Thị trường

Việt Nam tăng thêm 5 bậc về chỉ số tiếp cận điện năng

(DNVN) - Hiện Việt Nam xếp thứ 96, tăng 5 bậc so với năm 2015, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương vừa tiến hành rà soát cụ thể từng tiêu chí, chỉ số tiếp cận điện năng do Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới công bố xếp hạng năm 2016.

Kết quả cho thấy, chỉ số tiếp cận điện năng được Ngân hàng thế giới (WB) đưa vào đánh giá từ năm 2011 tại Báo cáo môi trường kinh doanh Doing Business 2012. Tại giai đoạn 2011-2014 chỉ có 3 yếu tố được sử dụng để đánh giá chỉ số này, gồm Số lượng thủ tục, Thời gian, Chi phí để hoàn thành một công trình cấp điện đấu nối lưới điện trung áp. Từ năm 2015 tại Báo cáo Doing Business 2016, WB đã bổ sung thêm yếu tố Độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá, đưa số yếu tố để đánh giá lên là 4 và mỗi yếu tố có tỷ trọng là 25%.

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, sau khi WB đưa ra báo cáo Doing Business 2014 công bố năm 2013, chỉ số tiếp cận của Việt Nam là 130. Trong đó, để cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới điện trung áp Việt Nam cần 6 thủ tục, 115 ngày và chi phí so với thu nhập GDP bình quân là 1.726% thu nhập trung bình đầu người. Chỉ số này đã vượt qua quy định thực tế của Việt Nam - số lượng thời gian và thủ tục cần triển khai là 14 thủ tục và 132 ngày, không tính số ngày các công việc thuộc trách nhiệm của khách hàng như thiết kế, thi công); trong đó số thủ tục của Điện lực là 5 và thời gian thực hiện là 60 ngày.

Như vậy, tại thời điểm năm 2013-2014, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã vượt rất xa so với chỉ số mà Việt Nam đặt ra.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và xây dựng Thông tư 33/2014/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng trong đó quy định thời gian thực hiện các bước thuộc trách nhiệm của Đơn vị điện lực giảm từ 55 ngày xuống còn 18 ngày, thời gian thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương giảm xuống 18 ngày. Bộ Công Thương giao cho Tổng cục Năng lượng được Bộ Công Thương giao làm đầu mối đã tổ chức kiểm tra giám sát, hướng dẫn thực hiện quyết liệt trình tự, thủ tục để giảm thời gian tiếp cận điện năng theo Thông tư 33/2014/TT-BCT.

Trong năm 2015, được sự phối hợp của UBND các Tỉnh, Tổng cục Năng lượng đã chủ trì đôn đốc thực hiện quy định tại Thông tư 33, phối hợp EVN rà soát các thủ tục và thời gian thực hiện các bước thuộc trách nhiệm của Đơn vị điện lực giảm từ 55 ngày xuống còn 18 ngày, thời gian thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương giảm xuống 18. 

Vì vậy, theo đánh giá của WB nêu trong báo cáo DB 2015, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2016 là 108, đã được tăng 22 bậc (là một trong những nước có bước tăng cao nhất trong 10 chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia). Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với WB và DB để rà soát và đánh giá lại thì chỉ số tiếp cận điện năng thức tế của Việt Nam năm 2016 xếp thứ 101 (tăng 29 bậc).

 

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015, các đơn vị và EVN đã rà soát các quy trình và thống nhất quy định thời hạn cho Đơn vị phân phối điện thực hiện thỏa thuận và ký Thỏa thuận đấu nối là 04 ngày làm việc (bỏ bước thoả thuận thiết kế) và 06 ngày làm việc để thực hiện đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện. Tổng thời gian thực hiện của Đơn vị Điện lực chỉ còn 10 ngày. 

Theo báo cáo Doing Business 2017 công bố vào tháng 10/2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp hạng thứ 96, đã được tăng 05 bậc so với 2015. 

Với các nỗ lực này, trong giai đoạn từ năm 2013-2016, Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có các thay đổi đáng kể, từ xếp hạng 130 xuống còn 96 (cải thiện 34 bậc). Trong các các chỉ số về môi trường kinh doanh khác của Việt Nam thì chỉ số tiếp cận điện năng mặc dù chưa phải là chỉ số tốt nhất tuy nhiên trong giai đoạn 2013-2016 thì đây là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của Việt Nam. 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo