Xã hội

TP.HCM:Tăng mức phạt giao thông lên gấp đôi để răn đe

Có thể tăng mức phạt vi phạm quy tắc tham gia giao thông, thi công công trình đường bộ, vệ sinh môi trường ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay mà không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù.

Trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị HĐND thành phố xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay để tăng sự răn đe.

“Điều này đã được cho phép trong Luật Xử phạt hành chính và không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù, thành phố vẫn có thể quyết định. Sở đã có dự thảo văn bản và UBND thành phố đang giao Sở Tư pháp và Công an thành phố góp ý” - ông Cường nói.

Tăng mức phạt không phải để tạo nguồn thu, mà để nâng tính phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm giao thông, qua đó nâng cao ý thức tham gia giao thông. Ảnh: Zing.vn

Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Bùi Xuân Cường cho biết: “Xuất phát từ thực tế, năm 2016, tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM tăng trên cả ba mặt. Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng có nguyên nhân rất lớn từ các hành vi vi phạm giao thông. Do đó, Sở GTVT đã lập đề xuất này trình UBND TP để lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, tiến tới trình HĐND TP.

Quan điểm của chúng tôi việc tăng mức phạt hoàn toàn không phải để tạo nguồn thu, mà để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm giao thông, gián tiếp nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân.

Trên thực tế quy định này không mới, bởi khoản 1, điều 23 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 cho phép nâng mức phạt tối đa hai lần với các vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương”.

“Kỳ họp HĐND TP lần này bàn về việc triển khai nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, trong đó có xem xét việc tăng một số phí, lệ phí và các khoản thuế... Vì thế đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông trong thời điểm này là phù hợp.

Bên cạnh đó, đây là giải pháp nằm trong gói tổng thể nhằm thiết lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng như kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM” ông Cường nói thêm.

 

Trước đó, nêu vấn đề thảo luận, liên quan việc cơ chế đặc thù cho phép thí điểm tăng các loại phí, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) cũng cho rằng mức xử phạt vi phạm giao thông và môi trường hiện nay quá thấp.

“Giờ tan tầm xe cộ chạy rất lộn xộn, leo lên lề, lấn tuyến và chạy ngược chiều nhưng cảnh sát giao thông không giải quyết nổi. Với cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép, thành phố cần nâng mức phạt để xử nghiêm và hạn chế người vi phạm”, ông Quang đề nghị.

Về lĩnh vực kinh tế, ông Quang bày tỏ băn khoăn về báo cáo "nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt là do khâu dự báo chưa sát". Tuy nhiên, ông dẫn chứng trong kỳ họp năm trước chỉ tiêu tăng trưởng cao, nhiều đại biểu đề nghị phân tích làm rõ hơn nhưng chưa được quan tâm.

“Chỉ tiêu đặt ra không đạt được là do dự báo sai hay chúng ta duy ý chí?”, ông Quang nói và đề nghị với chỉ tiêu năm phát triển kinh tế năm 2018 cơ quan tham mưu phải đưa ra hàng loạt kịch bản trong từng lĩnh vực cụ thể, và phải có đầy đủ cơ sở thì đại biểu mới yên tâm thông qua. Thông tin trên VNExpress.

Nên đọc
Nam Hồng (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo