Thị trường

Vải thiều tươi sang Tây Úc, 240.000 đồng/kg người Việt vẫn thích mê

Vải thiều đã được nhập vào Tây Australia là nơi kiểm soát rất ngặt nghèo về kiểm dịch thực phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm 2018 quả vải thiều được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây. Tin vui đối với vụ vải năm nay đó là vải không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn được xuất đi hơn 30 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Australia - một thị trường khắt khe đối với hoa quả tươi.

Từ năm 2015, quả vải tươi của Việt Nam chính thức được Bộ Nông nghiệp Australia cho nhập khẩu vào nước này. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi khi vào mùa vải ở Việt Nam thì tại phía Nam bán cầu, người dân Australia cũng được thưởng thức quả vải tươi của Việt Nam.

Năm nay, quả vải tươi của Việt Nam còn tiến thêm một bước nữa khi được nhập khẩu vào bang Tây Australia - nơi được kiểm soát rất ngặt nghèo hơn tiêu chuẩn chung của Australia về kiểm dịch thực phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm vải tươi tại thị trường Australia.

Anh Hoàng Luật, chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa đồng thời sở hữu chuỗi 5 siêu thị bán đồ châu Á lớn nhất bang Tây Australia MCQ chia sẻ, anh muốn nhập quả vải tươi từ Việt Nam từ trước, song đến năm nay, sau khi có được mối hàng tin tưởng, anh mới bắt đầu nhập thử nghiệm loại quả này.

“Doanh nghiệp mới nhập thử vải vài chuyến đầu thấy việc tiêu thụ khá tốt. Vải được vận chuyển bằng máy bay, nên quá trình từ khi thu hoạch vải tới kệ siêu thị trong hệ thống chỉ mất khoảng 3 - 4 ngày, chất lượng vải được đảm bảo nên được người tiêu dùng Tây Australia chấp nhận”, anh Luật cho biết.

Từ cuối tháng 5 vừa qua, công ty của anh Luật bắt đầu nhập vải vào bán tại hệ thống siêu thị MCQ và cho đến nay đã nhập được 4,5 tấn vải tươi từ Việt Nam. Vải tươi Việt Nam mà siêu thị MCQ đang bày bán tại bang Tây Australia vỏ vẫn còn tươi, ngọt thanh và mọng nước nên được người tiêu dùng Australia ưa chuộng.

Mặc dù có giá thành khá cao so với các loại hoa quả khác, từ 13-14 AUD (tương đương khoảng 220.000 - 240.000 đồng/1kg) nhưng vải tươi của Việt Nam vẫn được tiêu thụ mạnh.

Chị Trần Thị Thúy Vân, một Việt kiều đến lập nghiệp tại bang Tây Australia cách đây 10 năm vẫn luôn yêu thích quả vải. Năm nay, chị Vân thật vui khi được một người bạn tặng quả vải tươi được nhập khẩu từ Việt Nam. Không chỉ thưởng thức thứ quả đặc sản của này, chị còn ngay lập tức mua thêm nhiều thùng vải để đi tặng bạn bè.

 

“Trái vải của Việt Nam đang vào chính vụ khi được xuất khẩu sang thị trường Australia đã có rất đông người đến mua. Vải Việt Nam được người Việt tại đây rất ủng hộ vì có chất lượng cao hơn so với trái vải của Trung Quốc. Chính vì thế, khi trái vải vào thị trường Australia, nhiều người xem nó là một trong những mặt hàng xa xỉ phẩm”, chị Vân chia sẻ.

Mặc dù có giá khá cao so với các loại hoa quả khác, từ 13-14 AUD (tương đương khoảng 220.000 - 240.000 đồng/kg) nhưng vải tươi của Việt Nam vẫn được tiêu thụ mạnh tại Australia. Ảnh minh họa

Do Australia nằm ở Nam bán cầu nên thời tiết ngược mùa so với Việt Nam. Vào mùa vải ở Việt Nam lại là mùa Đông tại Australia  nên các loại hoa quả địa phương giảm sự phong phú. Vì lẽ đó, quả vải tươi của Việt Nam trở thành quả trái mùa nên việc bán mặt hàng này thêm phần thuận lợi.

Quả vải tươi của Việt Nam năm nay được bày bán tại siêu thị MCQ, hệ thống siêu thị Châu Á phổ biến và lớn, có diện tích mặt bằng từ 2.000 - 3.000 mét vuông. Chị Trần Thị Ánh Dung, một người Việt sống xa quê hương dễ dàng tìm mua được loại quả mà mình yêu thích tại siêu thị này. “Vải là một loại quả mà nhiều người Việt và Australia rất ưa thích. Trái vải qua quá trình vận chuyển được bảo quản tốt nên vẫn đảm bảo chất lượng”, chị Dung cho biết.

Vải tươi của Việt Nam là một loại quả ngon, lại có đủ cả hương và sắc. Đây cũng là quả trái mùa vì vậy rất thuận lợi để bán tại Australia. Tuy Australia đã mở cửa thị trường cho quả vải tươi của Việt Nam, nhưng việc nhập khẩu loại quả này vào Australia vẫn rất dè chừng.

Thứ nhất là nhà xuất khẩu cần phải chọn lựa được nguồn vải có chất lượng tốt, vượt qua được quá trình kiểm dịch nghiêm ngặt tại Việt Nam cũng như tại Australia. Bên cạnh đó, quả vải chín rất dễ hỏng cộng với việc phải vận chuyển sang Australia bằng đường hàng không khiến cho quả vải tươi Việt Nam có giá thành cao.

 

“Vận chuyển bằng đường không khiến giá thành, chi phí của quả vải khá cao, công ty phải tìm cách để nâng số lượng lên mới mong giảm chi phí cước vận tải, vừa đảm bảo vải có giá tốt nhất được chấp nhận cao trên thị trường”, anh Luật cho biết.

Không để khó khăn làm chùn bước, hiện nay anh Hoàng Luật vẫn đang tìm nhiều cách để có thể nhập khẩu thêm nhiều quả vải tươi từ Việt Nam. Bởi với một người Việt xa xứ lâu năm như anh, việc nhập hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao không chỉ giúp bà con quê nhà phát triển sản xuất mà còn làm anh ấm lòng ở nơi đất khách, quê người.

Nên đọc
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo