp luật" với những kiến nghị có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Những nội dung chưa đồng thuận, tập đoàn này đã báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có ý kiến. “Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét, có ý kiến về kết luận thanh tra số 2810 của Thanh tra Chính phủ. Các bộ đang xử lý theo thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng quyết định”, đại diện TKV nói. 

Trước đó, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại TKV và một số đơn vị thành viên, có nhiều tồn tại, vi phạm của tập đoàn này trong hoạt động đầu tư tài chính, mua sắm tài sản, quản lý tài nguyên, hoạt động kinh doanh. Cơ quan này kiến nghị xử lý về kinh tế gần 15.000 tỷ đồng và 6,7 triệu m2 nhà đất. Ngoài trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an cần xem xét chỉ đạo và thực hiện xử lý trách nhiệm đối với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo