Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỷ phú Jack Ma sẽ là cứu cánh cho nước Anh thời hậu Brexit?

Bà Theresa May đã tìm thấy nguồn cảm hứng không ngờ cho các kế hoạch Brexit của mình: Đó chính là Jack Ma, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba, và là một trong những người giàu nhất thế giới.

Thủ tướng Anh gặp tỷ phú Jack Ma, người có tài sản 45,5 tỷ USD, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1 và một lần nữa ở Thượng Hải vào tuần trước. Cuộc nói chuyện của hai người đã đạt được kết quả rất tốt, theo hai quan chức cấp cao của Anh giấu tên.

Hai vị quan chức này nói rằng bà May rất ấn tượng với sự hiểu biết của tỷ phú Jack Ma về cách ông vượt qua những quy tắc hải quan chặt chẽ của Trung Quốc để nhập khẩu và xuất khẩu hàng hoá.

Chính phủ Anh hiện đang nghiên cứu gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon để tìm hiểu thêm về cách các nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn nhất thế giới vượt qua những quy tắc quốc tế phức tạp và cung cấp dịch vụ một cách thông suốt tới khách hàng, một vị quan chức khác cho Bloomberg hay.

Theo Bloomberg, rất có thể các quan chức Anh muốn nghiên cứu hãng kinh doanh hậu cần Cainiao mà Alibaba sử dụng, cung cấp các dịch vụ giao hàng ở Trung Quốc cũng như ngoài nước bất chấp những thủ tục hải quan phức tạp. Cainiao không trực tiếp giao hàng cho khách hàng. Công ty sử dụng một nền tảng dữ liệu theo dõi hàng hoá theo thời gian thực và thực hiện giao hàng cho khoảng 2 triệu người trên hơn 600 thành phố.

Jack Ma sẽ là cứu cánh cho nước Anh thời hậu Brexit? - Ảnh 1.

Bà May đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu Alibaba và Amazon phục vụ khách hàng của họ như thế nào bởi vì Brexit có khả năng gây ra vấn đề lớn cho thương mại xuyên biên giới.

Đó không chỉ là vì nước Anh có thể áp dụng những mức thuế quan cao và tăng cường kiểm tra quy tắc xuất xứ thời hậu Brexit.

Viễn cảnh trên là điều dễ xảy ra nếu bà May và Liên minh châu Âu (EU) không thể thống nhất với nhau về một thỏa thuận nhằm tránh tạo ra một đường biên giới hải quan"cứng" mới giữa Anh và Ireland thời hậu Brexit.

Mở cửa thông thương hàng hóa qua biên giới là một yếu tố quan trọng cho hòa bình tại Ireland. Đây là điều mà cả EU và Anh đều cam kết duy trì.

Các quan chức Anh và Ireland đang cố gắng tìm ra cách để bảo vệ các tiêu chuẩn thương mại và tránh xây dựng các trạm kiểm soát trên biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Dù đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều tháng, mong muốn đạt được một giải pháp, các bên vẫn chưa thống nhất được với nhau.

Theo Bloomberg, Chính phủ Anh hiện đang chuyển hướng đến các giải pháp công nghệ, mà có thể giúp hoàn thành các thủ tục thanh toán và kiểm tra hàng hóa. Một lựa chọn khác, vốn được phía EU đề xuất nhưng bà May đã từ chối, là giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan của EU.

Hai quan chức giấu tên cho Bloomberg hay, bà May hiện đã bị thuyết phục rằng các công ty như Alibaba và Amazon có thể giúp nước Anh tìm ra giải pháp mới thông qua cách họ sử dụng công nghệ để đẩy nhanh dòng chảy hàng hoá qua các biên giới quốc gia. Các quan chức Anh đang quan sát cách Amazon giúp doanh nghiệp nhỏ của Anh xuất khẩu tới các quốc gia có điều kiện hải quan khắt khe.

Theo thông tin mà các quan chức giấu tên trao đổi với Bloomberg, sau khi gặp tỷ phú Jack Ma, Thủ tướng Anh bình luận rằng nếu việc giao thương xuyên biên giới với Trung Quốc dễ dàng như thế, thì bà cũng muốn một hệ thống tương tự giúp ích cho nước Anh thời hậu Brexit.

Theo Bloomberg, dù Alibaba đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và Malaysia, mối quan hệ như thế giữa ông Ma và bà May có thể là khó khả thi. Tỷ phú này từng nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông muốn xây dựng một trung tâm logistics tại Pháp.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo