Tin tức - Sự kiện

Vẫn còn cửa cho vàng phi SJC

Theo quy định mới nhất về hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước có hiệu lực từ 13.3, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chính thức “đóng cửa” với vàng phi SJC.

Trong thông cáo báo chí, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết ngày 12.3 Thống đốc đã ký ban hành Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, nhằm hướng dẫn các hoạt động mua bán vàng miếng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Vẫn mở ra một khả năng”

Đáng chú ý, về loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN, thông tư nói rõ: “NHNN mua, bán vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do NHNN tổ chức sản xuất hoặc đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ”.

Về quy định này, thông cáo báo chí giải thích: “Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC). Tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ”.

Trao đổi thêm với Thanh Niên, một lãnh đạo của NHNN nói việc chấp nhận mua bán vàng miếng phi SJC sau khi độc quyền và chỉ sản xuất vàng SJC nhằm đảm bảo sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các loại vàng miếng. Trong đó, bao gồm các nhãn vàng như Rồng Thăng Long, PNJ-DAB, Sacombank-SBJ… mà trước đó NHNN đã cấp phép, thừa nhận cho lưu hành theo Nghị định số 24 của Chính phủ.

Trong cơ chế này, vàng phi SJC được mua bán bằng 2 hình thức: mua bán trực tiếp hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, trước mắt, vị lãnh đạo trên khẳng định NHNN chỉ bán vàng SJC ra để can thiệp thị trường, kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, chưa tính đến chuyện mua, bán vàng phi SJC. Đối với trường hợp sau này phát sinh mua, bán vàng phi SJC thì vị này cũng khẳng định khó có thể thực hiện bằng phương pháp đấu thầu - vốn được coi như một hình thức đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong mua bán. Sở dĩ như vậy vì, để đấu thầu cần một loại hàng chuẩn như SJC - vàng đảm bảo 99,99% hàm lượng và đấu thầu phải theo lô lớn. Trong khi đó, đối với vàng phi SJC, lãnh đạo này nói: “NHNN vẫn mở ra một khả năng mua bán vàng phi SJC nếu sau này có nhu cầu mua bán, nhưng dưới hình thức khác, chứ đấu thầu rất khó vì thứ nhất khối lượng vàng phi SJC trên thị trường còn rất ít. Thứ hai có quá nhiều chủng loại vàng, khó thẩm định và mất thời gian, như vậy sẽ làm hỏng chính sách can thiệp giá tức thời của nhà quản lý”.

Gửi vàng phi SJC được rút vàng SJC

Liên quan đến số vàng phi SJC đang chuyển đổi sang vàng SJC, đại diện NHNN cho biết, hiện nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn  SJC vẫn đang tích cực chuyển đổi. Đồng thời, NHNN cũng đã cho phép một số đơn vị được tạm xuất số vàng này để nhập về vàng nguyên liệu sản xuất vàng SJC.

Về khối lượng cụ thể các đơn vị xuất, nhập bao nhiêu thì NHNN không xác nhận, tuy nhiên con số mà lãnh đạo cơ quan này cho biết, dao động trong khoảng 9 tấn kể từ ngày chốt sổ sách vào 3 tháng trước đó. Về thời gian thì việc tạm xuất, tái nhập vàng phi SJC đã được bắt đầu thực hiện kể từ trước tết cho lô vàng đầu tiên, nhưng chính sách này sẽ được chấm dứt vào ngày 31.3 tới đây.

Trên thực tế, cơ chế tạm xuất, tái nhập vàng này vốn có liên quan, tác động trực tiếp tới từng người dân, bởi toàn bộ 9 tấn vàng phi SJC này hầu hết là vàng của người dân được gửi tại các tổ chức tín dụng. Nhưng điều đáng buồn là lại không được công bố một cách cụ thể, công khai. Trước mắt, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định: “Các ngân hàng cam kết bằng văn bản với NHNN chịu phần chi phí vận chuyển, giám định… để chuyển đổi, cho phép người dân trước kia gửi vàng phi SJC nay được rút về vàng SJC mà không mất phí”.

Lý giải thêm về việc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC bị chậm khiến NHNN phải sử dụng giải pháp tạm xuất tái nhập, đại diện NHNN cho biết cứ 3 phút máy giám định chất lượng của Công ty SJC mới kiểm tra xong một miếng vàng, vì vậy với khối lượng 9 tấn thời gian kiểm tra là quá lâu. Thực tế, đã có nhiều tổ chức tín dụng sốt ruột nên phải xin tạm xuất, tái nhập để sớm tất toán trạng thái vàng, trả lại số vàng người dân đã gửi trước ngày 30.6.2013 là hạn cuối.

Chuyện chưa có hồi kết ?

Như đã đề cập ở trên, trước đây ngoài SJC còn có các thương hiệu vàng khác như Phượng Hoàng PNJ-DongABank, Thần Tài Sacombank, ACB... nhưng sau khi NHNN chọn vàng miếng SJC, các đơn vị này đã ồ ạt chuyển đổi sang SJC, dẫn đến quá tải trong khâu kiểm định. Nguồn cung vàng ra thị trường cũng bị nghẽn buộc NHNN phải đồng ý cho 5 đơn vị tạm xuất, tái nhập từ 10 - 11 tấn vàng phi SJC.

Do vậy trước thông điệp “trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ”, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) đặt vấn đề: “Vậy thị trường vàng hiện nay còn bao nhiêu vàng phi SJC để đưa vào đấu thầu. Xem ra câu chuyện vàng miếng phi SJC không bao giờ kết thúc và đây có thể tạo ra khe hở hợp thức hóa các nguồn vàng trên thị trường”.




Nhật Minh
(Theo TNO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo