Tin tức - Sự kiện

Vai trò hiệp hội ngành hàng nông sản có "vấn đề"

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thì các hiệp hội, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng nông sản, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra chủ trương hay tham mưu với Chính phủ để ra quyết sách, qua đó giúp đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang thực sự có "vấn đề".

Tình trạng các doanh nghiệp trong nước tự hại nhau xảy ra ở hầu hết các ngành hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, kéo theo việc nhà nhập khẩu có cơ hội chèn ép. Được biết, ngành cá tra Việt Nam gần như luôn độc chiếm thị trường thế giới khi chiếm tới 95% thị phần cá tra toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi không có quốc gia nào cạnh tranh với Việt Nam thì các doanh nghiệp nội lại tự hại nhau khi họ đua nhau giảm giá bán, khiến Mỹ và châu Âu thường xuyên dọa kiện doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá.

 

 

Sản xuất cá tra tại Nhà máy chế biến thủy sản của Bianfishco (Ảnh NLĐ)

 

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo lại đang trở thành lĩnh vực độc quyền thực sự.

 

Có ý kiến cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như Tổng công ty Lương thực miền bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền nam (Vinafood 2) đang được giao quá nhiều quyền hạn, theo đó tham gia sâu vào việc hình thành các chính sách quan trọng của nhà nước. Hậu quả là những sáng kiến, sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân bị triệt tiêu, từ đó đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra vòng ngoài.

 

Ngành mía đường cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi tồn tại nhiều bất đồng trong phân chia vùng nguyên liệu giữa các nhà máy và tình trạng mua nguyên liệu diễn ra gay gắt. Bao năm qua, trong khi người trồng mía nghèo hoàn nghèo, người tiêu dùng và các DN chế biến thực phẩm phải mua đường với giá cao thì các DN sản xuất đường vẫn lãi lớn.

 

Báo cáo tài chính của 6 công ty mía đường niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, bất chấp khó khăn của khủng hoảng kinh tế, bất chấp những báo cáo ảm đạm của ngành này, năm nào họ cũng thu vào hàng chục, thậm chí hơn 100 tỉ đồng lợi nhuận.

 

Một thực tế phổ biến khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trong các hiệp hội ngành hàng nông sản hiện nay, vai trò của người nông dân chưa được đề cao.

 

Hội viên chủ yếu trong các hiệp hội này vẫn là các doanh nghiệp, trong khi đó người sản xuất nguyên liệu - nông dân hiếm khi được tham gia, do vậy tiếng nói của nông dân không đến được với nhà chức trách, hậu quả là không bảo vệ được chính quyền lợi của mình cũng như lên tiếng về nhu cầu và nguyện vọng của mình.

 

Thiết nghĩ, áp lực cải cách cũng như xu thế hội nhập hiện nay buộc các hiệp hội doanh nghiệp phải thay đổi cách nhìn nhận và hoạt động. Theo đó, cần phải thay đổi cả về chất và lượng của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, nhằm tạo được sự đồng thuận của các thành viên.

 

Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp cần nâng cao các yếu tố hoạt động chuyên nghiệp dựa trên nắm vững luật thương mại trong nước và quốc tế để có thể trợ giúp cho các doanh nghiệp hội viên một cách có hiệu quả.

 

Trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế sẽ thường xuyên đối mặt với vấn đề bảo hộ thương mại của các quốc gia.

 

Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản cần phát huy hết khả năng của mình để tạo ra một môi trường và một cơ chế để bảo đảm được lợi ích của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo hiệu quả lợi ích chung của các ngành kinh tế.

Minh Hạ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo