Thị trường

Việt Nam tăng lương nhanh nhưng vẫn là đồng lương "chết đói" với người lao động

(DNVN) - Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 trung bình khoảng 4,6% đã được các doanh nghiệp (DN) thực hiện tương đối tốt. Hầu hết, công nhân đã được điều chỉnh bằng hoặc cao hơn mức tăng trên. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu và đa số người lao động vẫn đang phải chật vật sống với đồng lương "chết đói".

Hình ảnh minh họa.

Chật vật sống với mức lương công nhân

Chị Nguyễn Thị Hồng Ly (Phú Bình, Thái Nguyên), cùng chồng và 1 đứa con sống trong căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 15m2 ở Cổ Nhuế, Hà Nội. Căn phòng của chị Ly cũng như bao phòng khác của các công nhân cùng khu, tối giản đồ dùng, vừa tiết kiệm tiền vừa tiết kiệm không gian. Vật dụng giá trị nhất là chiếc xe máy cũ, một chiếc tivi, tủ lạnh cũ, bếp ga và quạt điện. Hiện chị Ly đang làm việc tại một nhà máy may mặc ở khu công nghiệp Nhổn. Chị cho biết: “Thu nhập quá thấp. Lương tháng của tôi hơn 6 triệu đồng. Sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm, tôi chỉ cầm về hơn 5,5 triệu đồng một chút”. Lương công nhân ở nhà máy đã cao hơn nhiều so với lương tối thiểu do nhà nước quy định, nhưng vẫn không đủ sống. Chị định bỏ việc về quê, nơi hơn 10 mấy năm trước đã ra đi, lên thành phố tìm việc. Chị Ly cũng là một trong rất nhiều lao động chật vật sống với mức lương còm cõi hiện nay.

Theo một khảo sát gần đây của Viện Công nhân và Công đoàn về tiền lương, thời gian làm việc, điều kiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, 33% trong số gần 2.600 lao động được hỏi cho rằng, thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ. 12% nói rằng thu nhập không đủ sống, phải làm thêm.

Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết, 36% lao động làm thêm giờ chỉ vì muốn có một bữa ăn ca. “Lương của họ quá thấp, không đủ tiền thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm giờ để đủ ăn”.

Theo kết quả nghiên cứu về tiền lương do Hiệp hội toàn cầu về phát triển bền vững ISEAL Alliance đưa ra gần đây, mức lương để đủ sống đối với một công nhân ở TP. HCM là hơn 6,4 triệu đồng mỗi tháng, ở nông thôn là gần 4 triệu đồng.

 

Nhưng thu nhập thực tế của công nhân ngành may ở TP. HCM trung bình chỉ là 4,8 triệu đồng. Tương tự, lương công nhân ngành chế biến thủy sản ở Sóc Trăng bình quân chỉ đạt 3,2 triệu đồng.

Trao đổi với Phóng viên DNVN, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện NLĐ) cho biết, năm 2019 tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Theo ông, hiện tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng đủ mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ Luật Lao động, nên vẫn phải tăng. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chờ Đề án cải cách tiền lương được Trung ương thông qua tháng 5 tới, sau đó mới đưa ra họp bàn chuyện tăng lương cho năm sau.

Hình ảnh minh họa.

Cuộc sống nhàm chán cũng chỉ vì đồng lương "chết đói"

Theo khảo sát một số công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), cứ vào chiều tối những ngày cuối tuần, anh chị em trong cùng xóm trọ rủ nhau ra quán trà đá nói chuyện suông chứ cũng không có hoạt động vui chơi giải trí gì khác.

Anh Nguyễn Văn Thắng làm việc tại Công ty TNHH Denso Việt Nam cho biết: "Đời sống vật chất của công nhân khó khăn nên đời sống tinh thần lại càng kém. Đa phần công nhân ở đây đi làm về là đi ngủ vì mệt, nhất là những người đi làm ca đêm, họ ngủ cả ngày. Nếu không đi làm thì cũng đóng cửa phòng ngủ hoặc lên mạng trên điện thoại. Ngày nghỉ, nhiều người tranh thủ đi làm thêm giờ vì lương ngày nghỉ gấp đôi ngày thường. Chính vì thế mà cuộc sống của công nhân khá nhàm chán".

Chị Dung quê ở (Thái Nguyên) đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long cho hay: "Tôi làm việc ở Hà Nội được gần 6 năm rồi, ở lâu một mình cũng thành quen, ăn một mình thì càng không có gì lạ. Công việc vất vả, tăng ca, làm thêm mà cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng. Sau khi trang trải chi phí thuê nhà, điện, nước, thực phẩm… và sinh hoạt tiết kiệm lắm, tôi cũng chỉ dành dụm được hơn 1 triệu đồng gửi về quê để bố mẹ chăm con hộ".

Anh Đại đang là Công nhân Công ty điện tử Pocons Vina, KCN Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Công ty anh thuộc đối tượng áp dụng lương tối thiểu (LTT) vùng 2, ở mức 3.530.000 đồng, dù đã tăng lên 210.000 đồng so với trước đó. Anh Đại cho biết, tổng thu nhập của anh, nếu không làm thêm thì chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, nếu có làm thêm thì tăng thêm được 1 - 2 triệu đồng. Vợ anh thì đi bán hàng thực phẩm chức năng nên thu nhập rất bấp bênh, có tháng được 3 - 4 triệu đồng, nhưng có tháng gần như không được đồng nào nên cuộc sống cảm thấy rất chật vật.

Nên đọc
Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo