Thị trường

Tổng thống Trump chính thức ký sắc lệnh rút khỏi TPP

(DNVN) - Ngày 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

TTXVN cho biết, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục, tân Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, qua đó hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 là Washington sẽ rút khỏi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này ngay khi ông tiếp quản Nhà Trắng.

Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này.

Ông Trump giơ sắc lệnh rút khỏi TPP tại Nhà Trắng. (Nguồn: AFP).

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chi Lê, New Zealand và Singapore. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010.

TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi-Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP được cho là hiệp định tham vọng nhất của thế kỷ.

Ngày 5/10/2015, tại Atlanta Mỹ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định của 12 nước thành viên. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất.

Vào sáng 4/2/2016 (giờ địa phương), tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và kinh tế của 12 nước thành viên đã đặt bút ký xác thực lời văn Hiệp định, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán.

Tuy nhiên, đến nay, với việc lên làm Tổng thống Mỹ, ông Trump đã chính thức rút Mỹ ra khỏi hiệp định này. Mặc dù vậy, hiện nhiều nước thành viên TPP vẫn đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo