Pháp luật

Trớ trêu bằng cấp

Nhiều lao động trẻ phải cất bằng để tìm việc trái ngành, dưới trình độ đã được đào tạo

Nhiều lao động trẻ chọn công việc đơn giản ở nhà máy vì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động.

 

Hòa trong dòng người xem thông tin tuyển dụng tại ngày hội việc làm do Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP HCM tổ chức, chị Nguyễn Hồng Ngát (25 tuổi, ngụ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ: “Tôi muốn tìm việc liên quan đến lĩnh vực tài chính”.

 

Cất bằng làm phục vụ

 

Chị Ngát cho hay dù tốt nghiệp loại khá Khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã 2 năm nhưng chị vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Khi tốt nghiệp, chị hồ hởi nộp hồ sơ vào nhiều ngân hàng, công ty tài chính.

 

Đáng tiếc, cơ hội không đến vì nơi nào cũng đòi ứng viên có bề dày kinh nghiệm. Chán nản, chị ở nhà giúp mẹ trông nom quán cà phê. Gần 2 năm trôi qua, công việc của chị chỉ dừng lại ở nhiệm vụ bưng bê, rửa ly, tính sổ sách cho mẹ.

 

Nhìn cảnh con có bằng ĐH nhưng phải “ăn bám” gia đình, cha mẹ chị không khỏi buồn rầu.

 

Không cam lòng bỏ phí 4 năm học ĐH, chị Ngát thường xuyên đến các ngày hội nghề nghiệp, hội thảo việc làm để tìm việc. Tuy nhiên, chưa có nhà tuyển dụngnào hồi đáp sau khi nhận hồ sơ của chị. “Chắc họ ác cảm với lý lịch thất nghiệp 2 năm, chưa có kinh nghiệm về tài chính của tôi” - chị Ngát nói.

 

Cũng lâm vào tình cảnh học một đằng làm một nẻo, Phạm Thị Trang (ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng chấp nhận công việc văn thư ở trường THCS tại địa phương trong khi có bằng CĐ sư phạm văn của Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt. Do nhà trường đã đủ giáo viên mà chỉ thiếu văn thư nên Trang phải đảm nhận vị trí trên.

 

Hiện Trang đang học thêm trung cấp văn thư để bổ sung bằng đúng chuyên ngành theo yêu cầu của trường. Trang rầu rĩ: “Có bằng cũng như không. Rất nhiều bạn của tôi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự hoặc phải đi bán hàng, làm phục vụ, tệ hơn là về quê làm nông khi việc làm đúng chuyên ngành thiếu trầm trọng!”.

 

Chấp nhận việc dưới trình độ

 

Nhiều sinh viên (SV) trường nghề sau khi tốt nghiệp luôn hy vọng sẽ gắn bó ở nhà máy với chức vụ chuyên viên, cán sự kỹ thuật hoặc công nhân (CN) bậc cao. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ vỡ mộng khi phải bắt đầu từ vị trí CN như lao động phổ thông.

 

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ may Trường CĐ nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex vào năm 2014 nhưng Trần Hoàng Linh (23 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) lại ứng tuyển vào Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam làm CN.

 

“Các vị trí đúng chuyên môn về kỹ thuật may đều cần người có kinh nghiệm dày dạn nên những ứng viên như tôi chỉ có cơ hội ngang bằng với lao động phổ thông. Suy nghĩ như vậy nên tôi chấp nhận công việc này, còn hơn là ở nhà “ngóng” việc” - Linh thẳng thắn.

 

Ra trường gần 1 năm, Tr.T.Th (quê ở tỉnh Vĩnh Long) vẫn “trung thành” với vị trí thu ngân trong siêu thị, mặc dù tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP HCM. Th. tâm sự: “Ít SV trường nghề học về kinh tế ra có thể cạnh tranh với các trường CĐ, ĐH. Vì thế, tôi nghĩ mình nên tìm việc đơn giản, ổn định để lo cho bản thân, tránh thất nghiệp chứ không chạy theo bằng cấp”.

 

Sợ lâm vào cảnh thất nghiệp như nhiều bạn bè đồng trang lứa, Th. quyết định “hy sinh” tấm bằng quản trị kinh doanh để gắn bó với nghề thu ngân - việc làm không liên quan đến chuyên môn từng học.

 

Biến thử thách thành cơ hội

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, công việc trái ngành hoặc dưới trình độ chưa phải là rào cản thành công.

 

Không ít lao động trẻ đã tận dụng kinh nghiệm từ công việc đảm nhiệm và kiến thức đã học ở giảng đường để thể hiện mình, từ đó nhanh chóng leo lên các vị trí quản lý, lãnh đạo.

 

 

“Rất nhiều lãnh đạo, chuyên gia kỹ thuật đi lên từ CN, nhân viên bán hàng… Các bạn trẻ cần biến khó khăn thành cơ hội bứt phá cho mình” - ông Tuấn khẳng định.
 

 

Theo NLĐ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo