Xã hội

Vẻ đẹp vầng trăng khuyết: Cô gái Long An, cánh tay tàn nhưng không phế

(DNVN) - Sinh ra tại một miền quê nghèo thuộc khu vực sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long, ngay từ thuở bé, chị Huỳnh Thị Kim Hoàng (SN 1986) quê Long An đã phải gánh chịu những thiệt thòi khi cánh tay trái của chị không thể cử động hay làm gì được từ hậu quả của một cơn sốt. Tuy nhiên, không vì thế chị buông xuôi số phận mà đó lại là động lực để chị phấn đấu cho cuộc sống hiện tại.

Chị Huỳnh Thị Kim Hoàng - Thí sinh lọt top 10 thí sinh vào Chung kết "Liên hoan Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2015" sinh ra tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Theo lời của chị thì chị sinh ra trong một gia đình đông con, 8 anh chị em và chị là đứa 5 trong gia đình.

Lúc chị sinh ra, gia đình rất nghèo nên ba thì thường đi làm xa. Ở nhà mẹ nuôi lợn, trồng rau, làm ruộng. Gà chưa gáy là mẹ chị đã phải ra đồng cho tới lúc mặt trời lặn ở cái xóm nghèo, không đèn không điện, mọi người như đi ngủ hết thì mẹ chị mới xong việc. Mẹ chị là người rất yêu thương con, chính vì thê, mỗi tối trước khi ngủ mẹ chị phải nhìn lên bộ ván gỗ (nơi mỗi tối các con ngủ) điểm mặt đủ các con là mẹ mới đi tắm rửa và ngủ.

Chị Huỳnh Thị Kim Hoàng luôn tự tin với cuộc sống.

Tuy vất vả nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn vui vẻ ấm êm. Tuy nhiên, khi chị gần 1 tuổi, vì mẹ bận trông coi lợn đẻ mấy ngày liền mà chị thì bị sốt không ai hay. Đến ngày thứ 3 mẹ mới phát hiện và đưa chị đi bệnh viện. Qua thăm khám, bác sĩ nói rằng chỉ cần chậm một chút là giờ chị có lẽ đã nằm một chỗ rồi. Thế là sau trận sốt đó, tay trái của chị không còn cử động hay làm gì được.

Sau trận ốm "thập tử nhất sinh" đó, gia đình chị lại thêm phần vất vả. Cuộc sống giông tố cứ thế trôi đi cho đến khi chị lớn và đi học. Khi đi học chị bị bạn bè xa lánh vì khiếm khuyết trên cơ thể nhưng không vì thế chị từ bỏ cố gắng của của cuộc đời.

"Tiếp xúc với nhiều người tôi mới thấy sự khác biệt của mình so với họ. Cũng bị chọc, bị cô lập. Thậm chí có thằng bạn khi cô giáo cho ngồi chung băng ghế với tôi, nó không chịu, nên vẽ đường ranh giới. Mà không hiều sao, lúc đó tôi không cảm thấy buồn mà rất lỳ. Tôi còn cố tình lấn sang nó. Nên canh lúc tôi về là đón đường chọc. Tôi mặc kệ nhưng hôm sau méc cô giáo là nó bị đòn. Rồi nó cũng sợ nên không dám chọc nữa" chị Hoàng chia sẻ.

Vì đông con nên sự quan tâm của ba mẹ chị dành cho con cái cũng không nhiều. Tuy là đứa ốm yếu nhưng chị cũng không được đối xử ưu ái hơn ai. Chị vẫn phải nghe lời các anh chị và nhường nhịn các em. Có gì sai vẫn bị đòn. Vẫn phải làm những việc nhà vừa sức với mình. Đôi khi, chị có những mong muốn gì đó cũng không dám nói. Vì biết rằng có nói ra thì ba mẹ cũng không có khả năng thực hiện cho mình. Nhưng chính nhờ vậy mà mà có được tính tự lập và những kỹ năng sống cần thiết cho bây giờ.

Đến khi trưởng thành, chị Hoàng cho biết, thời còn cắp sách tới trường chị rất căm ghét việc bị trêu chọc là đồ khuyết tật, què quặt... chị không muốn chúng tồn tại cũng như chưa bao giờ chấp nhận rằng mình là một người khuyết tật. "Tôi luôn cố gắng hòa mình vào thế giới của người không KT để học, vui chơi, làm việc. Tôi không bao giờ tỏ ra mình là người đáng thương, cầu cạnh sự ban ơn hay giúp đỡ của ai. Tôi cố gắng chứng tỏ tôi không hề vô dụng. Chỉ khi tôi còn lại một mình, nhìn tay trái rồi nhìn sang tay phải. Rồi…khóc", chị chia sẻ.

 

Trời không lấy của ai bất cứ thứ gì, đúng vậy! chị bị khiếm khuyết một cánh tay nhưng bù lại chị lại có được một ý chí vươn lên mà khó có ai sở hữu được, một ý chí mà chị tự cho rằng là "lỳ lợm".

"Cha mẹ sinh tôi ra và cho tôi một cái đầu lỳ lợm, một tinh thần luôn lạc quan, một sức mạnh từ sự can đảm. Nó như một chất kháng sinh giúp tôi xua đi những cảm xúc tiêu cực. Nỗi buồn trong tôi không bao giờ day dẵng. Bởi bên cạnh đó, tôi cũng còn có nhiều bạn bè, người thân luôn đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ tôi", chị cho biết.

Chị kể lại, khi lên Sài Gòn học tập và làm việc, chị tham gia hoạt động của các câu lạc bộ người khuyết tật, gặp gỡ nhiều người đồng cảnh. Họ cũng sống, làm việc và rất yêu đời. Rồi chị nghe hai từ khuyết tật rất thường xuyên. Ban đầu, chị cũng không thoải mái nhưng bởi chính các hoạt động của họ rất ý nghĩa nên phần nào đã xoa dịu được sự ác cảm với 2 từ đó. Thậm chí, chị không ngần ngại khi nói với người mới quen: “Mình là NKT” và cười.

Hiện tại, nghề nghiệp của chị là thiết kế đồ họa cho một công ty tư nhân. Đồng thời cũng là một vận động viên bơi lội khuyết tật của TP. HCM. Đến giờ này đây, chị có thể tự tin nói rằng: Khuyết tật không phải là cái tội. Cớ gì phải giấu hay tránh né. Nó có thể là một giai đoạn hoặc vĩnh viễn của một con người. Có thể bị khuyết tật bẩm sinh, bệnh (vd: tai biến,…), tai nạn, chiến tranh và già yếu,… Nó cũng liên quan đến quy luật sinh lão bệnh tử. Khó ai tránh khỏi.

Tuy nhiên, khi bạn khuyết tật bộ phận nào thì chỉ bộ phận đó yếu thôi. Bạn hãy phát huy khả năng của các bộ phận khác. Đừng quên rằng khi tôi bị yếu tay, nhưng chân và mắt tôi rất khỏe. Có người yếu mắt thì giọng nói họ rất dễ nghe, họ hát rất truyền cảm. Hoặc nếu bị yếu chân thì đôi tay trở nên khéo léo vô cùng.

 

"Tôi gợi ý bạn điều này để muốn nói lên quy luật ĐƯỢC – MẤT luôn song hành và bất biến. Mất cái này bạn có cái khác bù vào và hãy nhìn vào cái bạn được bù vào mà phát huy nó. Nên đừng bao giờ nghĩ nếu bạn là NKT thì sẽ bất hạnh. Khuyết tật chỉ làm khó khăn, gây cản trở cho bạn trong cuộc sống thôi. Mà ai trong đời không có khó khăn đâu riêng NKT. Chính nhờ có nó chúng ta mới nổ lực hơn, phấn đấu hơn, nhờ nó mà chúng ta biết được khả năng tiềm ẩn của mình", chị Hoàng chia sẻ.

Qua số phận của mình, chị cũng mong ước một xã hội không còn người kỳ thị, nhà nước quan tâm hơn đến người khuyết tật từ các chính sách hỗ trợ người khuyết tật được thực thi và các công trình tiếp cận thì khó khăn của người khuyết tật sẽ giảm đến một con số thấp nhất.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo