Thị trường

Ứng dụng công nghệ CAS bảo quản nông sản Việt Nam: Điểm mấu chốt vẫn nằm ở doanh nghiệp

(DNVN)-Phương pháp chiếu xạ và công nghệ CAS hoàn toàn độc lập và có mục tiêu khác nhau. CAS sản xuất dòng sản phẩm "đông lạnh tươi" mà vẫn giữ được bản chất ban đầu đồng thời thay thế được chức năng của chiếu xạ. Liệu có thể thay thế phương pháp của Hoa Kỳ bằng công nghệ của Nhật Bản?

Câu chuyện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân trong thời gian này là quả vải thiều muốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Úc bắt buộc phải diệt trừ vi khuẩn, vi sinh vật bằng phương pháp chiếu xạ của Hoa Kỳ. 

Hiện nay, mới chỉ có hai cơ sở chiếu xạ được Hoa Kỳ công nhận và đều đặt ở khu vực phía Nam gây khó khăn không nhỏ cho nông sản phía Bắc, nếu muốn đạt tiêu chuẩn chiếu xạ để vươn ra thị trường quốc tế.

Nhưng ngoài chiếu xạ, các mặt hàng nông sản vẫn có thể được bảo đảm an toàn nhờ công nghệ được chuyển giao trực tiếp từ Nhật Bản: “Hệ thống Tế bào còn sống”, có tên chính thức là Cells Alive System (gọi tắt là CAS).

Nếu có thể áp dụng công nghệ này vào thực tế, nông sản của nước nhà sẽ được bảo quản lâu hơn từ một đến nhiều năm, đồng thời tiêu diệt được vi khuẩn và vẫn giữ được màu sắc, hương vị, chất lượng như lúc đầu. 

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên (PV) báo Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi phỏng vấn trực tiếp với PGS.TS Trần Ngọc Lân – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, cơ quan được Bộ Khoa học Công nghệ giao cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ này và độc quyền chuyển giao CAS cho những doanh nghiệp có nhu cầu:

PV: Xin ông cho biết bản chất của công nghệ CAS là gì?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: “Công nghệ CAS là từ viết tắt của Cells Alice System – Hệ thống Tế bào Còn sống, bản quyền thuộc về công ty ABI (Nhật Bản). Công nghệ này có thể đưa ra những dòng sản phẩm “đông lạnh tươi” sau khi bảo quản. Nguyên lý CAS là đông lạnh nhanh kết hợp với giao động từ trường. 

Nhờ vậy, sản phẩm không bị phá vỡ cấu trúc tế bào, không làm biến tính các hợp chất sinh học. Nông sản khi được bảo quản từ công nghệ này sẽ giữ nguyên được màu sắc, hương vị, chất lượng như ban đầu.

Trong tất cả các công nghệ đông lạnh, thì đây là công nghệ bảo quản tốt nhất hiện nay trên thế giới”.
PV: Vậy đâu là mục đích đầu tiên của công nghệ này khi đưa vào Việt Nam ?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: “Ngành hải sản của nước ta đã phát triển đến giai đoạn có nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị thương mại, kinh tế cao. Người tiêu dùng ở các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu rất ưa chuộng hải sản, nông sản Việt Nam. 

Trước đây, xuất khẩu tươi rất khó khăn do chỉ có hai con đường là đường biển và đường hàng không. Trong khi đó, phí cước máy bay rất đắt đỏ, còn vận tải đường biển thì tốn nhiều thời gian, dẫn đến thực phẩm dễ bị hỏng.

Công nghệ CAS giải quyết được cả hai bài toán khó nêu trên. Vừa có thể bảo quản thực phẩm ‘đông lạnh tươi’ trong thời gian lâu, đồng thời vẫn giữ được sự tươi ngon trong đó.

Đối tượng của công nghệ CAS ưu tiên cho ngành hải thủy sản, như cá ngừ, tôm sú, tôm hùm, mực, hàu, cá thu, cá bassa, trứng cá hồi,…, và trái cây như quả vải, quả nhãn, quả xoài, thanh long,…”, ngành hàng chất lượng và có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu đến nhiều nước đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người dân.

PV: Từ thời điểm tiếp nhận đến nay, công nghệ CAS đã mang lại những hiệu quả như thế nào?
PGS.TS Trần Ngọc Lân“Sau khi Bộ Khoa học & Công nghệ tìm kiếm các công nghệ để giải quyết bài toán khó cho công nghệ sau thu hoạch hải sản, nông sản. Bộ đã giao cho Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng tiếp nhận công nghệ CAS Nhật Bản. Đầu tiên là đánh giá chất lượng công nghệ, sau đó tìm hiểu, phân tích những lợi ích của CAS đem lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Sau 2 năm tiếp nhận công nghệ (từ năm 2013), Viện đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ CAS, nghiên cứu ứng dụng thành công trong sử dụng công nghệ này cho ra những dòng  sản phẩm ‘đông lạnh tươi’ của hải thủy sản (cá ngừ, tôm sú, tôm hùm,…), trái cây (quả vải thiều, quả nhãn...)

Theo nhu cầu của các doanh nghiệp, các địa phương, chúng tôi (Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng) đang xúc tiến đến giai đoạn tiền khả thi trong chuyển giao công nghệ này ở tỉnh Phú Yên để bảo quản cá ngừ đại dương. Đối với trái cây, đang kết hợp với tỉnh Bắc Giang, trong tương lai sẽ chuyển giao để sơ chế bảo quản quả vải thiều”.

PV: Nhiều người đặt câu hỏi, liệu công nghệ CAS có thể thay thế được phương pháp chiếu xạ đối với quả vải nói riêng và các loại nông sản khác nói riêng để xuất khẩu được không?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: “Hai công nghệ này hoàn toàn khác nhau, độc lập với nhau và có mục tiêu rõ ràng. Công nghệ chiếu xạ tạo dòng sản phẩm tươi, giải quyết khâu tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh. Còn CAS sản xuất dòng sản phẩm ‘đông lạnh tươi’ đảm bảo giữ nguyên chất lượng trong thời gian lâu dài.

Bản thân CAS có thể giải quyết thay khâu chiếu xạ, khi đông lạnh và bảo quản lạnh ở dưới -25 độ C thì vi sinh vật gây bệnh sản phẩm đều không thể tồn tại.

Tôi cho rằng (PGS.TS Trần Ngọc Lân) đối với thị trường Hoa Kỳ, Úc hoàn toàn có thể chấp nhận dòng sản phẩm đông lạnh tươi trái cây vì từ trước tới giờ họ vẫn chấp nhận các loại đông lạnh tươi hải sản”.

PV: Nếu như có một doanh nghiệp hoặc địa phương muốn được tiếp nhận công nghệ này, liệu Bộ và Viện có hỗ trợ kinh phí không?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: "Về nguyên tắc, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho quản lý cho công nghệ này, vì vậy Viện sẵn sàng chuyển giao công nghệ CAS cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Thứ hai, Bộ sẽ hỗ trợ một phần chuyển giao công nghệ; còn lại, các doanh nghiệp phải bỏ vốn ra để đầu tư dây chuyền thiết bị”.

PV: Chi phí lắp đặt một dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh liệu có quá cao hay không?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: "Đây là công nghệ hiện đại, dây chuyền hoàn chỉnh từ đầu đến cuối, vì vậy chi phí không rẻ. Đòi hỏi doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, có chiến lược kinh doanh mặt hàng chất lượng, có giá trị cao để xuất khẩu đến các thị trường cao cấp (Nhật, Hoa Kỳ, Châu Âu,…) mới đủ sức tiếp nhận sở hữu công nghệ hiện đại này. Người dân, nông hộ hoặc doanh nghiệp nhỏ không phù hợp với CAS”.

PV: Vậy người dân có lợi ích gì khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ này?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: "Người dân sẽ được hưởng lợi, khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ CAS vào sản xuất hải sản, nông sản để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, giá bán sẽ được đẩy lên cao hơn”.

Như vậy, người dân có nhiều hơn hai lợi ích, thứ nhất, họ sẽ không phải lo tồn đọng sản phẩm dư thừa nông sản trong nước khi doanh nghiệp luôn có thể bao tiêu lưu trữ, xuất khẩu hải sản, nông sản.

Thứ hai, khi giá bán cao thì giá xuất vườn các mặt nông sản cũng sẽ cao hơn, có thể cao hơn so với giá thị trường là 15% (như dự kiến của một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ)”; và người tiêu dùng, khi có nhu cầu, sẽ mua được những sản phẩm ngon không phải chỉ vào mùa vụ, không kể ở phía Nam hay phía Bắc.

PV: Tại sao chưa áp dụng công nghệ CAS cho đa dạng các mặt hàng nông – hải thủy hải sản nước ta?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: “Do các doanh nghiệp vừa và lớn chưa tiếp cận hoặc chưa quyết liệt đổi mới công nghệ; Và cũng chưa có cơ hội để ngồi lại với nhau giữa các bên liên quan trong ngành hàng xuất khẩu hải thủy sản và trái cây của Việt Nam.

Để các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ CAS xuất khẩu hải sản, trái cây, rất cần sự hỗ trợ của các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.

PV: Nếu như có một cuộc gặp mặt như thế, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng có sẵn sàng chia sẻ và chào đón các đối tác muốn tìm hiểu về công nghệ CAS hay không?
PGS.TS Trần Ngọc Lân: “Chúng tôi rất sẵn sàng, luôn sẵn sàng và mong muốn có một cuộc gặp như thế để cùng với các doanh nghiệp đưa công nghệ CAS vào thực tế rộng rãi và phổ biến hơn nữa”.

Xin được cảm ơn PGS.TS Trần Ngọc Lân về buổi nói chuyện ngày hôm nay!
Như vậy, nếu muốn sớm đưa công nghệ CAS áp dụng vào thực tế giúp nông dân bảo quản hải sản, nông sản sau thu hoạch, rất cần tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa nhiều bên liên quan cùng bàn luận.

Bộ Công thương là đơn vị đàm phán với thị trường nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và PTNT với nhiệm vụ định hướng quy hoạch mặt hàng hải sản, nông sản, Bộ Khoa học - Công nghệ với tư cách nhà chuyên môn và đại diện các doanh nghiệp vừa và lớn mong muốn sử dụng công nghệ CAS để khai thác tiềm năng, để xuất khẩu hải sản, nông sản nước nhà bằng đường biển đến thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu.

Bảo Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo