Xã hội

Tổng Bí thư: Lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết và sẽ tiếp tục!

“Việc lấy phiếu tưởng chừng đơn giản, nhưng phức tạp lắm. Vì thế phải làm sao cho chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết và sẽ tiếp tục làm chứ không phải không làm nữa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ như vậy khi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào chiều 3/5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn ĐBQH Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 3/5.  (Ảnh: Nguyễn Dũng)
 
 
Một vấn đề lớn được nhiều cử tri quan tâm, phản ánh là vấn nạn dịch sởi đang hoành hành trong thời gian qua. Cử tri Nguyễn Văn Cung (phường Hàng Bài) nhận định “dịch sởi là nỗi kinh hoàng thực sự với người lớn và trẻ em, ở bất kể ở địa phương nào”. Dù Bộ Y tế đã có sự “nhạy bén”, nhưng việc chống dịch không thu được kết quả, phòng chống dịch cũng chưa được thực hiện chu đáo… Cho đây là bài học đắt giá, cử tri Cung đề nghị ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông.
 
“Bộ Y tế có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều việc làm chưa làm tốt. Bộ cần sớm xem xét, khắc phục những tồn tại để dân được nhờ” – cử tri Phạm Thị Hoàn (phường Hàng Trống) đưa ra đề nghị với ngành y tế.
 
Một vấn đề khác cũng được cử tri Hoàn Kiếm quan tâm là vấn đề lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Cử tri Bùi Quốc Khánh (phường Cửa Đông) đề nghị tới đây khi sửa Nghị quyết, Quốc hội chỉ nên quy định việc lấy phiếu ở hai mức tín nhiệm hay không tín nhiệm, không nên quy định 3 mức như đã làm. Về đối tượng cũng không nên lấy phiếu cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Do tính chất hoạt động hai cơ quan khác nhau, vì thế Quốc hội chỉ nên lấy phiếu với cơ quan hành pháp. Còn Quốc hội – cơ quan lập pháp làm việc theo tập thể, quyết định theo đa số nên trách nhiệm cá nhân không rõ, vì thế không cần phải lấy phiếu tín nhiệm.
 
Cử tri Khánh cũng đề nghị việc lấy phiếu nên tổ chức định kỳ hằng năm. Ngoài ra đối với giám đốc các sở, ngành ở địa phương cũng cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm hàng năm.
 
Tương tự, cử tri Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã) cũng đề nghị Quốc hội chỉ nên tổ chức lấy phiếu ở hai mức tín nhiệm hay không tín nhiệm…
 
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, những lĩnh vực nóng bỏng như y tế, giáo dục và nhiều vấn đề dân sinh khác luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên Tổng Bí thư cũng mong muốn cử tri và nhân dân chia sẻ với những người thực hiện nhiệm vụ này.
 
Liên quan đến vấn đề lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cử tri cần phân biệt rõ hai việc này. Hiến pháp nói khi có 20% ĐBQH trở lên, hoặc UBTVQH đề nghị thì mới xem xét đến việc bỏ phiếu tín nhiệm. Khi bỏ phiếu nghĩa là thôi miễn nhiệm nhưng việc này chúng ta chưa thực hiện bao giờ. Tuy nhiên việc lấy phiếu đã làm thí điểm chưa phải bỏ phiếu mà chỉ để thăm dò tín nhiệm, xem người đó được đánh giá ở mức độ nào. Lấy phiếu tín nhiệm là “kênh” để đánh giá cán bộ, đồng thời cũng là bài học răn đe, ngăn ngừa, cảnh báo để anh làm tốt hơn công việc của mình.
 
“Một số trường hợp phiếu thấp vừa qua, các bác xem có đúng không? Đây là bước chuẩn bị tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu 2 lần tín nhiệm thấp mới đưa ra bỏ phiếu, tức là cách chức, miễn chức người đó” – Tổng Bí thư lý giải.
 
Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là tốt nhưng vẫn phải rút kinh nghiệm. Vì ở cấp cơ sở thì không sao nhưng với cấp trung ương, đưa một lãnh đạo cao cấp ra bỏ phiếu rồi công bố kết quả công khai thì phải làm hết sức thận trọng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong 47 người đưa ra lấy phiếu trước đây, bây giờ Quốc hội đang cân nhắc đưa những ai ra lấy phiếu cho thực sự hiệu quả.
 
Về lấy phiếu ở 2 hay 3 mức, thời gian lấy phiếu thế nào, kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ bàn bạc, cân nhắc. “Việc tổ chức lấy phiếu rất công phu, không thể tiến hành theo cảm tính được. Nếu cứ lấy phiếu hàng năm, có khi lại dẫn đến loanh quanh, đối phó rồi co lại, không dám làm, vì nếu không cẩn thận có khi còn bị mất chức” - Tổng Bí thư nói.
 
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Việc này tưởng chừng đơn giản, nhưng phức tạp lắm, vì thế phải làm sao cho chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết và sẽ tiếp tục làm chứ không phải không làm nữa”.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo