Tin tức - Sự kiện

Trái thanh long trước hàng rào quốc tế

“Xé rào” mạnh mẽ khỏi ranh giới địa lý tỉnh Bình Thuận, nay trái thanh long lại đang dừng bước trước thị trường quốc tế do những hàng rào kỹ thuật ở đây quá ngặt nghèo, trong khi khả năng của người trồng trong nước lại có hạn...
Quả ngọt cho người nông dân cần cù
 
Cung đường dẫn vào xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam trải nhựa phẳng lỳ, xe lướt nhẹ êm ru. Trưởng phòng Tín dụng Chi nhánh Agribank Hàm Mỹ, tỉnh Bình Thuận, Hà Huy Thiết hồ hởi khoe với đoàn nhà báo, đường nhựa đã phủ khắp các thôn ở xã Hàm Thạnh, mà gần như đều nhờ người dân đóng góp xây dựng cả đấy nhé! Rồi như để giải thích thêm, anh trỏ tay sang những ruộng thanh long xanh ngút mắt hai bên đường, nói: Hàm Thạnh phát triển như ngày hôm nay cũng chính là nhờ cây thanh long đó.
 
Đan xen giữa những ruộng thanh long đang chờ ngày hái quả, là những căn nhà cấp 4 khang trang, cả những biệt thự nhỏ mà nếu ở thành phố lớn dám chắc phải trị giá bạc tỷ.
 
Nhờ cây thanh long, cả xã Hàm Thạnh, và nhiều nơi khác ngay tại mảnh đất Bình Thuận đã phất lên nhanh chóng trong vòng chưa đầy 20 năm.
 
Chủ tịch UBND xã Hàm Thạnh, ông Nguyễn Duy Vũ hồ hởi khoe, tỷ lệ hộ nghèo ở Hàm Thạnh trước đây lên tới xấp xỉ 30%, chỉ từ sau khi phát triển mạnh cây thanh long đã nhanh chóng giảm sâu xuống dưới 3% như hiện nay. Không phất lên nhanh sao được khi 1.560 ha trồng thanh long, chiếm già nửa diện tích đất canh tác trong xã mỗi năm đang đều đặn cho lãi khoảng 200-300 triệu đồng/ha.
 
Hơn 1.700 hộ dân tại Hàm Thạnh chỉ trồng và phát triển các loại dịch vụ đi kèm thanh long mà vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ từ chỗ tay trắng, nhờ cần cù bám đất đã ăn nên làm ra, gây dựng cơ ngơi khang trang giữa những ruộng thanh long quanh năm cho trái mát ngọt.
 
Anh Trần Minh Hiệp (thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh) vẫn không thể quên những ngày đầu năm 1990 mới đặt chân đến Hàm Thạnh với cơ ngơi vỏn vẹn 0,5 ha đất canh tác. Sau 2 năm lay lắt trồng cây ngắn ngày, lay lắt nuôi 5 miệng ăn, anh mạnh dạn vay vốn của Agribank Hàm Mỹ 5 triệu đồng, đầu tư 47 trụ thanh long.
 
Chỉ 3 năm sau anh Hiệp có trong tay 2 ha chuyên trồng thanh long. Đến năm 2010, vợ chồng anh “cất” cho mình ngôi biệt thự khang trang thuộc loại nhất nhì xứ thanh long này. Vừa vay vốn, vừa tích lũy, cho tới đầu năm 2012, gia đình anh đã có trong tay 8 ha, tương đương 8.000 trụ thanh long. Năm 2012, chỉ tính riêng thu nhập của 5.000 trụ thanh long (3.000 trụ chưa cho thu nhập), anh đã “bỏ túi” được ngót nghét 1,5 tỷ đồng.
 
Công việc nhiều, anh Hiệp thường xuyên thuê 6-12 lao động. “Trước giờ tui làm được như thế này cũng đều nhờ đồng vốn của ngân hàng trợ lực hết, chứ tự làm chắc không nổi đâu à!”, anh cười tươi, thật thà nói.
 
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, trồng thanh long cần chi phí lớn, khoảng 100 triệu đồng/ha đầu tư ban đầu, và thêm khoảng 100 triệu đồng trong 1,5-2 năm để chăm bón cho cây trổ bông, ra trái. Tuy nhiên nếu làm tốt, bán được giá thì chỉ 1 đến 2 vụ trúng lớn là đủ hoàn vốn, trả lãi ngân hàng.
 
Với kỹ thuật hiện đại, người nông dân ở đây đã ứng dụng nhiều phương pháp giúp cây thanh long vốn chỉ cho trái 2 vụ/năm, nay đều đặn 4 vụ đều kết bông, trổ quả. Như vậy là chỉ mất 2-2,5 năm là hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng, sau đó là “ung dung” thu hoạch và nhẹ nhàng... thu lãi.
 
Khi lợi thế trở thành thách thức
 
Làm nên sự nức tiếng gần xa của thanh long Bình Thuận không chỉ là sự cần cù của người nông dân, mà còn là nhờ đồng vốn kịp thời của Agribank Bình Thuận. Chúng tôi nghiệm ra điều đó khi trò chuyện với Giám đốc Agribank Bình Thuận Trần Văn Hai.
 
Nhìn thấy triển vọng phát triển của cây thanh long ngày hôm nay, nên hơn 20 năm trước Agribank đã tin tưởng trao đồng vốn vào tay những người nông dân "chẳng có gì ngoài chữ tín" như anh Trần Minh Hiệp nói. Nhưng ngay khi cây thanh long tưởng như đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết, thì lại chính là lúc Agribank phải đắn đo siết lại đồng vốn.
 
“Dự án trồng thanh long hiện nay phải nằm trong quy hoạch và định hướng theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn thì Agribank mới cấp vốn", Giám đốc Trần Văn Hai chia sẻ. Được biết, theo quy hoạch của tỉnh Bình Thuận, diện tích trồng thanh long tới năm 2015 là 15.000 ha, nhưng tới nay đã vượt kế hoạch tới 4.000 ha. Do đó hiện tỉnh không mở rộng diện tích trồng mà tập trung vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Bởi vậy Agribank Bình Thuận phải rất cẩn trọng!
 
Nhìn vào thị trường xuất khẩu thanh long, tình hình dường như còn đáng lo ngại hơn. Trong gần 400.000 tấn sản lượng thanh long năm 2012 của toàn tỉnh Bình Thuận, thì có hơn 300.000 tấn dành cho xuất khẩu ra ngoài tỉnh.
 
Tuy nhiên, có tới 60-65% tổng số này xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khoảng 35 % tiêu thụ trong nước, còn lại xuất sang Mỹ, EU... với con số vô cùng nhỏ. Do nguồn cung lớn và thị trường chưa ổn định như vậy, nên giá thanh long cứ lên xuống thất thường, có khi cao hơn giá lúa (24.000 – 25.000 đồng/kg), nhưng cũng có thời điểm chính vụ lại giảm xuống chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg.
 
Giám đốc Trần Văn Hai trăn trở: Nếu có đầu ra thì với điều kiện thổ nhưỡng, kinh nghiệm trồng hiện nay còn có thể phát triển thêm được. Nhưng giờ khâu chế biến chưa tốt, trái thanh long, cũng như nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam vẫn cứ loay hoay tìm đường xuất khẩu thô, giá cả phập phù, lại nơm nớp lo mất thị trường. “Làm sao thanh long được đóng thành gói hay đưa vào lon, bảo quản được 5-6 tháng như các cây trồng khác… thì xuất khẩu mới ổn định, người dân mới có lời”, ông Hai tâm sự.
 
Trăn trở của Giám đốc Trần Văn Hai cũng là ước mơ của người trồng thanh long Bình Thuận. Hiện nay, Mỹ và EU là những thị trường đầy tiềm năng cho loại trái cây này. Nhưng hiềm nỗi hàng rào kỹ thuật ở đây quá ngặt nghèo, trong khi khả năng của người trồng trong nước lại có hạn... Trái thanh long xuất khẩu thô chưa thể thâm nhập sâu, trở thành mặt hàng nông sản phổ biến tại đây. Đó cũng là câu chuyện không thuộc về riêng bất cứ mặt hàng nông sản nào của Việt Nam.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo