Môi trường

Vì sao khu xử lý rác Đa Phước liên tục bị thanh kiểm tra?

(DNVN) - Trong nhiều năm, Khu XLR Đa Phước liên tục bị tố cáo về các vấn đề được cho là thiếu minh bạch, khách quan trong quá trình thực hiện dự án. Nhiều đoàn thanh tra kiểm tra đã vào cuộc và đã có kết luận. Tuy nhiên việc tố cáo vẫn không hề chấm dứt, khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc.

Từ năm 2015, dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước (Khu XLR Đa Phước) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) của ông Dương David Trung làm chủ đầu tư liên tục bị ông Đoàn Văn Đức – ông chủ của Công ty TNHH Xây dựng Đức Hạnh và Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh tố cáo sai phạm. Những nội dung tố cáo của ông Đoàn Văn Đức tập trung vào các vấn đề như: TP. HCM ứng trước cho chủ đầu tư là Cty VWS 9 triệu USD; Vấn đề đơn giá xử lý rác; Vấn đề đóng cửa bãi chôn lấp Phước Hiệp để chuyển rác về Cty VWS xử lý; Về nghi vấn lấp đầy rác để làm sân golf...

Sau nhiều năm bị “đánh”, Cty VWS đã có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ về việc Giải quyết đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức. Theo văn bản này khẳng định, “ông Đức hoàn toàn không liên quan gì đến các hoạt động xử lý chất thải của VWS. Các hoạt động của VWS cũng không gây ảnh hưởng, thiệt hại gì đến ông Đức. Và ông Đức cũng không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư nào tại xã Đa Phước”. Vậy, vì sao ông Đoàn Văn Đức lại phải lao tâm khổ tứ suốt nhiều năm qua để đi tố cáo bãi rác Đa Phước.

Cái bắt tay… nhớ đời

Năm 2003, Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh do ông Đoàn Văn Đức làm giám đốc được UBND TP. HCM và tỉnh Long An đồng ý chủ trương lập dự án xử lý rác 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An. Đây có thể coi là dự án đầu tay của ông Đức trong lĩnh vực xử lý rác.

Trước tình hình đó, UBND TP. HCM đã đề nghị Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh “bắt tay” với Công ty California Waste Solutions - CWS (một công ty chuyên ngành xử lý chất thải tại Mỹ) đại diện là ông Dương David Trung để thực hiện dự án trên.

Vì sao khu xử lý rác Đa Phước liên tục bị thanh kiểm tra?

Những tưởng, sự hợp tác này sẽ giúp dự án xử lý rác 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa nhanh chóng được triển khai giúp giải quyết vấn đề cấp bách về rác thải của TP.HCM. Thế nhưng, “cái bắt tay” của ông Đức và David Dương chẳng được bao lâu thì “chia tay”. Ngày 27/11/2003, Công ty cổ phần Xây dựng Đức Hạnh có văn bản số 123 chấm dứt hợp tác với ông Dương David Trung. Theo lời của ông Đức thì việc công ty Đức Hạnh chấm dứt hợp tác là do ông David Dương không tán thành mô hình xử lý rác áp dụng cho dự án xử lý rác 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Trong khi đó, phía ông Dương David Trung lại cho rằng, ông Đoàn Văn Đức không muốn ông Dương David Trung tham gia giai đoạn đầu của dự án, bởi ông Đức đã thuê một công ty tư vấn lập dự án và sẽ nạo vét hết 1.760ha đất với chiều sâu 8m. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực XLR, ông David Dương nhận thấy, việc đào hố sâu 8m (sâu hơn mặt nước ngầm) thì khó có thể thực hiện được dự án. Hơn thế, việc ông Đức múc đất dự án đi bán thì tiền sẽ về túi ai? Chính vì những lý do đó, ông David Dương đã quyết định không hợp tác với ông Đoàn Văn Đức.

Sau khi “chia tay” với ông Đoàn Văn Đức, Cty VWS của ông Dương David Trung được TP.HCM giới thiệu để triển khai dự án xử lý rác tại xã Đa Phước, Bình Chánh, TP. HCM trên diện tích 128 ha. Dự án này vận hành hiệu quả từ năm 2007.

Tháng 7/2010, Cty VWS được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương và được lựa chọn là chủ đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh (trước đây gọi là Khu liên hợp xử lý chất thải Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dự án mà trước đó giữa ông Dương DaVid Trung và ông Đoàn Văn Đức định bắt tay cùng đầu tư nhưng không thành). Dự án có quy mô đầu tư gần 500 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động khoảng năm 2020.

Không cần nhà đầu tư nước ngoài

 

Bằng việc giao dự án cho Cty VWS, ông Đoàn Văn Đức đã không còn quyền lợi tại dự án xử lý rác 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa. Vì vậy năm 2014, ông Đức đã có “Tâm huyết thư” số 34/VT-2014 ngày 11/7/2014 gửi UBND TP.HCM, UBND tỉnh Long An.

Tại “Tâm huyết thư” này, ông Đức cho rằng, công ty Đức Hạnh là tác giả của dự án xử lý rác 1.760ha tại Huyện Thủ Thừa. Tuy nhiên, UBND TP. HCM lại xử lý không thấu tình đạt lý, thiếu công bằng, không minh bạch, chà đạp lên công sức, tiền của đối với công ty Đức Hạnh khi giao dự án cho Cty VWS.

“Tâm huyết thư” của ông Đức khẳng định, dự án xử lý rác 1.760ha Thủ Thừa không cần nhà đầu tư nước ngoài mà doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng có thể thực hiện được. Đồng thời, ông Đức cũng tỏ rõ ý muốn tiếp tục được thực hiện dự án này.

Sau “Tâm huyết thư”, năm 2015, 2016, 2017 ông Đoàn Văn Đức liên tục có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Các nội dung tố cáo của ông Đoàn Văn Đức liên quan đến khoản tiền 9 triệu USD, về giá thành xử lý rác... mà TP.HCM chi trả cho Cty VWS.

Tuy nhiên, gần như các cáo buộc sai phạm của ông Đức đã bị cơ quan quản lý bác bỏ, thiếu căn cứ. Cụ thể, các nội dung mà ông Đức tố cáo là việc TP.HCM trả trước cho Cty VWS 9 triệu USD sai luật, đơn giá xử lý rác, việc đóng cửa bãi chôn lấp Phước Hiệp để chuyển rác về Cty VWS xử lý, công nghệ đầu tư của dự án lạc hậu… Những nội dung mà ông Đức tố cáo đã được UBND TP.HCM giải trình với Văn phòng Chính phủ với cơ sở pháp lý vững chắc.

 

Đối với việc trả trước 9 triệu USD, TP.HCM khẳng định đây là khoản chi phí xử lý rác mà thành phố trả trước cho nhà đầu tư để làm giảm chi phí xử lý rác từ 17,77USD/tấn xuống còn16,4USSD/ tấn. Nhà đầu tư đã chấp nhận nguyên tắc do UBND TP.HCM đề ra là khoản tiền này sẽ chỉ dùng vào xây lắp các công trình kết cấu hạ tầng dự án… Về đơn giá xử lý rác, UBND TP cho biết không có cơ sở để xác định đơn giá “chôn rác” vào thời điểm đó chỉ từ 5-7USD/tấn như phản ánh của ông Đức.

Đặc biệt, theo phản ánh của ông Đức, tại văn bản số 7279 ngày 10/11/2005, UBND TP.HCM trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, không thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án xây dựng vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước… Trái ngược với quy kết của ông Đức, UBND TP.HCM khẳng định nội dung ông Đức phản ánh là không chính xác, bởi công văn số 7279 này UBND thành phố đã báo cáo giải trình Thủ tướng Chính phủ về các nội dung đã được Bộ KH&ĐT nêu tại công văn số 7334 ngày 24/10/2015.

Tại văn bản số 12-CV/BCSD ngày 16/3/2016 của Ban Cán sự Đảng TP.HCM khẳng định: Công nghệ của bãi chôn lấp số 3 và Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước đều có quy trình phù hợp để xử lý chất thải rắn theo công nghệ chôn lấp. Các quy trình chôn lấp, chống thấm, thoát nước, thu khí và khử mùi hôi đều được thực hiện tương tự như nhau và đạt tiêu chuẩn quy định. Khu xử lý rác Đa Phước có thiết kế hạ tầng hiện đại, đảm bảo diều kiện chôn lấp trên nền đất yếu; trang thiết bị đồng bộ, xuất xứ chủ yếu từ Hoa Kỳ, được vận hành, giám sát bởi chuyên gia Hoa Kỳ và có chuyển giao công nghệ cho các nhân viên Việt Nam... Đây là dự án áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại phù hợp với các yêu cầu phát triển bền vững, góp phần phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước”.

Tại văn bản số 4976/UBND-ĐT ngày 8/9/2016 của UBND TP.HCM cũng khẳng định rõ là nội dung tố cáo của ông Đoàn Văn Đức không chính xác, không đủ cơ sở để kết luận.

Được biết, liên quan đến dự án này, từ tố cáo của ông Đoàn Văn Đức, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước do Cty VWS làm chủ đầu tư, đến nay chưa có kết luận cuối cùng.

 

Nam Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo