Xã hội

Trách nhiệm doanh nhân nhìn từ câu chuyện chậm giao nhà

Khi thị trường phát triển, doanh nghiệp làm ăn tốt, phát triển nhanh thì khi có rủi ro cũng phải chấp nhận thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với khách hàng. Đấy là trách nhiệm của doanh nhân

                                           

                          

 

 Có rất nhiều người đã đóng tiền để mua nhà của các chủ đầu tư xây dựng nhà ở nhưng thời hạn giao nhà đã qua rất lâu mà vẫn không nhận được nhà. Có người đã đệ đơn kiện doanh nghiệp chủ đầu tư chậm trễ này, song nhiều người khác lại ví, kiện như thế chả khác gì đi đuổi theo con gà mình đã tự thả ra. Và liệu có bắt lại được con gà ấy không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xung quanh mà yếu tố quan trọng nhất phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

 

Ông bà ta có câu an cư lạc nghiệp. Ông bà cũng đã chỉ ra những việc lớn trong cuộc đời một người, đó là tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Vậy nên cả đời lao động, dành dụm chắt bóp những mong tậu được căn nhà để an cư. Vậy nên tiền thì đã đóng - đúng hạn răm rắp và tăng lên trong những khoảng thời gian ngắn mà chủ đầu tư đã quy định (không đúng hạn có mà nộp phạt trả chậm bét nhất là cộng lãi suất ngân nàng). Ấy vậy mà cùng với thời gian, hi vọng chuyển vào ở trong chính căn hộ của mình lại cứ càng ngày càng xa hơn, còn lãi vay ngân hàng thì cứ tỷ lệ thuận với thời gian ngày một xa hơn này. Với công chức và người nghèo, người thu nhập thấp, có được những khoản tiền đóng ban đầu và cấp tập sau đó cho chủ đầu tư là cả sự gian truân vất vả, từ dành dụm, chắt bóp, vay mượn bạn bè người thân mỗi người chút ít, đến vay tiêu dùng ở ngân hàng, thậm chí vay cả tín dụng cao ở những nơi vay vô cùng dễ mà nếu chậm trả thì vô cùng khắc nghiệt. Thế mà cả một đống tiền ấy của mình lại đang nằm chết gí trong các móng, nền, trong các căn nhà dang dở bỏ trống cho cỏ mọc, mèo hoang trú ngụ.

 

Quá bức xúc trước sự chậm trễ, một số đơn kiện của người mua nhà đã được gửi đến toà án, yêu cầu trả vốn, trả lãi và phạt vi phạm hợp đồng. Thế nhưng việc kiện này không dễ giải quyết, vì những nguyên nhân từ cả khách hàng mua nhà cả doanh nghiệp bán nhà.

 

Theo quy định, chủ đầu tư vi phạm hợp đồng thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo những gì hai bên đã ký kết. Nhưng hầu như các loại hợp đồng này đều quy định rằng trong trường hợp chủ đầu tư chậm giao nhà thì phải chịu trả lãi theo lãi suất ngân hàng. Trước nay khi hợp đồng ký kết suôn sẻ, thì chả có điều qua tiếng lại gì. Giờ khi câu chuyện kiện tụng được đưa ra mới thấy rằng phần phải chịu theo lãi suất ngân hàng kia của chủ đầu tư thật chả đáng gì so với những khoản tiền mà khách hàng đã nộp vào. Vì thế, nếu muốn thì chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt và có thể kéo dài thời hạn giao nhà như mình muốn. Lần lữa như thế, khách hàng nào chịu nổi, phải tự mình rút lui, tự phá hợp đồng và chịu thiệt đủ đường. Đó là chưa kể tình huống chủ đầu tư phá sản thì trong danh sách theo thứ tự ưu tiên thanh toán trả nợ thì các cá nhân không phải là những người đầu tiên. Chuyện đóng tiền mua nhà, bán nhà theo kiểu đóng một phần tiền ban đầu và theo tiến độ hoàn thiện công trình đã được thực hiện lâu nay. Song hầu như ít người chú ý đúng mức đến nội dung chi tiết trong các bản hợp đồng ký kết trong khi nội dung các hợp đồng này cứ mặc nhiên mặc định là do chủ đầu tư soạn thảo, người mua nhà xem rồi ký. Đến lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt như hiện nay, những bất cập mới lộ ra.

 

Về lý, các luật sư cho biết, khi chủ đầu tư có giấy phép kinh doanh bất động sản, khách hàng bị chậm trả nhà có thể kiện và toà án sẽ xử theo Luật kinh doanh bất động sản. Tất nhiên, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng gặp khó, các nhà kinh doanh cũng không muốn lần lữa giao nhà.

 

Trở lại hình ảnh ví von "đuổi theo con gà đã thả" - hình ảnh này đã thể hiện vị thế của người mua nhà đối với đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Nhưng việc thả gà thì hoàn toàn không phải lỗi của người đi mua bởi họ những tưởng và được làm cho tin tưởng mình đã bỏ tiền vào nơi tin cậy.

 

Nói gì thì nói, đuổi theo gà còn có thể nhìn thấy hướng đi hướng chạy của gà, còn tiền của

mình đã nộp cho chủ đầu tư thì đang vào đâu đó trong các khu nhà dang dở liệu người mua nhà có biết được không.


 

Với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, những khi thị trường phát triển, doanh nghiệp làm ăn tốt, phát triển nhanh, thu về lợi nhuận lớn thì cũng phải chấp nhận khi xảy ra rủi ro và thực hiện nghĩa vụ trong kinh doanh với nhà nước, với khách hàng. Đấy là trách nhiệm của mỗi doanh nhân.

 

Chúng ta sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Các chủ đầu tư - doanh nghiệp kinh doanh và mỗi cá nhân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

Giờ đây, thị trường bất động sản đang ấm trở lại, đang tan băng. Thị trường bất động sản đang được quan tâm lo lắng giải cứu. Nhưng những giải cứu này xét cho cùng sẽ tác động hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản và những  người sẽ mua nhà sau đó. Còn với những cá nhân và gia đình đã gần như trao tất cả giá trị của ngôi nhà ước mơ của mình cho doanh nghiệp, góp phần vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì khi xảy rủi ro như hiện nay, cần phải được đối xử công bằng.

 

Hiến pháp quy định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”./.

 

Lý Thái Phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo