Quốc tế

Triều Tiên bác bỏ nguy cơ phóng viên quốc tế nhiễm phóng xạ

Một số nghi vấn đã được đặt ra về tình hình sức khỏe của nhóm 30 phóng viên quốc tế tới đưa tin về việc phá dỡ khu thử hạt nhân của Triều Tiên trong tuần này.

Khoảng 30 phóng viên từ Anh, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đã được Triều Tiên mời tới đưa tin về một loạt vụ nổ nhằm phá hủy khu thử hạt nhân Punggye-ri hôm 24/5. Sau khi kết thúc sự kiện, các phóng viên nước ngoài đã đáp chuyến bay từ Triều Tiên về Bắc Kinh, Trung Quốc hôm qua 26/5. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại là nguy cơ các phóng viên này bị nhiễm phóng xạ khi chứng kiến các đường hầm và cơ sở tại khu thử hạt nhân bị cho nổ tung.

“Không phóng viên nào được phép mang máy đo bức xạ hoặc bất kỳ thiết bị liên quan tới phóng xạ nào vào. Chúng tôi không có cách nào để xác minh độc lập mức độ nhiễm xạ xung quanh khu vực này”, phóng viên Will Ripley của CNN nói tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.

Các phóng viên quốc tế đưa tin về vụ phá dỡ khu thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters).

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại, Will mỉm cười và nói rằng anh “cảm thấy ổn”. Mặc dù khẳng định không phát hiện bất kỳ triệu chứng nhiễm phóng xạ nào, song một phóng viên Hàn Quốc cho biết anh sẽ vẫn được theo dõi về nguy cơ nhiễm phóng xạ sau khi từ Triều Tiên về nước.

Liên quan tới vấn đề này, chính phủ Triều Tiên đã ra thông cáo bác bỏ nguy cơ các phóng viên quốc tế bị nhiễm phóng xạ sau khi tới nước này đưa tin.

Một đường hầm tại khu thử hạt nhân bị phá dỡ hôm 24/5 (Ảnh: Reuters).

“Không có chuyện rò rỉ vật liệu phóng xạ hay bất kỳ tác động nguy hại nào tới môi trường sinh thái xung quanh”, thông cáo của Triều Tiên nêu rõ.

Khu thử Punggye-ri là nơi Triều Tiên tiến hành tất cả 6 vụ thử hạt nhân của nước này từ năm 2006 đến nay, trong đó có vụ thử mạnh chưa từng có hồi tháng 9 năm ngoái. Sau hàng loạt vụ nổ, Triều Tiên tuyên bố khu thử hạt nhân bị phá hủy “hoàn toàn”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên khi nước này không cho phép bất kỳ chuyên gia hay thanh tra viên quốc tế nào, bao gồm cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đi cùng các phóng viên nước ngoài tới khu thử Punggye-ri để chứng kiến vụ việc.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo