Chính trị

Văn kiện Đại hội Đảng là kết tinh trí tuệ toàn dân

Trao đổi với Tiền Phong về việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo văn kiện của Đảng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.

Xin ông cho biết ý nghĩa của việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các Dự thảo văn kiện của Đảng?

Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng  nhằm động viên, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XII. Điều này tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện ngay trong quá trình xây dựng cũng như khi đã trở thành Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo niềm tin, động lực đưa Nghị quyết và các văn kiện của Đảng vào cuộc sống.

Các đại biểu dự đại hội bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVI. Ảnh: Vũ Hà - TTXVN.
Các đại biểu dự đại hội bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVI. Ảnh: Vũ Hà - TTXVN.

Để tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn này, các cơ quan làm công tác tham mưu của Đảng; các cơ quan báo chí cần bám sát và quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, quy định việc lấy ý kiến và tổng hợp, giới thiệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XII. Tuân thủ các nội dung, quy định có tính nguyên tắc trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, quan điểm và các quy định của Đảng. Nghiêm túc, trách nhiệm tiếp thu, giới thiệu những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, có cơ sở lý luận và thực tiễn để góp phần nâng tầm, nâng chất lượng và tính thuyết phục của các dự thảo văn kiện Đại hội XII. Mặt khác, cần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với các thế lực xấu lợi dụng việc góp ý để tán phát thông tin, quan điểm sai trái.

Trong góp ý vào các dự thảo văn kiện của Đảng có những vấn đề gì cần lưu ý, thưa ông?

Ý kiến đóng góp rất nên, rất cần xuất phát từ động cơ đúng, thể hiện tính xây dựng, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, đất nước, nhân dân. Nội dung góp ý cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, giàu sức thuyết phục; ý kiến cần có chiều sâu, tính phát hiện, tính dự báo, không nên chỉ  nêu nguyện vọng, cảm nghĩ chung chung.

Về cách thức góp ý kiến, trước hết cần đọc, nghiên cứu kỹ 2 dự thảo văn kiện đã được Đảng công bố, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực mà người góp ý tâm đắc, có sự am hiểu, nghiên cứu sâu sắc. Và như thế, không nên góp ý quá nhiều vấn đề, lĩnh vực, vì khi đã mở rộng thì khó đạt được chiều sâu, sự sắc sảo cần thiết. Ý kiến đóng góp rất nên, rất cần xuất phát từ động cơ đúng, thể hiện tính xây dựng, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, đất nước, nhân dân. Nội dung góp ý cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, giàu sức thuyết phục; ý kiến cần có chiều sâu, tính phát hiện, tính dự báo, không nên chỉ  nêu nguyện vọng, cảm nghĩ chung chung.

Về nội dung cần tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến, đối với dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) trình Đại hội XII, các cá nhân, tổ chức nên đi sâu vào các vấn đề: Đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; 30 năm đổi mới và 5 bài học lớn; Định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Cùng với đó là vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, quyền con người gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị. Đánh giá công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng,…

 

Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung làm rõ làm thế nào để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường, tạo động lực, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu  nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chủ trương giải pháp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế…

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của người dân sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Để thực hiện có hiệu quả các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đã nêu, các cơ quan tham mưu của Đảng bám sát quá trình lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý; kịp thời động viên, cổ vũ, chỉ đạo việc đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XII; đúc rút kinh nghiệm, nhắc nhở những biểu hiện góp ý và tiếp thu góp ý mang tính hình thức, đơn giản, hạn chế cả số lượng, chất lượng, hiệu quả.

Căn cứ sự chỉ đạo, định hướng của các cơ quan có thẩm quyền, các cấp ủy, tổ chức đảng; các đơn vị nghiêm túc xây dựng, nhanh chóng triển khai kế hoạch lấy ý kiến, chọn và giới thiệu ý kiến nhân dân, tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tên gọi của dự thảo Báo cáo chính trị, cũng là chủ đề của Đại hội XII “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là lời động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đồng bào ta ở nước ngoài bước vào đợt sinh hoạt chính trị này với niềm tin, trách nhiệm lớn lao, phấn đấu đạt ở mức cao các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Cảm ơn ông.

 

Theo Báo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo