Thị trường

Treo dâu tây lơ lửng trên giàn, lãi 2 tỷ đồng mỗi năm

Từ một nông dân trồng rau, hoa bình thường, anh Nguyễn Thanh Trúc (42 tuổi, ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã chuyển hướng sang mô hình trồng dâu tây treo trên giàn khác lạ, cho năng suất cao và mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho gia đình anh.

Thăm vườn dâu tây của anh Nguyễn Thanh Trúc ở phường 11 (TP Đà Lạt), chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi thay vì trồng dâu theo phương pháp truyền thống thì những luống dâu của anh Trúc được treo lơ lửng cách mặt đất khoảng 1,2m. Hàng nối hàng thẳng tắp, những luống dâu cho quả sai trĩu nhìn rất đẹp mắt.

Anh Trúc cho biết, anh gắn bó với nông nghiệp hơn 30 năm nay, cũng như bao nhiêu người Đà Lạt khác trồng rau và hoa làm kinh tế chủ lực. Thế nhưng, làm nông nghiệp theo phương pháp truyền thống thì giá trị kinh tế không cao nên anh quyết định chuyển hướng sang trồng dâu tây, một loại trái cây “khó chiều”.

Anh Nguyễn Thanh Trúc bên vườn dâu tây của gia đình mình.

Năm 2013, anh Trúc bắt đầu trồng thử nghiệm dâu tây. Khi bắt tay vào làm anh nghĩ nếu trồng dâu tây như nông dân Đà Lạt vẫn làm là trồng dưới đất hoặc trồng trên giá thể trong nhà kính thì năng suất cũng chỉ bình thường, trong khi bỏ vốn đầu tư cao. Vì vậy, anh Trúc đã tìm hiểu, học hỏi trên mạng internet và thiết kế giàn treo những luống dâu tây lên cao.

Ban đầu, anh Trúc chỉ sử dụng 500m2 để trồng thử nghiệm. Khu vườn của anh áp dụng kỹ thuật treo các luống dâu “lơ lửng” trên cao cách mặt đất khoảng 1,2 m, thay vì trồng trên các giá đỡ bằng gỗ hoặc thép như những khu vườn khác.

Với cách trồng dâu khác lạ này việc chăm sóc dâu, hái dâu dễ dàng hơn.

Việc dùng dây cáp treo các luống dâu lên cao giúp mặt đất bên dưới thông thoáng, tạo điều kiện chăm sóc cây dễ dàng. Đặc biệt, không lo luống dâu bị nghiêng đổ giống như trồng trên giá đỡ bằng gỗ.

Và năng suất trái cũng cao hơn theo phương pháp truyền thống.

“Ban đầu tôi làm theo tài liệu, hướng dẫn theo cách của nước ngoài nhưng hệ thống nhà kính của tôi không chịu nổi trọng lượng của các luống dâu khoảng 1,5 tấn. Sau đó, tôi phải sửa chữa, gia cố thêm bằng các cây sắt V hàn chéo giữa góc của các trụ và các cây ngang trên mái nhà kính để theo cách riêng của mình…”, anh Trúc chia sẻ.

Ngoài ra, vườn dâu của anh Trúc được áp dụng công nghệ trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể. Toàn bộ chất dinh dưỡng, nguồn nước được cung cấp trực tiếp qua hệ thống ống dẫn. Hệ thống tưới được cài đặt tự động hoàn toàn theo chu kỳ mỗi ngày từ 5 – 7 lần tưới, mỗi lần 15 phút giúp cây hấp thụ nước và chất dinh dưỡng đều đặn hơn.

 

Chị Thu Nhàn (vợ anh Trúc) chia sẻ thêm, với hệ thống giàn treo như của gia đình mình thì sẽ có nhiều ưu điểm so với cách làm truyền thống. Từ vườn dâu này chị và công nhân không phải còng lưng ngồi người đất để chăm sóc hoặc hái dâu như trước. Bên cạnh đó, khoảng đất trống phía dưới gia đình chị còn có thể tận dụng trồng rau, hoa...

Chỉ với thử nghiệm ban đầu, anh Trúc nhận thấy sản lượng dâu đã cao gấp đôi so với với trồng thông thường, nên anh đã nâng diện tích trồng dâu của mình lên 9000m2.

Sau khi hái dâu vào buổi sáng, công nhân sẽ phân loại và đóng hộp gửi đi các thị trường.

Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, anh Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và có mùi thơm dịu. Chất lượng dâu tươi ngon và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên sản phẩm khi thu hoạch rất được thị trường ưa chuộng.

Với việc treo cây dâu lơ lửng bằng dây cáp cho năng suất cao, giúp gia đình anh Trúc thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, với 9000m2 nhà kính trồng dâu tây, mỗi năm mang lại cho chủ nhân vườn dâu khoảng 25 tấn dâu, với giá bán từ 200 – 250 ngàn đồng/kg sau khi trừ tất cả chi phí, anh Trúc thu về khoảng 2 tỷ đồng.

Ngoài kinh doanh trái dâu tươi, khu vườn dâu treo của anh Nguyễn Thanh Trúc còn mở cửa cho người dân địa phương, du khách tham quan miễn phí, trải nghiệm hái dâu thực tế.

 

Nên đọc
Theo Dân Trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo