Phân tích

Việt Nam, Nga và Belarus chuẩn bị hợp tác sản xuất ôtô

(DNVN) - Thông tin từ Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, đàm phán các thỏa thuận song phương về hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô giữa Việt Nam với Nga và Belarus vừa kết thúc.

Theo đó, sau khoảng nửa năm đàm phán tích cực, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, Tổ Công tác liên ngành để đàm phán Hiệp định hợp tác sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam với Nga và Belarus (Tổ Công tác) đã hoàn tất đàm phán và các Trưởng đoàn đàm phán đã ký tắt Nghị định thư về ôtô giữa Việt Nam và Nga vào ngày 15/1/2016 tại Moscow (Nga) và Nghị định thư về ôtô giữa Việt Nam và Belarus vào ngày 20/1/2016 tại Minsk (Belarus).

Đàm phán các thỏa thuận song phương về hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô giữa Việt Nam với Nga và Belarus vừa kết thúc.

Theo Vụ thị trường châu Âu, trên cơ sở này, các Bên sẽ triển khai các thủ tục nội bộ để các Nghị định thư ôtô sẽ được ký kết trong thời gian sớm nhất.

Vụ thị trường châu Âu cũng cho biết, do các Nghị định thư ôtô được đàm phán và ký kết dựa trên Điều khoản về Hỗ trợ các dự án đầu tư ưu tiên thuộc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA), nên ngay khi ký tắt các Nghị định thư nêu trên cả phía Nga và phía Belarus đều đã thông báo sẽ khẩn trương triển khai thủ tục phê chuẩn Hiệp định VN-EAEU FTA để Hiệp định này và các Nghị định thư về ôtô sẽ cùng có hiệu lực.

Nội dung cơ bản của các Nghị định về ôtô bao gồm việc các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) và Belarus (MAZ) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải (KAMAZ, GAZ, UAZ, MAZ), xe từ 10 chỗ trở lên (KAMAZ, MAZ), xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam với cam kết là các xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ phù hợp với Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tức là đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 là 25% đối với xe chuyên dụng, 30% đối với xe tải và xe địa hình và 35% đối với xe từ 10 chỗ trở lên và đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với xe chuyên dụng và xe địa hình, 45% đối với xe tải và 45% đối với xe từ 10 chỗ trở lên. 

Riêng Belarus cam kết tỷ lệ nội địa hóa cao hơn: đến năm 2020 là 40% và đến năm 2026 là 60%. Ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn định hướng sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á do ôtô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô trong vòng 5 năm là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô theo Hiệp định VN-EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%.

 

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan như nêu trên, các liên doanh phải đáp ứng các điều kiện được quy định cụ thể trong các Nghị định thư về ôtô với Nga và với Belarus. 

Ngoài ra, việc sản xuất ôtô của các liên doanh phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và trong kế hoạch thành lập liên doanh các đối tác Nga và Belarus phải có biện pháp cụ thể cho việc chuyển giao công nghệ theo các thỏa thuận về li-xăng giữa doanh nghiệp hai Bên, đóng góp cho việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất linh kiện và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, phát triển hệ thống bảo dưỡng và dịch vụ sửa chữa ôtô, đào tạo công nhân kỹ thuật của Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu ôtô và linh kiện do liên doanh sản xuất sang thị trường các nước, trong đó có thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu và dành cho liên doanh độc quyền kinh doanh các mẫu xe và linh kiện ô tô do liên doanh sản xuất tại thị trường các nước ASEAN.

Dự kiến các Nghị định thư này sẽ được ký kết vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2016.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo