Thị trường

Vải thiều lên máy bay và việc “giải cứu” dưới mặt đất

Khoảng 200 tấn vải thiều đã lên máy bay để xuất sang Thái Lan. Trong khi đó, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên tiêu thụ đến 2 tấn vải thiều khi đưa loại trái cây này vào bữa ăn phục vụ hành khách.

Vải thiều chín đỏ cây tại huyện đảo Cát Bà (ảnh: Giang Chinh/Vnexpress.net)

Mùa vải thiều năm nay lắng buồn vì điệp khúc “được mùa mất giá”. Giá vải thiều đầu mùa là 30.000-40.000 đồng/kg, đến thời điểm này chỉ còn khoảng 15.000 đồng, thậm chí có nơi giá chỉ còn 10.000 đồng/kg. Dù thế, bù lại là khả năng bán hàng, xuất khẩu đã được đẩy mạnh hơn so với trước nhờ sự chủ động của một số địa phương, trong đó đi đầu là Bắc Giang - chủ động tiếp thị, mời gọi các doanh nghiệp và đối tác trong nước và nước ngoài hợp tác thu mua.

Tỉnh Hải Dương với diện tích vải thiều khá lớn cũng có bước đi kịp thời khi tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước trong đó đặc biệt quan trọng là các chuỗi siêu thị, đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp mua hàng đến từ Trung Quốc, Malaysia và một số nước Đông Nam Á

Từ thực tế tại những địa phương trên cho thấy, khi chính quyền và các cơ quan hữu quan liên quan chủ động hỗ trợ bà con nông dân bán sản phẩm ra nước ngoài bằng những động thái quảng bá, tiếp thị… phù hợp, thì sẽ mang đến hiệu quả nhất định. Gõ cửa thì cửa sẽ mở, tìm lối thì sẽ có đường. Những con đường đó không chỉ xuất khẩu bằng đường bộ qua biên giới phía bắc mà còn là đường hàng không sang các nước Đông Nam Á, Australia, Châu Âu.

Thực tế thị trường vải thiều hiện nay cũng cho thấy, với những địa phương mà chính quyền còn chưa có động thái mạnh mẽ tìm kiếm đầu ra xuất khẩu hay bán hàng đi các tỉnh, thì nông dân vẫn tiếp tục chịu thiệt. Huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng) với khoảng 70ha trồng vải thiều. Đầu vụ giá vải thiều trên 10.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn từ 3.000-4.000 đồng cũng chỉ vì không có đầu ra. Huyện kêu gọi mỗi cán bộ công chức, viên chức mua giúp bà con nông dân ban đầu ở mức 5kg, sau tăng lên mức 20kg, nhưng cũng mới chỉ “giải cứu” được 50% sản lượng.

Chuyện “giải cứu“ nông sản, trong đó có trái cây tại Việt Nam, đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Thấy bà con nông dân thất bát thì không thể không xót, không đau, nhưng nếu cứ “giải cứu” theo kiểu mua giúp, tiêu thụ giùm thì chẳng bao giờ giải quyết căn cơ được vấn đề.

 

Có lẽ ngay từ bây giờ, lãnh đạo huyện Cát Hải và lãnh đạo thành phố Hải Phòng hãy sang Bắc Ninh học hỏi và tìm kiếm sự trợ giúp, hợp tác để giải bài toán tiêu thụ vải thiều cho nông dân Cát Bà, không chỉ ngay lúc này mà còn cho những mùa sau.

Hàng trăm tấn vải thiều và trong thời gian tới sẽ là hàng ngàn tấn, sẽ tiếp tục lên máy bay xuất khẩu sang các nước. Nhưng hiện tại dưới mặt đất, vẫn còn những cách “giải cứu” không giải quyết được căn cơ vấn đề.

Nên đọc
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo