Phân tích

TPP gặp khó vì 2 ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ đều không ủng hộ

(DNVN) - Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tiết lộ tại phiên họp của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế diễn ra ngày 26/8.

Theo đó, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế đã tổng hợp các thành tựu của Đoàn đàm phán của Việt Nam tại đấu trường quốc tế. 

Theo Thứ trưởng, thay vì ký kết FTA thời kỳ đầu với các thị trường (như ASEAN...) có cơ cấu kinh tế tương đồng, Việt Nam đang chuyển hướng mạnh sang các thị trường lớn, có cơ cấu kinh tế bổ sung nhằm tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và thu hút đầu tư. 

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết FTA với hầu hết các khu vực kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những hiệp định mang tầm quan trọng rất lớn như: Hiệp định FTA Việt Nam-EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dự kiến, sau khi Quốc hội hai bên phê duyệt, đến tháng 1/2018, 2 hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quá trình phê duyệt TPP ở Hoa Kỳ đang có phần phức tạp khi 2 ứng viên Tổng thống sắp tới đều không ủng hộ.

TPP đang gặp khó vì 2 ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ đều không ủng hộ. Ảnh minh họa.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cả 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ là tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đều phản đối TPP. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang theo dõi chặt chẽ để báo cáo với Chính phủ có phương án phù hợp, đối phó với mọi tình huống.

Trong khi đó, với Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, vừa qua, người dân nước Anh bỏ phiếu để muốn rời khỏi Liên minh Châu Âu, Bộ Công Thương đã có báo cáo dự kiến tác động cụ thể tới quan hệ thương mại của Việt Nam với Anh và EU.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, chừng nào nước Anh chưa rời khỏi EU thì vẫn còn là thành viên của EU và Hiệp định sẽ không có bất cứ thay đổi nào. Đoàn đàm phán cũng tích cực phối hợp với Uỷ ban Châu Âu để đưa hiệp định đã đàm phán có hiệu lực. Nếu trường hợp Anh rời khởi EU, phải sửa đổi bổ sung điều gì thì các bên sẽ ngồi lại với nhau đưa ra phương án hợp lý.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương, tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành "vùng trũng" tiêu thụ hàng hóa của cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC). Bởi vì, sau 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với ASEAN đạt khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 3 tỷ USD từ khối này. 

Từ đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, với kim ngạch thương mại như thời gian qua, các bộ, ngành cần đánh giá sự chủ động hội nhập, nhất là những bất cập, yếu kém, tồn tại để từ đó định hướng hoạt động cho thời gian tới.

 

Về công tác hội nhập quốc tế về kinh tế thời gian qua cũng như định hướng cho công tác này thời gian tới, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế cần đánh giá nghiêm túc những cơ hội và thách thức khi tham gia các cam kết quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nhanh chóng như hiện nay, cơ hội rất nhiều song thách thức cũng không ít, chỉ khi nào đánh giá đúng tình hình, thách thức mới có thể vượt qua, những cơ hội mới trở thành hiện thực và đất nước mới có thể hội nhập thành công.

Về động thái của phía Mỹ đối với Hiệp định TPP, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự lạc quan vào Hiệp định này. Theo Phó thủ tướng, thông tin mới nhất mà Chính phủ nhận được là phía Mỹ vẫn sẽ theo đuổi TPP và Hiệp định này vẫn sẽ được tiến hành chứ không quá bi quan.

Mặc dù tỏ ra lạc quan nhưng Phó thủ tướng lưu ý rằng về phía Việt Nam, việc thông qua hiệp định này cũng cần có những cân nhắc, tính toán nhất định để lựa chọn thời điểm phù hợp, không sớm quá cũng không muộn quá, làm sao thu được nhiều lợi ích nhất và hạn chế thấp nhất sự rủi ro.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo