Quốc tế

Trung Quốc đổi thái độ với DN ngoại: Giấc mơ không thành

Trong tương lai, Trung Quốc vẫn là một cường quốc của thế giới nhưng còn lâu mới là đầu tàu về công nghệ và nền văn minh.

Nhiều công ty đa quốc gia bị Trung Quốc điều tra ráo riết về chống độc quyền

 

Đó là đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh việc Trung Quốc đổi thái độ với doanh nghiệp ngoại trong "giai đoạn đau đớn" để tiến lên nền sản xuất công nghệ cao.

 

PV: - Một cuộc thăm dò do Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) thưc hiện cho thấy, trong số 477 công ty Mỹ được khảo sát ý kiến, có 47% nói họ cảm thấy được chào đón kém nhiệt tình hơn so với trước kia ở Trung Quốc. Trước đó, nhiều công ty đa quốc gia nổi tiếng như Microsoft, GlaxoSmithKline, Qualcomm, Audi và McDonald’s đã trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra ráo riết về an toàn vệ sinh thực phẩm, chống độc quyền và chống tham nhũng ở Trung Quốc. Ngoài ra, theo một nghiên cứu do công ty UniGroup Relocation thực hiện, số người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc trong năm 2014 nhiều gấp đôi số người chuyển đến.

 

Theo quan điểm phương Tây, họ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ, bài ngoại đang gia tăng ở Trung Quốc. Ông bình  luận như thế nào về đánh giá này? Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Cách đây khoảng 20 năm, khi Trung Quốc đang tăng trưởng rất mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Trung Quốc để chiếm lĩnh thị phần và xem Trung Quốc như cái lò sản xuất cho sản phẩm của họ. Khi ấy, Trung Quốc lạc hậu, cần nhiều đô la, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và chuyên môn của các chuyên gia, chuyên viên nước ngoài. Nói cách khác, thời điểm đó chứng kiến giai đoạn chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến sang Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường Trung Quốc đã bão hoà với điều đó, tăng trưởng của Trung Quốc cũng chậm lại hơn trước nhiều, thành ra họ  không mấy mặn mà với đầu tư của các nhà tài phiệt nước ngoài.

 

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, họ thấy rằng thị trường Trung Quốc không còn béo bở như xưa, lao động ngày càng đắt, chưa kể môi trường ô nhiễm. Họ thấy có nhiều nước xung quanh Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Myanmar... có thể thay thế Trung Quốc sản xuất những sản phẩm của họ.

 

Do đó, cả các nhà đầu tư và Trung Quốc không còn hăm hở hợp tác và làm việc với nhau như xưa. Dù chưa thấy bằng chứng Trung Quốc bài ngoại nhưng rõ ràng người dân Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc và cả chính phủ Trung Quốc không còn mặn mà với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

PV: - Trong một năm gần đây, người ta đã nói tới giai đoạn đau đớn của Trung Quốc, từ bỏ nền sản xuất công nghệ kém, ô nhiễm, trình độ lao động thấp... sang nền sản xuất công nghệ cao. Những biểu hiện trên có phải là kết quả của quá trình này, khi Trung Quốc đã tiếp thu được công nghệ, bắt kịp nền sản xuất tiên tiến và muốn ưu tiên cho sản xuất trong nước hay không, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể. 

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Đúng vậy. Trung Quốc đang tiến gần vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó họ sẽ tự lực cánh sinh dựa vào chính khả năng sản xuất của mình, ngay cả công nghệ tiên tiến cũng do mình xây dựng. Dĩ nhiên Trung Quốc vẫn phải dựa trên cơ sở công nghệ tiên tiến của các nước Tây phương nhưng họ cũng đang cố gắng để tạo ra những công nghệ riêng cho mình. Ngay cả trên phương diện quốc phòng cũng vậy mà hàng không mẫu hạm của Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

 

Trung Quốc sẽ phải giải quyết các vấn đề dân sinh, môi trường là hai vấn đề mà lâu nay nước này có thể đã làm ngơ hoặc không quan tâm đủ. Đây là giai đoạn mới của sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc mong muốn đi đến một nền kinh tế trong đó lĩnh vực dịch vụ được tăng cường.

 

Trong nền kinh tế có 3 lĩnh vực chính: nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ. Các nước Tây phương đã đi trước thế giới về các lĩnh vực này và lực lượng lao động cũng như  thu nhập, tăng trưởng kinh tế dựa rất nhiều vào dịch vụ trong khi nông nghiệp và sản xuất bị đẩy lùi. Trung Quốc cũng đang đi theo tiến trình đó và vai trò của nông nghiệp, sản xuất được Trung Quốc đẩy lại cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.

 

PV: - Thưa ông, xét về yếu tố đặc điểm tính cách của người Trung Quốc, việc mạnh tay với các công ty nước ngoài (đặc biệt là Mỹ) sẽ có tác động như thế nào tới tâm lý nhà sản xuất và người tiêu dùng Trung Quốc?  Điều này có tạo động lực cho nền kinh tế Trung Quốc vượt qua giai đoạn đau đớn để đạt tới sự bền vững hơn hay không và vì sao?

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Người tiêu dùng Trung Quốc thực ra rất cần công nghệ của Tây phương bởi họ biết rằng tự Trung Quốc chưa thể đứng vững trên thị trường thế giới. Một ví dụ điển hình, số người sử dụng iPhone và công nghệ tiên tiến của nước ngoài ở Trung Quốc vẫn nhiều hơn chính sản phẩm họ làm ra.

 

Tâm lý chuộng phương Tây vẫn còn tồn tại ở trong Trung Quốc, do đó Trung Quốc khó có thể đi đến trạng thái là người dân sẽ từ bỏ những sản phẩm của phương Tây và chỉ sử dụng sản phẩm của mình. Trung Quốc khó có thể theo kịp phương Tây về công nghệ và nền văn minh.

 

Những sản phẩm của phương Tây vẫn được ưa chuộng trên toàn cầu, ít nhất trong 50 năm tới. Dẫn đầu thế giới cả về công nghệ, nền văn minh, hay đồng tiền Nhân dân tệ trở thành đồng tiền của thế giới, theo tôi, những chuyện đó cũng chỉ niềm mơ ước của Trung Quốc. Chưa có dấu hiệu Trung Quốc trở thành đầu tàu trong nền văn minh và công nghệ thế giới. 

 

Việc ít hào hứng với doanh nghiệp ngoại có lẽ là một yếu tố tạo ra sự ổn định của kinh tế Trung Quốc. Nếu cả thế giới dựa quá nhiều vào Trung Quốc như một công xưởng của thế giới và Trung Quốc dựa qúa nhiều vào đầu tư của phương Tây sẽ tạo ra một sự mất quân bình. Bất cứ chuyện gì xảy ra tại phương Tây, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng và ngược lại. Thành ra việc Trung Quốc dần dần tạo cho mình một thế đứng trong nền tài chính thế giới và giảm thiểu sự lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài là một khuynh hướng tốt cho cả Trung Quốc và thế giới.

 

PV: Theo ông dự đoán, với cách làm trên, nền kinh tế Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao và vị trí của nó trong nền kinh tế thế giới sẽ như thế nào?

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Trung Quốc sẽ tiếp  tục phát triển dù sự phát triển đó đang và sẽ chậm lại. Trung Quốc không thể nào phát  triển không có giới hạn, họ đang phải đối đầu với rất nhiều vấn đề về môi trường, an sinh xã  hội và Trung Quốc đang điều chỉnh tất cả những vấn đề đó. Trong tương lai, Trung Quốc vẫn là một cường quốc của thế giới về mọi phương diện: về kinh tế, tài chính, thương mại, sản xuất và dĩ nhiên vai trò của Trung Quốc trong địa dư chính trị ngày càng tăng. 

 

Về sản xuất, Trung Quốc có thể chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong vòng 2 thập niên tới nhưng về phương diện xã hội, chính trị và cả nền văn minh thì không.

 

Mỹ sẽ vẫn dẫn đầu thế giới trong vòng 50 năm tới, dĩ nhiên không phải trên tất cả mọi phương diện nhưng Mỹ là đầu tàu của thế giới vì nền chính trị của Mỹ rất ổn định. Nó định hình cho tất cả các vấn đề đầu tư, tài chính, thương mại...

 

Nền chính trị của Trung Quốc thiếu sự ổn định bền vững. Trung Quốc đang phải điều chỉnh rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tham nhũng, hối lộ không thể giải quyết một sớm một chiều. Ở Trung Quốc, tham nhũng là cả vấn đề có tính hệ thống, một dây chuyền chứ không phải chỉ một vài quan tham. Còn ở Mỹ, vấn đề tham nhũng, hối lộ hầu như bị tiêu diệt. Tất nhiên, ở Mỹ vẫn có những cảnh sát lấy vài trăm USD của người dân để tha cho một vé phạt, hay tham nhũng trong chính phủ... nhưng ở trong mức độ nào đó nó chỉ mang tính cá biệt chứ không phải hệ thống. 

 

Chính vì thế, để Trung Quốc trở thành một mô hình phát triển cho thế giới thì còn lâu lắm.

 

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thông thường ở giai đoạn đầu phát triển, các nước thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhưng đến giai đoạn nhất định, khi các doanh nghiệp trong nước trưởng thành lên thì họ muốn nhà nước dành nhiều cơ hội hơn cho mình. Lúc bây giờ, các công ty trong nước có thể nhìn các công ty nước ngoài như những đối thủ cạnh tranh, do đó thái độ hồ hởi không còn được như trước.

"Mặt khác, cần lưu ý các ngành Trung Quốc làm khó cũng là những ngành Trung Quốc có thế mạnh và các công ty Trung Quốc muốn vượt lên. Đây cũng có thể là cách để Trung Quốc trả đũa, bởi Mỹ và một số nước thường phê phán sản phẩm của Trung Quốc độc hại, không đáng tin cậy và có trào lưu tẩy chay. Người Mỹ thường thẳng thắn tron việc đấu tranh chống tham nhũng, giữ đạo đức kinh doanh hoặc các vấn đề nhân quyền, và điều đó có thể gây phản ứng với người Trung Quốc", bà Phạm Chi Lan lý giải.

Cũng theo bà Lan, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn lột xác về kinh tế. Họ bỏ bớt những ngành hoặc cách thức kinh doanh gây ô nhiễm, chất lượng sản phẩm kém, giá trị gia tăng không cao và cố gắng vươn lên một nền kinh tế hiện đại hơn có chất lượng cao hơn. 

Trong quá trình đó, Trung Quốc muốn tự họ vượt lên được. Đối với những sản phẩm bên ngoài, có thể lúc đầu Trung Quốc cần về công nghệ hay nhiều thứ khác, nhưng giờ đây họ đã học hỏi được nhiều và muốn tự tay làm. 

"Tự làm để cạnh tranh cũng tốt nhưng nếu bằng cách kỳ thị hoặc gây khó cho doanh nghiệp ngoại thì không nên", bà Lan bày tỏ.

Theo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo