Văn hóa

Tộc người bí ẩn và nền văn minh một thời thống trị nóc nhà thế giới

Nhiều thế kỷ trước, trên các dãy núi cao phía tây Tây Tạng, người Tượng Hùng đã xây dựng một nền văn minh hoàn chỉnh với các tiến bộ kỹ thuật, nghệ thuật phong phú.

Theo GS John Vincent Bellezza thuộc Đại học Virginia (Mỹ), người Tượng Hùng sống ở phía tây bắc Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Ngày nay, dân cư vùng này rất thưa thớt, trái ngược với cảnh đông đúc từ khoảng năm 500 trước Công nguyên (TCN) đến 625 sau Công nguyên (SCN).

Trong hơn 25 năm qua, GS Bellezza đã tiến hành nghiên cứu khảo cổ những cư dân từ thời kỳ đồ đá ở Tây Tạng cũng như các vị thần và nền văn hóa của họ. Ông khám phá ra một quần thể di tích đáng kinh ngạc chứng minh sự tồn tại của người Tượng Hùng. Đó là những lâu đài ở trên các khu đất cao, bao xung quanh là các vùng trồng trọt nông nghiệp, các đền thờ và ngôi mộ nằm ở những ngóc ngách kín đáo, được xây dựng bằng những tảng đá lớn.

Lãnh thổ rộng lớn

Trước khi có những nghiên cứu chuyên sâu về Tây Tạng của GS John Vincent Bellezza vào những năm 1990 và 2000, thế giới dường như biết rất ít về tộc người Tượng Hùng. Người Tây Tạng đã lãng quên những thành tựu trước đây của họ, và chẳng ai còn nhớ được cái gì đã từng nằm trên vùng cực hạn của cao nguyên. 

Các tài liệu nghiên cứu đã cung cấp những thông tin quý giá về tộc người Tượng Hùng, vốn từng cư trú tại một khu vực định cư cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng 1.500 km về phía Tây Bắc.

Một quần thể kiến trúc đáng kinh ngạc là minh chứng cho sự hiện diện của người Tượng Hùng từ khoảng năm 1000 TCN. Những tòa lâu đài tọa lạc trên các khu đất cao, đền thờ được xây dựng trong những ngõ ngách ẩn khuất và các lăng mộ rải rác trên các vùng đất chưa được khai hoang. Nhiều pháo đài và đền chùa được xây dựng hoàn toàn bằng đá, trong đó sử dụng những khối đá nặng để chống đỡ phần mái nhà.

Một trong những di chỉ khảo cổ.

Vùng Thượng Tây Tạng có nhiều bức tranh hoạt cảnh nghệ thuật phong phú, minh họa cảnh tượng đời sống hằng ngày ở Tượng Hùng. Xuyên suốt khắp vùng đất rộng lớn này, các bức chạm khắc và các bức họa trên đá tô điểm cho những dãy tường của vách đá và hang động. Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc cho thấy nét văn hóa kị binh, ghi chép lại những trận chiến, cuộc thi đấu thể thao, hoạt động đi săn, chăn nuôi, và các tín ngưỡng tôn giáo.

Ngoài ra, ông Bellezza cho biết có dấu vết các khu chăn nuôi và canh tác ở miền Tây Tây Tạng cổ. Một loạt đồ tạo tác đã được thu hồi từ các ngôi mộ trong những năm qua, một số khác đã xuất hiện trên thị trường nghệ thuật và đồ cổ quốc tế, từ các loại đá quý tới nhiều đồ đúc kim loại, gốm sứ, đồ gỗ, lụa và vải dệt len.

Các hoạt động khảo cổ gần đây trên cao nguyên Chang Tang (thuộc Tây Tạng) đã phát hiện bằng chứng về nền văn hóa Tượng Hùng. Đó là một hệ thống pháo đài hay thành quách đá trên đỉnh đồi, rất có thể được sử dụng để phòng thủ trước các bộ lạc thảo nguyên Trung Á. Các khu phức hợp lăng mộ sử dụng các bia mộ thẳng đứng, và trong đó có tới 10.000 ngôi mộ tại một vị trí.

Trong khi đó, các đền thờ bằng đá nằm tại các ngọn núi tiếp giáp với vùng đồng bằng, đặc trưng với các căn phòng không có cửa sổ, các mái đá có tay đỡ, và tường xung quanh. Giới khoa học bắt đầu phác họa dần nền văn minh cổ đại đáng chú ý này, cho rằng các đặc điểm nêu trên gần gũi hơn với văn hóa thời kỳ đồ sắt tại châu Âu và thảo nguyên châu Á hơn là Ấn Độ hay Đông Á, cho thấy đây là một nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ phía Tây Bắc hơn là Đông Nam.

Các phân tích phấn hoa và vòng cây cho thấy, cao nguyên Chang Tang xưa kia là một môi trường sống tốt hơn cho đến khi nó trở nên khô hạn và lạnh hơn bắt đầu từ khoảng năm 1500 TCN.

 

Một giả thuyết cho rằng, nền văn minh Tượng Hùng được hình thành trên cao nguyên khi điều kiện ít khắc nghiệt hơn, sau đó họ đã phải chế ngự điều kiện khí hậu dần xấu đi cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn. Tại một thời điểm, nền văn minh Tượng Hùng đã từng bao gồm 18 vương quốc ở phần phía Tây và Tây Bắc của Tây Tạng.

Lãnh thổ Tượng Hùng không phải là một phần lịch sử của Tây Tạng mà là một lãnh thổ bên ngoài riêng biệt đối với người Tạng. Về mặt địa lý, nền văn minh này nhiều khả năng đã từng mở rộng tới Ấn Độ, qua Nepal và Kashmir, tạo nên một nền văn hóa kiểm soát phần lớn "nóc nhà thế giới". Tuy vậy, Tượng Hùng kéo dài xa về phía bắc, đông và tây bao xa hiện vẫn là một bí ẩn.

 Ký tự Tượng Hùng.

Tín ngưỡng kỳ lạ

Các ký ức về Tượng Hùng được lưu giữ trong truyền thuyết, thậm chí là lịch sử, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về xã hội và văn hóa của họ. Trong khi tầng lớp thượng lưu sinh sống trong các thành trì chắc chắn phân tán khắp nơi trong lãnh thổ Tượng Hùng, nông dân và những người chăn nuôi lại có nhà cửa khiêm tốn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các mối quan hệ mang tính thị tộc và lễ nghi đã kết nối rất nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội, tạo thành một liên minh vững chắc, chiếm ưu thế trong nhiều thế kỷ.

Một số ít bản văn Tượng Hùng được tìm thấy đã chứng minh về sự tồn tại của một thứ ngôn ngữ được cho là tiếng Tượng Hùng. Giáo sư John Vincent Bellezza tuyên bố rằng, hệ thống chữ viết Tây Tạng có nguồn gốc từ bảng chữ cái Tượng Hùng, trong khi các sử gia hiện đại công nhận nguồn gốc rõ ràng của chữ viết Tây Tạng xuất phát từ Tây Bắc Ấn Độ, phù hợp với các miêu tả về nền văn minh Tượng Hùng. 
Hiện nay, một ngôn ngữ được khoảng 2.000 người sử dụng tại thung lũng Sutlej ở Himachal Pradesh - một bang thuộc tây bắc Ấn Độ - được cho là "hậu duệ" của tiếng Tượng Hùng.

 

Về phương diện tôn giáo, các vị thần của người Tượng Hùng vẫn được nhớ tới trong tín ngưỡng đạo Bon của Tây Tạng những năm về sau. Các kinh thư của đạo Bon nói rằng, vào thời hỗn nguyên của vũ trụ, thần Gekhoe xuất hiện từ một quả trứng nạm đá quý rực rỡ, trong hình tượng một con bò Tây Tạng hoang dã và dữ tợn, đánh dấu lãnh thổ Tượng Hùng đằng sau "ngọn núi tuyết vĩ đại" (dãy Himalaya).

Vết tích còn lại của một công trình đá được cho là nơi tộc người Tượng Hùng cổ đại đánh dấu sự giáng trần của Gekhoe, vị thần tối cao trong tín ngưỡng đạo Bon. 

Thậm chí cho đến tận ngày nay, các dấu sừng và dấu móng của Gekhoe vẫn có thể được nhìn thấy trên những tảng đá ở Himalaya. GS Bellezza cho biết, Gekhoe là một vị thành hoàng quan trọng trong tôn giáo, được mô tả có 18 cánh tay. Vợ của thần là Drablhai Gyalmo, cũng là một vị thần quan trọng ở miền Tây Tây Tạng, có vẻ ngoài của một chiến binh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc một vị thần sáng thế được sinh ra từ quả trứng là một mô típ chung trong thần thoại. Gekhoe vẫn còn là một bộ phận trong quần thể các vị thần của đạo Bon. 

Rất khó để nói chính xác khi nào loại hình tín ngưỡng này xuất hiện, nhưng có lẽ vào khoảng rất sớm trong lịch sử nhân loại. Tín ngưỡng này ngày nay được biết đến dưới tên gọi "Đạo Bon vĩnh hằng". Gekheo là vua của các vị thần, cai quản tất cả con người và các sinh vật ở tây Tây Tạng, thống trị rất nhiều linh hồn mạnh mẽ.

Từ "Gekhoe" dịch từ tiếng Tượng Hùng có nghĩa là "Người diệt quỷ". Các tài liệu mô tả về thần Gekheo có niên đại dưới 1.000 năm, vào khoảng thời gian nhiều tôn giáo cổ bắt đầu được gộp vào khái niệm và nguyên lý Phật giáo.

 

Các nhà khảo cổ đã đến một khu định cư bằng đá thời tiền sử được nhận định là nơi Gekhoe đã giáng trần. Khu định cư này dường như xây dựng lên để sử dụng cho các chức năng tôn giáo, nằm ở độ cao từ 5.130 đến 5.250m so với mực nước biển, bao gồm 17 tòa nhà có gắn các tay đỡ bằng đá xây theo kiểu kiến trúc được sử dụng ở vùng Thượng Tây Tạng vào thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Nguồn gốc của khu vực này đã thất lạc trong lịch sử, không có tài liệu ghi chép cũng như truyền miệng trong "Đạo Bon vĩnh hằng".

Theo Bellezza, con người có thể sống thoải mái ở độ cao đó do khỏe mạnh hơn và khí hậu khi ấy ôn hòa hơn. Tuy nhiên, khu vực định cư này và nền văn minh Tượng Hùng nhìn chung đã phải hứng chịu tình trạng biến đổi khí hậu và sự thoái hóa môi trường sống, dẫn tới sự lụi tàn. 
Dù đã biến mất từ lâu, những cơ sở căn bản của nền văn minh Tượng Hùng vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn trong trái tim của những người dân Tây Tạng ngày nay. Hàm ý ở đây rất rõ ràng: Linh hồn của con người và những gì Tượng Hùng trân quý sẽ mãi trường tồn cùng thời gian...

Nên đọc
Theo An ninh thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo