Văn hóa

Tới Thanh Hóa nghe huyền tích nàng Bình Khương đập đầu vào đá kêu oan

Trải qua hơn 600 trăm năm, những câu chuyện xung quanh việc xây thành vẫn lôi cuốn mọi người; trong đó, chuyện nàng Bình Khương vẫn vang vọng tới tận bây giờ.

Thành Nhà Hồ, công trình kiến trúc đá cổ, một kiệt tác thể hiện tài năng, trí tuệ siêu phàm của người Việt chứa đựng bao nhiêu điều bí ẩn, xen kẽ những huyền tích. Trải qua hơn 600 trăm năm, những câu chuyện xung quanh việc xây thành vẫn lôi cuốn mọi người; trong đó, chuyện nàng Bình Khương vẫn vang vọng tới tận bây giờ.

Người vợ tiết nghĩa

Nàng Bình Khương có chồng là Trần Công Sỹ (Cống Sinh) - người đốc công xây dựng đoạn tường phía Đông thành nhà Hồ. Để xây dựng thành này, Hồ Quý Ly đã phải cho người đắp tới 80.000m3 đất; khai thác, vận chuyển, lắp đặt 20.000 -25.000m3 đá phiến, có những khối đá nặng tới 25 tấn. Một công trình lớn như vậy nhưng lại phải làm khẩn cấp trong 3 tháng.

Theo sử sách ghi lại  “việc dời đô lúc ấy vô cùng gấp gáp bởi giặc Minh mấy lần lăm le vượt biên cương ải Bắc, những ngọn hỏa hiệu vùng biên ải mấy lần đã báo khói, báo cháy". Tiến độ thi công gấp rút nghiêm ngặt là thế nhưng đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách cứ xây gần xong lại bị sụt, không ai rõ nguyên nhân từ đâu. Hồ Quý Ly nghi ngờ Trần Công Sỹ có mưu làm phản, cố ý chậm trễ công việc xây thành. Cuối cùng Hồ Quý Ly sai người vùi thân chàng vào tường thành (có thuyết nói rằng Trần Công Sỹ bị chôn bên chân thành cho đến chết). Với khoa học bây giờ, câu chuyện đã bắt đầu hé lộ, đoạn tường thành phía Đông có địa chất không ổn định, nằm dưới chỗ có mạch nước ngầm lớn của sông Mã và sông Bưởi (một chi lưu của sông Mã) - nơi đó thường có cát đùn nên đoạn tường cứ xây xong lại bị sụt lở. 

Đền thờ nàng Bình Khương. Ảnh: HH.

Bình Khương lúc đó đang ở quê nghe tin chồng đã bị xử chết, nàng không tin vào tai mình, tức tốc đến động An Tôn - là địa danh lúc bấy giờ, để xem chính xác tình hình của chồng mình thế nào. Trên đường xa đến tìm chồng, nàng đã gạt đi những suy nghĩ "không lành" để vững tâm tin tưởng chồng mình vẫn bình an vô sự. Khi đến nơi nàng gặp một người thợ xây, biết tin chồng mình đã chết, trời đất như quay cuồng...

Cũng chính người thợ xây ấy đã cho nàng biết mộ chồng nàng ở đâu khi trỏ tay chỉ xuống một chỗ ở chân thành cửa Đông, nơi Cống Sinh bị vùi lấp.Bình Khương đau khổ và uất hận vô cùng. Nàng khóc than vật vã, thương chồng và nàng cũng thương cho bản thân mình nữa. Trong những giây phút đau khổ tột cùng, nàng không biết làm gì hơn liền lao tới bức tường đá nhằm xô đổ bức tường để thấy được xác chồng. Nàng xô mạnh tới mức mười đầu ngón tay chảy máu và lõm sâu in hằn vào mặt đá. Nàng lấy hết sức bình sinh đẩy nhưng tường thành không hề rung chuyển, càng gắng sức xô mạnh bao nhiêu thì nàng càng bất lực trước những phiến đá bấy nhiêu. Chẳng có cách nào, Bình Khương đành đập đầu vào đá để cùng được chết theo chồng.

Không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong huyền tích và huyền sử nàng Bình Khương, nhưng theo bác Nguyễn Văn Ngọc - 70 tuổi, một người dân địa phương: "Câu chuyện về nàng Bình Khương vỗ đá kêu oan cho chồng đã được người dân trong vùng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Không ai ở đây là không biết tới huyền tích này. Nếu du khách tới đây hỏi về nàng Bình Khương thì những đứa trẻ mới lớn cũng có thế kể lại vanh vách không thiếu một chi tiết".

Theo sử sách, đến đời vua Đồng Khánh (nhà Nguyễn), người ta nghe tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành, nên khách xa gần hiếu kì tìm về đây rất đông. Có viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu nên thuê ngay thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Công việc này làm trộm trong đêm, không để một ai biết. Nhưng sau khi đục xong phiến đá ấy, người thợ bỗng nhiên mắc bệnh lạ và chết, rồi viên hào lý kia cũng lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Bấy giờ, Tri phủ Đoàn Thước nghe tin, lo sợ mới sai lính tìm bằng được và đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ và khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch" (nghĩa là: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần -  khi đó Hồ Quý Ly chưa lên làm vua nên vẫn thuộc triều Trần). Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc một dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm" (nghĩa là: Nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).

Cũng như thành nhà Hồ trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, đền thờ nàng Bình Khương vẫn trường tồn cùng năm tháng. Ảnh: HH.

Ngôi đền linh thiêng

 

Cảm thương trước người phụ nữ tiết nghĩa, người dân địa phương đã lập đền thờ ngay bên cửa đông thành An Tôn. Năm 1903, tổng đốc Vương Duy Trinh đã làm sớ tâu lên nhà vua ban sắc phong cho nàng Bình Khương 4 chữ: "Tiết liệu khả phong". Đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía Đông của thành, chính nơi nàng đã từng vật vã khóc than kêu oan cho chồng. Sau đền là mộ chồng nàng: Trần Công Sỹ. Bên phải đền có một cái ao nhỏ mà điều kì lạ là dù nắng to hay hạn hán thế nào, ao cũng không bao giờ cạn nước. Xung quanh đền thờ quanh năm rợp bóng cây tươi mát. Trong bản đại xướng Thành Hồ, người ta vẫn thường xem đền thờ nàng Bình Khương như một nốt trầm mang nhiều ý nghĩa. Đó là ý nghĩa về tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt và cũng có người còn cho rằng nó mang ý nghĩa tố cáo. Đền thờ nàng tuy có quy mô nhỏ nhưng đã có nhiều danh sĩ tới thăm viếng và làm thơ đề vịnh như Nguyễn Xuân Ôn, Như Bá Sĩ, Hồ Đức Dư, Đỗ Xuân Cát, Vương Duy Trinh...

Để tô điểm thêm cho cảnh miếu đền, Tri phủ Đoàn Thước đã bỏ tiền của xây dựng một "bi đình" (bia và nhà bia). Trên tấm bia đá lưu bài thơ của Hoàng Tuấn Phổ:

“Thành mở đường hoa đà tuyệt tích

Bia chuyện Bình Khương còn cảm kích

Thư sinh mang sức cả muôn nhà

 

Đá cứng liễu mềm mà vô địchVết bàn tay mất mặt gian hùng

Oai thượng tướng vang trời hiển hách

Nửa trời nhật nguyệt tỏ đến nayTriều Trần trung liệt ghi sử sách”.

Người ta vẫn thờ các vị thần Thành Hoàng để ngài trấn giữ yên ổn cho một làng, một xã, một tổng công trình nào đó. Gương tuẫn tiết của đôi vợ chồng nàng Bình Khương đã trở thành nhị vị thần Thành Hoàng nhà Hồ. Cái chết của vợ chồng nàng Bình Khương cũng được xem như đã giữ yên việc xây thành nhà Hồ. Dường như tin vào sự linh thiêng của ngôi đền, cứ vào dịp mùng một và ngày rằm hàng tháng, người dân nơi đây đã đến đây thắp hương tế lễ.

Cũng như thành nhà Hồ trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, đền thờ nàng Bình Khương vẫn trường tồn cùng năm tháng. Khi thành nhà Hồ trở thành Di sản văn hóa thế giới, trở thành nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thì việc trông coi, bảo tồn và tu dưỡng đền thờ nàng Bình Khương cũng trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Nên đọc
Theo Gia đình & Xã hội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo