Thị trường

Trồng cà phê catimor để thoát nghèo bền vững

Là địa phương thuộc diện nghèo nhất nước, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đang đầu tư cho người dân phát triển mạnh cây cà phê, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu (H.Tu Mơ Rông), cho biết khoảng 2 năm qua, cà phê catimor được nhà nước đầu tư mạnh cho dân trồng, giá cả luôn ổn định, được mùa. Đây là cà phê ngon nên thương lái thu mua nhanh, đồng bào Xê Đăng hưởng lợi nên đời sống phần nào được cải thiện, không ít hộ đã thoát cảnh "ăn trước trả sau" vay mượn lương thực các quán xá bán buôn lại làng.

“Toàn xã hiện phát triển được hơn 210 ha cà phê catimor. Bà con đang “mê” cây này, xem là cây đầu tàu phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đang chuyển từ cây bời lời sang trồng cà phê”, ông Hoàng cho biết.

Một rẫy cà phê của người dân xã Ngọc Yêu. Ảnh: H.N

Sở dĩ người dân thích cà phê catimor vì loại cây này không cần phải tưới nước thường xuyên, chịu lạnh và giá ổn định. Ở xã Ngọc Yêu có một số cây dược liệu rất tốt khi trồng để phát triển kinh tế gia đình, nhưng bán ra nhỏ lẻ. Còn cây cà phê, thu hái xong bán ngay một lần, tiền thu về một lượt, rất tiện chi tiêu cho những việc lớn của gia đình.

Anh A Đáo ở làng Long Láy, xã Ngọc Yêu, cho biết gia đình thuộc diện nghèo. Cuối năm 2014, anh được hỗ trợ 900 cây catimor, trồng trên diện tích gần 2.000m2. Năm 2016, anh thu bói được 2 tấn cà phê tươi. Cuối năm 2017, anh Đáo thu năm thứ 2 được 3 tấn cà phê tươi, bán ra thị trường giá trung bình 5.000 đồng/kg, thu về 15 triệu đồng. Anh Đáo cho biết với 2.000 m2 nếu trồng mì gần 2 năm thu hoạch chỉ được khoảng 2-3 triệu đồng; còn cây sâm dây bán có giá nhưng thu hoạch nhỏ giọt, tiền thu về không “làm chuyện lớn” được như thu một lần với cây cà phê. Đó là chưa kể năm thứ 3 thu chính vụ, 900 cây cà phê của anh Đáo sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều.

Nên đọc
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo