Xã hội

Trạm thu phí Cai Lậy: Tiền Giang đề nghị giảm phí

Tình trạng tài xế phản ứng bằng việc trả tiền lẻ tại khu vực trạm thu phí Cai Lậy vẫn tiếp tục. UBND tỉnh Tiền Giang đã chính thức yêu cầu giảm phí.

Trước việc lái xe phản ứng bằng việc trả tiền lẻ, sau đó có thêm diễn biến phức tạp tại khu vực trạm thu phí Cai Lậy, chiều 11/8 ông Phạm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT, theo tin tức trên báo Tuổi trẻ. 

Theo ông Tuấn, “quan điểm của UBND tỉnh Tiền Giang là Bộ GTVT sớm có chính sách giảm giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sao cho phù hợp nhất. Mức giá cụ thể thế nào sẽ bàn bạc.

Trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: Tuổi trẻ. 

Vấn đề là cần có sự thống nhất giữa các bên sao cho vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư vừa đảm bảo tính hợp lý cho người sử dụng...” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho hay đã có nhiều cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật và ngày 14/8 cục trưởng Cục Đường bộ sẽ vào Tiền Giang để lắng nghe đề xuất của tỉnh nhằm hạn chế diễn biến xấu.

Cho biết những vấn đề phát sinh vừa qua như tài xế đưa tiền lẻ, xe né trạm thu phí... đã vượt quá tính toán ban đầu của tỉnh, ông Tuấn nhận định có nguyên nhân tác động của một số tài xế quá khích.

Về biện pháp trước mắt, ông Tuấn cho biết nếu tài xế đưa tiền lẻ sẽ không xử phạt mà công an sẽ hỗ trợ đưa xe về làn chờ. Với xe né trạm, sẽ chỉ kiểm tra, xử phạt những phương tiện quá tải (trên 10 tấn); những xe buýt, xe chở khách đã đăng ký tuyến cố định. Các phương tiện khác được lưu thông bình thường.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, phía Tổng cục đã nắm được tình hình và đã có văn bản gửi cho chủ đầu tư và UBND tỉnh. 

 

Ông Huyện khẳng định: “Quan điểm của Tổng cục là việc lái xe bỏ tiền vào chai nhựa là không được, tài xế có thể trả tiền phí bằng tiền lẻ nhưng phải đưa bằng tay để nhân viên thu phí đếm và thu, nếu cố tình cho vào lọ sẽ không cho đi qua nữa mà phải quay lại”, báo Dân việt đưa tin.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho hay, đối với những bất cập ở các trạm thu phí, Tổng cục đã làm việc với tất cả các tỉnh và cũng đã làm việc với từng trạm một để đưa ra mức miễn - giảm cho người dân ảnh hưởng ở những vùng xung quanh trong bán kính từ 3 - 5km theo chủ trương chung và xét từng trường hợp cụ thể chứ không phải ai cũng được.

Về việc các tài xế đưa ra lý do đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm nay lại phải nộp phí BOT là vô lý, ông Huyện cho rằng việc đóng phí bảo trì đường bộ và việc thu phí BOT là khác nhau, phí bảo trì là chung, không chỉ đối với phương tiện đi qua dự án thu phí BOT nói trên mà còn lưu thông chung trên 20.000km quốc lộ khác được vốn ngân sách bỏ ra, còn việc trả phí BOT là dành cho các phương tiện đi qua dự án được đầu tư của tuyến đường đó.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc phải trả phí đường bộ theo đầu phương tiện đã có quy định của pháp luật, khi được đi trên con đường tốt hơn thì phải trả phí là việc bình thường. Vấn đề ở chỗ giá cả có phải chăng hay không. 

“Đừng đổ tại Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép. Có sản phẩm bán cho người dân thì người dân phải đồng tình mới được. Thêm nữa, trên con đường đó họ không có sự lựa chọn, khi họ vòng tránh vào đường làng, đường xã thì “lợi bất cập hại”, ông Thanh nói.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Tuổi trẻ, Dân việt)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo