Phân tích

Vì sao ôtô Ấn Độ giá 84 triệu mỗi chiếc ồ ạt vào Việt Nam?

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhập xe nguyên chiếc, cho biết có nhiều lý do đằng sau câu chuyện xe ôtô Ấn Độ có giá cập cảng chỉ khoảng 84 triệu đồng/xe.

Như tin tức đã đưa, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong tháng đầu tiên của năm 2017, cả nước nhập hơn 7.300 xe ô tô, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 (5.800 chiếc).

Đáng nói, dù tăng cao về lượng nhập, nhưng giá nhập xe về Việt Nam chỉ tăng rất ít, khoảng 5 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng 1/2017 kim ngạch đạt 152 triệu USD, tháng 1/2016 đạt 147 triệu USD).

Mỗi xe nhập về Việt Nam tháng 1/2017 có mức giá khoảng 20.800 USD/chiếc (chưa gồm thuế), trong khi đó, xe nhập tháng 1/2016 là 25.300 USD/chiếc. Như vậy, giá xe nhập trong tháng 1/2017 đã giảm bình quân hơn 4.500 USD/xe so với một năm trước.

Đặc biệt, do chính sách thuế nên tháng đầu năm 2017 là "sân chơi" của xe giá rẻ của các thị trường ASEAN và Ấn Độ bởi lượng xe các nước này đã chiếm hơn 70% tổng lượng xe nhập (trên 5.400 xe) tại Việt Nam.

Ôtô Ấn Độ về Việt Nam với giá bình quân 84 triệu mỗi chiếc.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1.000 ôtô từ thị trường Ấn Độ với tổng giá trị 3,7 triệu USD. Tính trung bình, giá xe nhập khẩu (chưa tính các loại thuế, phí) từ thị trường này đạt 3.700 USD, tức xấp xỉ 84 triệu đồng mỗi chiếc. Đây là giá trung bình rẻ nhất trong số những quốc gia mà Việt Nam đang nhập khẩu ôtô.

Theo thống kê, năm ngoái, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu xe nhiều thứ 2 vào Việt Nam với 22.000 chiếc, nhiều hơn Hàn Quốc - nước dẫn đầu một năm trước đó. Giá xe trung bình nhập từ Ấn Độ trong năm ngoái là khoảng 5.400 USD mỗi chiếc (xấp xỉ 123,5 triệu đồng). Như vậy, giá nhập khẩu bình quân trong tháng 1 vừa qua giảm gần 32% so với trung bình năm 2016.

"Giải mã" hiện tượng ôtô Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam

Trao đổi với VnEconomy, một số lãnh đạo doanh nghiệp, chủ showroom nhập xe nguyên chiếc, cho biết có nhiều lý do đằng sau câu chuyện xe ôtô Ấn Độ có giá cập cảng chỉ khoảng 84 triệu đồng/xe.

Thứ nhất, Ấn Độ không phải là thị trường ưu đãi lớn của Việt Nam. Vì vậy, thuế phí nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Ấn Độ được áp theo quy định chung. Thực tế ôtô Ấn Độ vào Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ năm 2016, do khó cạnh tranh thuế phí với khu vực ASEAN. Vì vậy, chiêu giảm giá “tới đáy” của các hãng xe Ấn Độ được cho là chiến lược cạnh tranh với các dòng xe của Thái Lan, Indonesia.

 

Thứ hai, ngoài ASEAN được giảm thuế theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), các thị trường khác bao gồm Ấn Độ, từ 1/1/2017, thuế nhập khẩu các loại cũng giảm đáng kể dựa trên cam kết từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cụ thể, các mẫu xe 2 cầu, xe SUV, xe có dung tích xi lanh trên 3.0 lít, có loại được giảm từ 70% xuống còn 58%, từ 51% xuống còn 47% và từ 61% xuống còn 58%,...

Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1.5 lít từ đầu năm 2017, thuế xuống còn 35%. Dòng xe có dung tích từ 1.5 đến 2 lít giảm về 40%. Tập trung chủ yếu ở phân khúc xe con, vì vậy việc giảm thuế này được cho là đã tạo lợi thế đáng kể cho các dòng xe từ Ấn Độ - vốn đã có giá rất cạnh tranh.

Thứ ba, Ấn Độ được cho là công xưởng sản xuất xe con của thế giới. Các thương hiệu xe con nổi tiếng thế giới đều có nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ dựa trên những ưu đãi của chính phủ nước này hay giá nhân công rẻ.

“Ấn Độ là một quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới, do đó chính phủ nước này khuyến khích phát triển các dòng xe nhỏ, giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu. Các hãng xe thế giới đều đổ tiền vào đây để sản xuất quy mô lớn, tối đa hoá các chi phí. Sức cạnh tranh phải nói là không có đối thủ”, giám đốc một doanh nghiệp nhập xe ôtô nhìn nhận.

 

Vị này cho biết, ở một đất nước được coi là xưởng sản xuất xe con của thế giới, các mẫu xe mới liên tục ra mắt với những thiết kế mới, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, các dòng xe cũ sẽ dần bị loại thải.

Ấn Độ cũng đã chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và đang hướng đến chuẩn Euro 4. Trong khi đó, theo Quyết định 49 của Thủ tướng từ 1/1/2017, Việt Nam chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tuy nhiên, quy định này đến nay chưa thể thực thi do nguồn nhiên liệu chưa đáp ứng. Bộ Giao thông Vận tải mới đây có văn bản xin hoãn áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 lên Chính phủ.

Nhìn rộng ra các nước xung quanh Việt Nam đều đã áp dụng các tiêu chuẩn xe có tiêu chuẩn khí thải cao như Hàn Quốc áp dụng Euro 5, Trung Quốc áp dụng Euro 4 trên toàn quốc và Euro 5 ở một số thành phố. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines áp dụng Euro 4...

Theo đó, các loại xe con Ấn Độ đã lỗi thời có tiêu chuẩn khí thải Euro 2, Euro 3 sẽ tranh thủ thời gian này để giải phóng tồn kho. Và các nước có tiêu chuẩn khí thải thấp như Việt Nam là điểm xả hàng lý tưởng của các hãng xe hơi Ấn Độ, vị lãnh đạo doanh nghiệp nhập ôtô nhìn nhận.

Tại Việt Nam, sự phát triển các phương tiện vận tải công cộng và các hãng xe taxi bùng nổ với nhiều dự án thí điểm, đổi mới hệ thống xe nên đặt ra nhu cầu lớn lượng xe giá rẻ, và xe Ấn Độ được lựa chọn để tối ưu hoá lợi nhuận. Do đó, có tình trạng nhập khẩu “chạy” tiêu chuẩn Euro 4, trước khi Việt Nam áp dụng chuẩn Euro 4.

 

Nên đọc

Ôtô Ấn Độ về Việt Nam với giá bình quân 84 triệu mỗi chiếc

Hòa Hậu (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo