Pháp luật

Tường thuật trực tiếp phiên xử Nguyễn Mạnh Tường "ném xác xuống sông Hồng"

Hơn 7h sáng 14/4, 2 ô tô bít bùng chở BS Tường và bảo vệ Khánh đi vào sân Tòa án Hà Nội. Hai con của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền cũng được bố đưa đến tòa khá sớm...

 

Hai con của chị Huyền đến tòa sớm cùng gia đình - Ảnh: Phạm Hải

Từ 7h sáng 14/4, phía ngoài TAND TP Hà Nội đã tập trung đông đảo người dân và các phóng viên theo dõi diễn biến phiên xét xử.

Thẩm phán, chủ tòa phiên tòa là bà Lê Thị Hợp. Có 3 luật sư bào chữa cho các bị can. Luật sư bào chữa cho bác sỹ Tường là bà Chu Thị Trang Vân.

Luật sư của Đào Quang Khánh là ông Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn.

Về phía gia đình bị hại cũng đã mời Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Hai luật sư đại diện cho Văn phòng này là ông Vũ Gia Trường và bà Phạm Hương Giang.

Người nhà nạn nhân đến dự phiên xét xử.

Đông đảo người dân và cơ quan báo chí cũng có mặt sớm tại tòa để theo dõi phiên xét xử.(Ảnh: Phạm Hải)

BS Tường bị truy tố về 2 tội 'Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt' và 'Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác', tổng mức án cao nhất bị can phải đối mặt là 10 năm tù.
 
Bảo vệ Đào Quang Khánh bị truy tố tội 'Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt' và 'Trộm cắp tài sản', án cao nhất theo khung hình phạt là 8 năm.
 
Các nhân chứng gồm chị Nguyễn Thị Hằng, chị Lê Thị Ngọc Vân, chị Nguyễn Ngọc Thư, anh Nguyễn Quang Thành, anh Lê Văn Công đều đã có mặt.

Các phóng viên không được đưa tin trực tiếp từ phòng xét xử mà ngồi tại phòng tác nghiệp dành cho các cơ quan báo chí.

8h45: Chủ tọa phiên tòa bắt đầu kiểm tra căn cước của hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh cùng những người tham gia tố tụng. Cả Tường và Khánh đều trả lời rành rọt, rõ ràng các câu hỏi của chủ tọa.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: T.Nhung)

 8h36: Thư ký phiên tòa điểm danh những đại diện hợp pháp người bị hại là anh Nguyễn Hữu Huy, ông Lê Văn Viễn, bà Nguyễn Thị Hiền và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hai con trai chị Huyền. 

2 xe chở phạm nhân đến tòa sáng 14/4 - Ảnh: Phạm Hải
 
7h30: Những người đại diện cho gia đình chị Huyền gồm bố chồng và hai con nhỏ mang theo di ảnh của chị đã xuất hiện trước cổng Tòa và nhanh chóng được đưa vào bên trong sân chờ.

9h00: Đại diện Viện KSND công bố bản cáo trạng truy tố 2 bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Hai bị cáo đứng dậy nghe cáo trạng, bị cáo Tường luôn cúi mặt, còn bị cáo Khánh thỉnh thoảng đưa mắt như tìm người nhà. 

9h23: Công bố xong cáo trạng, tòa tiến hành thẩm vấn các bị cáo.

Thẩm vấn bị cáo Nguyễn Mạnh Tường:

- Bị cáo có tìm hiểu mở TMV cần có điều kiện gì?

Cần có các điều kiện bằng cấp chuyên môn, sự cho phép của Bộ Y tế, các điều kiện cần và đủ.

 - Trung tâm của bị cáo đã đầy đủ chưa?

 Đã đủ rồi nhưng chưa kịp xin. 

- Cho đến trước ngày xảy ra sự việc, TMV hoạt động được bao lâu rồi?

Được 3 tháng.

- Bị cáo trình bầy nhân sự quản lý?

Chị Mai là người quản lý toàn bộ trung tâm.

- Trung tâm có mấy phòng?

Có phòng lễ tân, tư vấn, thông tin quảng cáo, phòng spa, phẫu thuật và hậu phẫu. Tất cả đều chị Mai quản lý chung.

- Bị cáo quen chị Mai như thế nào?

Có người quen giới thiệu.

- Có ký hợp đồng lao động với nhau không?

Có ạ.

- Chị Mai học gì ra?

Học công đoàn ra.

- Ai là người tư vấn cho khách?

Chủ yếu là chị Mai.

- Dựa trên cơ sở nào mà chị Mai tư vấn?

Chị Mai có kinh nghiệm làm thẩm mỹ rồi. Chị Mai là người viết các bài tư vấn, quảng cáo thì có hỏi qua chuyên môn từ bị cáo.

- Vậy vấn đề chuyên môn là do bị cáo quyết định?

Vâng.

- Có được phép làm thẩm mỹ không?

Không ạ. Bởi không gây tê được, gây mê nên phải làm trong bệnh viện.

- Mở trung tâm có tìm hiểu không?

Có biết nhưng chưa được đọc văn bản.

- Biết vậy sao vẫn làm?

Cái này thực ra chỉ là thủ thuật, không phải phẫu thuật. Trên cơ sở khách hàng đến, bị cáo nghĩ có thể gây tê được, tin tưởng vào khả năng của mình.

- Bị cáo có biết các quy trình?

Để làm được phải thử các phản ứng thuốc mà trong quá trình làm có thể sử dụng đến. Cơ bản là nó như vậy.

- Quá trình thực hiện cho chị Huyền, bị cáo có thực hiện đầy đủ các bước không?

Có ạ.

- Cụ thể?

Khách hàng sẽ được thử HIV, siêu âm, chụp tim phổi. Các y tá sẽ thử text.

- Các quy trình đó bị cáo có kiểm tra không?

Vân hay là Thư gì đó.

- Bị cáo không làm việc đó đúng không?

Vâng.

- Trước khi làm bị cáo có hỏi lại các y tá không?

Có ạ. Đã xem và không thấy có gì. Bị cáo hỏi lại Mai xem có vấn đề gì không, Mai trả lời không. Bị cáo cũng có hỏi chị Huyền và khám qua xem có bệnh gì không và có thể hút mỡ được không?

- Khi đến phẫu thuật cho chị Huyền, lúc đến là mấy giờ?

Khoảng 11 giờ, đến 12 giờ thì làm phẫu thuật cho chị Huyền. Khi đến chị Huyền đang đứng ngoài.

9h30': Bác sĩ Tường thừa nhận, một cơ sở thẩm mỹ viện thì không được phép nâng ngực, hút mỡ

9h40': Khi tòa hỏi quy trình phẫu thuật, bác sĩ Tường kể lại: Đầu tiên, bị cáo chuẩn bị tư thế của khách hàng là nằm ngửa, để lộ phần bụng, sau đó tiêm thuốc tê vào bên hông tầm ngang rốn, chích 2 lỗ để gây tê phần bụng... Thái độ trả lời của bị cáo Tường rất rụt rè.

Ca phẫu thuật của chị Huyền tiến hành trong bao lâu?

- Khoảng 4 tiếng. Từ 12h đến gần 4h

- Bị cáo tiêm thuốc trợ tim, đặt nội khí quản, cho nạn nhân thở ô xi

Bị cáo có tìm hiểu nguyên nhân nạn nhân bị co giật không?

- Bị cáo không biết nguyên nhân vì sao.

-  Trong quá trình gây tê, người được làm có tỉnh không?

Có. Nhưng sau đó bị cáo tiêm thuốc an thần cho chị Huyền.

- Sau khi hút mỡ vùng bụng, bị cáo hút mất bao lâu?

Hút mỡ ra vào khoảng 11 xi lanh, loại xi lanh 50ml. Quá trình hút mỡ kéo dài từ 1-2 tiếng. Xi lanh hút trước, mỡ sẽ lắng xuống, dịch ở trên. Bị cáo bỏ phần dịch đi.

Bị cáo có học và cập nhật liên tục các kiến thức của các chuyên gia Hàn Quốc thì chỉ cần chờ cho mỡ lắng xuống là có thể dùng được. Đây là phương pháp mới, không cần dùng ly tâm.

- Ở VN đã làm phương pháp mới và có được Bộ Y tế cho phép chưa?

Bị cáo chưa được nghe thấy nhưng được học trong Sài Gòn.

- Nhưng như thế là chưa được sự cho phép mà bị cáo vẫn làm?

Vâng.

- Theo Công văn trả lời của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ gây tê, công thức pha thuốc 5 chai gây tê, lý do tại sao lại có hai thành phần Gentamycin và vitamin C? 

Bị cáo dùng để ổn định thành mạch vùng gây tê, thành mạch sẽ vững hơn. Tác dụng khác của vitamin C tăng cường chuyển hóa.

- Bị cáo giải thích, với hàm lượng mà bị cáo đã pha chế tiêm vào cho bị hại, Sở Y tế trả lời rằng các thành phần và tỷ lệ pha không hợp lý. Bị cáo nói đã pha thuốc theo những gì được học. Vậy sao trong ngành lại trả lời như vậy?

Bị cáo được học như thế thôi chứ không phải tự ý.

- Trong phẫu thuật, người ta chưa có công thức cụ thể đúng không?

Vâng.

- Bị cáo áp dụng trên cơ thể khách hàng nhưng chưa được phép của ngành y tế đúng không?

Cái này đã được áp dụng tại Hàn Quốc.

- Đấy là bị cáo nói thế, ở nước mình chưa được áp dụng. Hơn nữa cơ sở của bị cáo không được phép làm như thế.

Khi tiến hành phẫu thuật chị Huyền có co giật không?

- Khoảng 30 phút sau phẫu thuật chị Huyền mới có biểu hiện co giật, sùi bọt mép

Bị cáo có phân cho ai theo dõi không?

- Bị cáo có giao cho Vân theo dõi. Sau khi đi bị cáo cũng gọi điện bảo chị Vân mua thuốc động kinh cho chị Huyền nhưng không mua được.

Lúc nào các y tá gọi điện báo rằng chị Huyền có biểu hiện bất thường?

- Khoảng hơn 1 tiếng sau khi bị cáo đi chùa Quán Sứ. Bị cáo có bảo nhân viên tiêm thuốc trợ tim, thuốc chống sốc, cho thở ô xi.

Bị cáo có gọi cho ai đến cấp cứu giúp cho nạn nhân không?

- Bị cáo có gọi cho bác sĩ Thành

Bị cáo khi về cấp cứu nạn nhân như thế nào?

10h: Tòa hỏi nhân chứng Bùi Thị Hoa - Nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường

Tòa hỏi, trong quá trình phẫu thuật, chị có mặt ở đó ko?

- Có

Lời khai của nhân viên Bùi Thị Hoa tại cơ quan điều tra trước đó khẳng định là chị Huyền lên cơn co giật ngay trong quá trình thẩm mỹ. Nhưng hôm nay tại tòa, nhân viên Hoa lại nói sau khi phẫu thuật chị Huyền mới lên cơn co giật, như vậy là lời khai của chị Hoa mâu thuẫn. 

Trong quá trình trả lời các câu hỏi của tòa, chị Hoa tỏ ra sợ hãi, suy nghĩ rất lâu trước khi trả lời. 

10h08: Tòa hỏi nhân chứng Vân - Nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường

Ngoài co giật chị Huyền còn bị biểu hiện gì khác không?

- Chị Huyền co giật, giật mắt, không tỉnh táo, sùi bọt mép.

Sau khi nạn nhân bị co giật thì có tiếp tục làm phẫu thuật nữa không?

Chị Vân trả lời, vẫn tiếp tục làm

Tại sao bị co giật mà vẫn tiếp tục làm?

Chị Vân im lặng không trả lời. Chị cho biết trước đó cũng đã giúp bác sĩ Tường thực hiện một vài ca phẫu thuật tương tự.

Quay lại thẩm vấn BS Tường:

- Bị cáo có trực tiếp kiểm tra các kết quả không?

Không.

- Theo quy định, thử các phản ứng là các bác sĩ phải thử đúng không?

Không, là y tá thử.

- Quy trình lắng mỡ có đúng quy định của y tế không?

Không.

- Y tế quy định phải dùng máy ly tâm đúng không?

Vâng.

- Bị cáo có biết, các dung dịch để tiêm cho chị Huyền do bị cáo trực tiếp pha hay ai pha?

Y tá pha. Bị cáo không biết cụ thể ai pha.

- Việc đó phải kiểm tra chứ, nhỡ người ta pha cái khác thì sao?

Bị cáo giao cho y tá làm.

- Trước khi thực hiện phẫu thuật có tiến hành chụp ảnh không?

Đó là việc của Mai làm.

- Bị cáo có biết máy ảnh cơ quan điều tra thu giữ của ai không? Máy ảnh đó đã chụp hai hình ảnh của chị Huyền. Cho bị cáo nhận diện ảnh chị Huyền có đúng không?

Máy ảnh của TMV, lúc đầu bị cáo không nhận diện được đó là chị Huyền, nhưng sau đó bị cáo nhận diện đó đúng là chị Huyền.

- Điều đó để xác định người đến làm thẩm mỹ và người bị chết là một.

- Theo bị cáo chị Huyền chết là gì?

Nguyên nhân nhiều nhất là do nôn hoặc sặc.

- Việc bị cáo lấy mỡ bụng tiêm lên ngực có đúng quy định không?

Không đúng ạ.

Việc đó theo quy định phải thực hiện trong bệnh viện.

- Căn cứ nào xác định chị Huyền đã chết?

Nhịp tim không còn, đồng tử giãn.

- Cùng tham gia cấp cứu có ai?

Bác sỹ Thành.

- Sau khi biết chị Huyền đã tử vong, bị cáo có suy nghĩ như thế nào?

Sau khi chị Huyền tử vong, bị cáo đã định đi vào bệnh viện bạch mai nhưng không được, bị cáo đưa vào bệnh viện bưu điện vì nghĩ là đỡ đông hơn.

- Ngồi quán cà phê bàn nhau những gì?

Chờ thời gian vắng người để đưa xác vào bệnh viện.

- Khi bị cáo đưa xác chị Huyền ra xe ô tô bị cáo gọi ai?

Gọi cho bác sỹ Thành, Công.

- Khi mang xác chị Huyền ra xe ô tô xác chị Huyền có cứng không?

Cứng, lạnh rồi.

- Đặt ở đâu?

Ở ghế sau.

- Chị Huyền mặc gì?

Quần âu dài màu đen, áo trắng có hoa.

- Lúc này bị cáo mang xác chị Huyền đi đâu?

Mang đến BV bưu điện. Mà ở đó quá đông, đi lòng vòng mãi cho đỡ đông nhưng vẫn không bớt người. Đỗ ô tô thì chừng 5-10 phút. Bị cáo rất sợ đưa vào bệnh viện, người ta nhìn thấy xác thì sẽ hô hoán.

- Sau đó?

Bị cáo ngồi đó và không biết làm gì. Bị cáo bảo Khánh đông người lắm, không đưa vào được. Lúc đó Khánh nói, hay là phi tang. Bị cáo hỏi phi tang như thế nào, Khánh nói vứt xuống sông phi tang.

- BC nói ra hay Khánh khởi xướng?

Bị cáo không nghĩ được.

Tại sao bị cáo lớn hơn, có trình độ học thức hơn mà lại nghe theo bị cáo Khánh?

- Do bị cáo quá hoảng loạn.

Bị cáo thấy việc làm tại thẩm mỹ viện đúng hay sai?

- Bị cáo thấy sai.

Nguồn thuốc dùng cho bệnh nhân lấy ở đâu?

- Bị cáo cho nhân viên mua ở cửa hàng thuốc trên đường Phương Mai.

- Bị cáo là người chỉ định mua các loại thuốc đúng không?

Vâng.

- Bị cáo cho biết việc nâng mỡ tự thân mất 4 tiếng là bình thường đúng không?

Đúng.

Hỏi chị Thư:

- Việc tiêm truyền các loại thuốc đã mất 1- 1,5 tiếng, sao BS.Tường nói cả ca mất 4 tiếng.

Bình thường khoảng 4 tiếng, nhưng ca đó chị Huyền có biểu hiện như thế nên BS làm nhanh hơn.

HĐXX nghỉ 15 phút để hội ý.

Gần 11h, xét thấy một số vấn đề chuyên môn không thể giải quyết được tại tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Trao đổi với PV sau quyết định của HĐXX, Luật sư Vũ Gia Trưởng (Văn phòng Luật sư Hồng Hải và Cộng sự) là luật sư bào chữa cho Khánh cho hay, ông không hề bất ngờ trước quyết định của HĐXX, mà đã dự định trước diễn biễn của phiên tòa sẽ diễn ra như vậy.

Trả lời PV về nguyên nhân vì sao HĐXX lại đưa ra quyết định bất ngờ này, Luật sư Trưởng nói: “Sau khi thẩm vấn, thấy một số chi tiết mẫu thuẫn, mới nảy sinh cần phải được làm rõ nên HĐXX đã quyết định hội ý và trả lại hồ sơ”.

Vị luật sư nhận định, vụ án này rồi đây có thể sẽ đi theo hướng khác. Ông cho biết thêm, thời điểm để tiếp tục xét xử lại sẽ phụ thuộc vào các cơ quan tố tụng.

Hôm nay bị can Khánh chưa đến lượt thẩm vấn. Luật sư Trưởng cho hay, nếu Khánh được trả lời chắc chắn sẽ có nhiều thông tin mới.

“Hiện tại chúng tôi chưa dám khẳng định vội vàng. Vụ án này sẽ còn phức tạp, nhiều điều cần phải được làm sáng tỏ” – Luật sư Trưởng nói.

Theo tài liệu điều tra, Nguyễn Mạnh Tường mở TMV Cát Tường ở số 45 đường Giải Phóng, (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tường làm giám đốc và trực tiếp làm thẩm mỹ.


Cơ quan điều tra làm rõ, khoảng 9h ngày 18/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến TMV Cát Tường để làm thẩm mỹ hút mỡ bụng và nâng ngực, được nhân viên viết phiếu thu tiền 50.000.000 đồng và hẹn 11h ngày hôm sau đến để hút mỡ bụng, nâng ngực và chị Huyền đã tử vong tại TMV Cát Tường. Sau đó Tường đã khai nhận hành vi phi tang xác chị Huyền xuống sông Hồng. Tuy nhiên cho đến nay thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy.


Viện Kiểm sát nhận định vợ bị can Tường là Nguyễn Thị Hằng (người ngồi trên xe ô tô) biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xác xuống sông, Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác chị Huyền. Hành vi nêu trên của Hằng không phạm tội. Việc cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.


Đối với một số nhân viên của TMV Cát Tường đã có hành vi giúp sức cho Tường trong ca phẫu thuật thẩm mỹ, có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm… nhưng do tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, không cấu thành tội phạm nên không có căn cứ xử lý.

 

PV (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo