Thị trường

Ưu đãi lãi suất vay cho khách tốt

Nhiều ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất cho vay, thêm ưu đãi nhằm “lôi kéo” khách hàng tốt.

Theo khảo sát mới đây của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 39% trong tổng số doanh nghiệp vay được nhiều vốn hơn năm 2011. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước được nhận định là nhận ưu đãi tín dụng lớn nhất từ ngân hàng.

Doanh nghiệp càng tốt, lãi suất vay càng thấp

. Thưa ông, có nghịch lý hay không khi doanh nghiệp tốt thì đang vay lãi suất thấp, còn doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn lại phải vay lãi suất cao hơn?

+ Ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB): Hiện nay tổng vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh vào khoảng 7%-8% nhưng cho vay ra chỉ khoảng 1,28%, chứng tỏ một số ngân hàng đang dư vốn. Ngân hàng luôn muốn cho vay nhưng trong điều kiện nợ xấu ngày càng tăng cao, ngân hàng cho vay ra nhiều nhưng phải lựa chọn khách hàng tốt. Nghĩa là doanh nghiệp thuộc nhóm I càng được ưu tiên giải ngân nhanh.

. Như vậy dựa vào lãi suất được vay có thể biết tình trạng doanh nghiệp?

+ Đúng vậy, nếu doanh nghiệp được vay lãi suất khoảng 15% thì đơn vị này đang phát triển ở mức độ chấp nhận được, được vay lãi suất 12%-12,5% là doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng tốt, nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất thấp hơn nữa (khoảng 10%) để giữ khách hàng trung thành.

. Tại sao lại giảm thêm lãi suất cho khách hàng trung thành mà không dành cho doanh nghiệp nhóm khác?

+ Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng trung thành quan trọng hơn khách hàng lớn. Vì ở bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ có khách hàng trung thành mới sử dụng các dịch vụ gửi tiền, vay vốn… của ngân hàng. Do đó, không chỉ trong điều kiện tốt mà kể cả điều kiện khó khăn, ngân hàng cần có chính sách ưu đãi đối với khách hàng trung thành. Một ngân hàng muốn phát triển bền vững phải có nhiều khách hàng trung thành. Họ là những khách hàng mà 10 năm trước, khi tình hình kinh tế thuận lợi thì ăn nên làm ra, đem lợi nhuận lớn về cho ngân hàng. Bây giờ kinh tế khó khăn, họ có thể đem về lợi nhuận ít hơn, thậm chí ngân hàng chỉ hòa vốn cũng không sao. Sau khi vượt qua khủng hoảng, họ lại tiếp tục gắn bó với ngân hàng.

Vẫn có thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhóm II

. Nếu cho vay lãi suất thấp thì phải lấy gì để bù lại?

+ Thứ nhất, muốn cho vay lãi suất thấp ngân hàng phải có tiềm lực tài chính tốt, tính thanh khoản cao, nghĩa là tỉ lệ sử dụng vốn tương đối thấp. Cơ sở thứ hai để ngân hàng giảm lãi suất là dựa trên rổ tiền tệ bao gồm: huy động vốn của tất cả khoản vay kỳ hạn, không kỳ hạn và khoản tiền gửi ký quỹ, tiền gửi bảo lãnh… trộn với nhau cho ra giá bình quân của tổng huy động. Nếu rổ tiền huy động thấp, ngân hàng có thể cho vay ra thấp. Cơ sở này rất quan trọng để mỗi ngân hàng tung ra gói giảm lãi suất nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng tốt.

. Cụ thể đối với khách hàng tốt thì ngân hàng làm thế nào, thưa ông?

+ Thứ nhất, với khách hàng truyền thống có các phương án kinh doanh hiệu quả, ngân hàng cam kết giữ mức lãi suất trong kỳ hạn phù hợp, ngay cả khi khó khăn. Chẳng hạn đến nay, MB vẫn còn khách hàng cũ đang vay USD nhập máy móc với lãi suất 3,5%-3,6% USD/năm. Lãi suất nếu có điều chỉnh cũng không đáng kể. Thứ hai, ngân hàng phải phân loại khách hàng như tại MB phân nhóm I có ba bậc AAA, AA, A và nhóm II có ba bậc BBB, BB, B… Đến khách hàng nhóm B, chúng tôi phải giảm lượng tín dụng đi nhiều. Cách đánh giá thông qua xếp loại tín dụng như vậy căn cứ vào tiêu chí và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng, từ đó đưa ra chính sách phù hợp.

. Vậy nếu doanh nghiệp thuộc nhóm II vẫn có khả năng phát triển thì ngân hàng làm thế nào?

+ Trước tiên, ngân hàng phải xem xét khó khăn thực tế của doanh nghiệp chứ không chỉ dựa trên hồ sơ. Cụ thể, ngân hàng sẽ xem xét doanh thu các tháng vừa rồi, hoạt động kinh doanh năm vừa rồi, luân chuyển và vòng quay của hàng tồn kho, vòng quay vốn lưu động… để từ đó đánh giá tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp đúng hay sai. Nếu việc sử dụng vốn đúng mục đích và tình hình kinh doanh có chiều hướng phát triển tốt, thị trường đầu vào và đầu ra tốt, ngân hàng sẽ hỗ trợ trên nguyên tắc vừa bơm tín dụng vừa quản lý chặt doanh thu và giảm dần dư nợ, phù hợp với thực tế của khách hàng. Giả sử khách hàng có thể trả nợ ngân hàng đúng hạn nhưng lại bị đối tác chiếm dụng vốn nên từ khách hàng tốt trở thành nợ quá hạn. Nếu đúng như vậy, ngân hàng sẽ cơ cấu lại khoản vay, dư nợ (chưa thu lãi quá hạn và tiếp tục bơm tín dụng) để khách hàng phát triển kinh doanh. Ngân hàng cũng có thể giảm lãi suất như đáng ra là 16% thì còn 15%...

. Nhưng nói gì thì nói ngân hàng cơ cấu lại nợ, cho vay thấp vẫn phải dựa trên các nguyên tắc an toàn của tài chính?

+ Tất nhiên, việc tái cơ cấu khoản vay, tín dụng để cứu doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, có thị trường đầu vào đầu ra ổn định, doanh thu có tiềm năng tăng trưởng...

. Xin cảm ơn ông.

 

Người ta hay nói vui rằng ngân hàng cho cái ô khi trời nắng và rút ô khi trời mưa. Điều này mô tả thực tế tính chất lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro của ngân hàng. Doanh nghiệp càng tốt thì ngân hàng càng có nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí cho cả nhân viên của họ và ngược lại. Những doanh nghiệp nhóm khác muốn được như vậy chỉ có cách vươn lên nhóm I mà thôi.

                                     Ông Nguyễn Thanh Toại,
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB



Cách tiếp cận khách hàng ở mỗi ngân hàng khác nhau nhưng đều phục vụ cho mục đích lâu dài chứ không theo tình thế. Không thể hôm nay thấy có lợi thì làm, mai không thích thì không làm.

                                       Ông Trần Xuân Quảng,
Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank



Việt Huế (Theo Pháp luật TP.HCM)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo