Chính trị

Tuyên bố Hà Nội của IPU 132: Ý nghĩa quan trọng trong tình hình an ninh phức tạp

Khẳng định tầm nhìn về phát triển bền vững đòi hỏi phải có hoà bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại IPU 132 được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp.

Chiều 1/4, tại Hà Nội, diễn ra Lễ bế mạc Đại hội đồng IPU 132. Trong ảnh: IPU 132 thông qua Tuyên bố Hà Nội.

 

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 hôm qua nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội với thông điệp rõ ràng về vai trò của nghị viện trong việc thực hiện chương trình phát triển sau 2015. “Vào thời điểm quan trọng này, chúng ta, những nghị sĩ trên thế giới, khẳng định lại tầm nhìn của chúng ta về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, nhằm xóa nghèo dưới mọi hình thức, và xóa bỏ bất bình đẳng, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ.

 

Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, Tuyên bố viết. Tuyên bố cũng khẳng định sẽ thúc đẩy nghị viện các quốc gia nỗ lực hành động, thực hiện cam kết, ban hành luật pháp, phân bổ ngân sách, phù hợp đặc điểm của mỗi nước; đảm bảo các chính phủ có trách nhiệm với những mục tiêu đã cam kết.

 

Trong cuộc họp báo chiều 1/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, chủ đề thảo luận chung của IPU 132 “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” do Việt Nam đề xuất đã nhận được sự nhất trí cao của tất cả lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ, khách mời của IPU 132.

 

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định, kết quả đạt được của Đại hội đồng IPU 132 tại Việt Nam đã nâng tầm giá trị của IPU, góp phần định hình xu hướng mới trong hoạt động của IPU, trong đó tập trung vào giải pháp và hành động hơn là chỉ dừng lại nhận định tình hình. Ông Chowdhury khẳng định, Tuyên bố Hà Nội là di sản, đóng góp của Việt Nam cho IPU. IPU sẽ trình văn kiện này lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9.

 

Phát biểu với báo giới sau phiên bế mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức IPU 132, nói rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có diễn biến căng thẳng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ tại biển Đông, việc Tuyên bố Hà Nội khẳng định lại việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với Việt Nam, Tuyên bố Hà Nội thể hiện sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

 

Dân chủ trong thời đại công nghệ số

 

Phiên thảo luận tại Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền diễn ra trước đó đã tập trung vào nghị quyết “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản”. Các đại biểu cho rằng, kỷ nguyên công nghệ số đã đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức, đe dọa đối với nền dân chủ, quyền riêng tư và quyền tự do cơ bản của con người.

 

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Luật pháp của Quốc hội Việt Nam, nói rằng, hiện nay, công nghệ số có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của mỗi công dân, cộng đồng, quốc gia và toàn thể nhân loại. Bên cạnh các lợi ích to lớn do phương tiện kỹ thuật số mang lại như nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, liên kết các cá nhân, cộng đồng, công nghệ số còn đặt ra nhiều thách thức với vấn đề dân chủ, quyền con người, đặc biệt là các quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân.

 

Một số thế lực thù địch, cực đoan đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, internet để tuyên truyền, phát tán thông tin sai sự thật, phản dân chủ, xâm hại các quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân. Các hành vi nghe lén điện thoại, xâm nhập thông tin cá nhân, tấn công mạng vẫn đang xảy ra, đe dọa dân chủ và quyền con người.

 

Đại diện Việt Nam khẳng định, mỗi quốc gia cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động truyền thông trong kỷ nguyên công nghệ số phù hợp đặc điểm của từng quốc gia, dân tộc. Các quốc gia cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy dân chủ, phù hợp lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

 

 

Nhân dịp IPU 132, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm qua tiếp Chủ tịch Quốc hội Nam Phi; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ủy viên Quốc hội, Tổng thư ký Trung tâm những người lao động Cuba; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, tiếp Chủ tịch Quốc hội Maldives… Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đoàn đại biểu Nghị viện Anh…

Tối 1/4, tại lễ mít-tinh chào mừng thành công IPU 132, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phát biểu, Đại hội đồng lần này là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng.

 Trong phiên bế mạc chiều qua, Đại hội đồng thông qua các báo cáo về 3 dự thảo nghị quyết của các ủy ban thường trực của IPU gồm: Nghị quyết về Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Nghị quyết về Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo