Pháp luật

Tuyên án 51 bị cáo đại án OceanBank, Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh bị bắt

Khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh, ông Lê Đình Mậu kế toán trưởng PVN bị bắt, tuyên án 51 bị cáo trong đại án OceanBank...là nội dung chú ý tuần qua.

Tuyên án 51 bị cáo trong đại án OceanBank

 

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nhận mức án cao nhất - Tử hình. Ảnh Sơn Tùng/Lao động

Sau 1 tháng xét xử, ngày 29/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên án với 51 bị cáo trong đại án thất thoát 2.000 tỉ tại OceanBank. Nguyễn Xuân Sơn phải lãnh án tử hình, Hà Văn Thắm nhận án tù chung thân. 

Bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank): Tổng mức hình phạt là Chung thân. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank): Tổng mức hình phạt tử hình, theo tin tức trên báo Lao động.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank – Chủ tịch HĐQT Ocean Bank): Tổng mức hình phạt là 22 năm tù giam.

Bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank): 6 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank): 12 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 10 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù giam.

Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước OceanBank): 4 năm tù; Bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng OceanBank): 42 tháng tù; Bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc khối nguồn vốn OceanBank): 42 tháng tù; 

 

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ OceanBank): 36 tháng tù; Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối khách hàng cá nhân OceanBank): 36 tháng tù; 

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược OceanBank): 36 tháng tù. Các bị cáo bị tuyên về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC) 36 tháng án treo về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng giám đốc Công ty BSC): 4 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh): 14 năm tù; Bị cáo Trần Văn Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty Trung Dung): 4 năm tù; Bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ): 17 năm cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đối với nhóm bị cáo còn lại là nguyên giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank bị cáo cuộc phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên mức án từ 18 tháng cải tạo không giam giữ đến 42 tháng tù giam.

 

Theo đó, các bị cáo Trần Anh Thiết, Ngô Hoàng Long, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Thị Bình Phương, Lưu Hồng Văn, Nguyễn Văn Chai, Hoàng Phương Nga, Nguyễn Lưu Nam, Nguyễn Viết Hiền, Nguyễn Thị Loan bị HĐXX tuyên 18 tháng tù nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng kể từ ngày thi hành án.

Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh bị bắt

 

Chân dung 3 bị can: Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Đức Hưng và Nguyễn Anh Minh. 

Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ngày 30/9 đã phát đi thông báo chính thức về việc ông Nguyễn Anh Minh - Tổng giám đốc công ty này bị bắt giam cùng 2 cán bộ khác. 

 

Thông báo nêu rõ: "Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý  kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, ngày 29/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành: Tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với: Bùi Mạnh Hiển,Chánh Văn phòng Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam;

Tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với: Nguyễn Anh Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Đây là vụ việc liên quan đến giai đoạn trước, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, đồng thời bố trí cán bộ thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tổng công ty sẽ chủ động có thông tin cụ thể tới các cơ quan báo chí, các cổ đông khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng.

Trước đó, ngày 26/9, nguồn tin cho biết Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu (45 tuổi), kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN.

Cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can với 3 người khác cùng tội danh gồm: Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

 

Các bị can trên bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Truy tố bổ sung ông Trầm Bê cùng 21 bị can

 

Ông Trầm Bê khi còn ở Sacombank - Ảnh: THUẬN THẮNG/Tuổi trẻ

Ngày 29/9, tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam đồng thời chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Sacombank) và 21 bị can liên quan. Hồ sơ đã được chuyển đến VKSND Tối cao.

 

Theo kết quả điều tra bổ sung, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng của bà Hứa Thị Phấn để tái cơ cấu lại ngân hàng, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM.  

Lúc này bị can Danh với tư cách chủ tịch HĐQT đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân lập nhiều công ty do Danh thành lập hoặc mượn đứng hồ sơ vay vốn của ngân hàng: Sacombank; BIDV; dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ gây thiệt hại cho VNCB 6.123 tỉ đồng.

Trong hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh gây thất thoát số tiền như trên thì còn có các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân khác, trong đó có bị can Trầm Bê.

Theo kết quả điều tra, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 2.600 tỷ đồng tại BIDV, khoảng tháng 4/2013 Phạm Công Danh đã đến ngân hàng Sacombank gặp ông Trầm Bê để đặt vấn đề vay 2.000 tỷ đồng và được ông Trầm Bê đồng ý. Sau đó ông Bê dắt Danh xuống gặp Phan Huy Khang và thống nhất cho Danh vay từ 1.300 đến 1.800 tỷ đồng nhưng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tiền gửi.

Sau khi được Trầm Bê và Phan Huy Khang đồng ý, ngày 19/4/2013 Phạm Công Danh cùng cấp dưới của mình sang Sacombank thực hiện các thủ tục vay tiền với tài sản thế chấp là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

 

Về sai phạm của Trầm Bê và Phan Huy Khang, cơ quan điều tra kết luận rằng Trầm Bê biết rõ Danh là Chủ tịch HĐQT của VNCB nên không thể vay được tiền của VNCB nên đã đồng ý cho Danh vay tiền tại Sacombank bằng tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. 

Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh chỉ định vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1854 tỷ đồng. Quá hạn vay, cả 6 công ty này đều không trả nợ được, do đó Sacombank  đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng. 

Ông Lê Đình Mậu  kế toán trưởng PVN bị bắt

 

 Ông Lê Đình Mậu - Kế toán trưởng PVN bị bắt vì liên quan tới những sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

 

Ngày 27/9, nguồn tin từ cơ quan tố tụng đã chia sẻ về việc ông Lê Đình Mậu (45 tuổi, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo báo Zing news. 

Theo điều tra ban đầu, ông Mậu bị tình nghi liên quan đến việc Tập đoàn Dầu khí tạm ứng tiền sai quy định cho con công ty con là Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam, khi đơn vị này chưa ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Ngoài kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn có 3 người khác bị khởi tố về cùng tội danh, gồm: Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam), Vũ Hồng Chương (64 tuổi, nguyên Trưởng Ban quản lý (BQL) dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) và Trần Văn Nguyên (38 tuổi, Kế toán trưởng Ban quản lý dự án).

Cụ thể, PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để tạm ứng cho Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền lãi phát sinh (từ thời điểm tạm ứng đến lúc hợp đồng có hiệu lực) là 51,7 tỷ đồng và hơn 66.000 USD.

Cơ quan tố tụng cho rằng trách nhiệm này thuộc về Hội đồng quản trị, lãnh đạo tập đoàn dầu khí, BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và 4 bị can bị khởi tố 25/9.

 

Theo cơ quan điều tra, Mậu là người đã soạn thảo, ký nháy trên công văn để nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam hơn 800 tỷ đồng.

Vũ Hồng Chương đã ký duyệt tạm ứng trái quy định cho Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng theo chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn.

Khởi tố 14 bị can nguyên lãnh đạo ngân hàng TrustBank

 

Quá trình khám xét nhà riêng của "bà trùm" Hứa Thị Phấn. Ảnh Dân trí.

 

Chiều tối 26/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh tống đạt các quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 14 bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, tiền thân của Ngân hàng Xây dựng) để điều tra về các hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.", theo tin tức trên báoVietnamplus. 

Theo đó, 4 bị can gồm Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ, cố vấn cao cấp Ngân hàng TrustBank), Bùi Thị Kim Loan (thư ký của bà Hứa Thị Phấn), Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank) và Lâm Kim Dũng (Giám đốc Công ty Lam Giang) bị khởi tố vì tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Hành vi của các bị can này liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.105 tỷ đồng đối với ngôi nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Điều đáng lưu ý, trong nhóm 14 đối tượng vừa bị khởi tố đều là những "thuộc cấp" thân tín của bà Hứa Thị Phấn (70 tuổi, còn gọi là Sáu Phấn), nguyên cố vấn cấp cao của ngân hàng TMCP Đại Tín - TrusBank (năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, sau đó là CB), báo Dân trí đưa tin.

Các bị can trên bị cơ quan điều tra khởi tố, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng".

Trong số các bị can bị bắt tạm giam có Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng giám đốc TrustBank). Huệ bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Huệ là cháu gái của bà Hứa Thị Phấn. Hiện các bị can đã được di lý ra trại giam T16 (Bộ Công an, Hà Nội) để phục vụ việc điều tra vụ án.

 

Nên đọc

Chân dung 3 bị can: Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Đức Hưng và Nguyễn Anh Minh

Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo