Tài chính - ngân hàng

Việt Nam xem xét gỡ việc cấm nhập khẩu thịt bò và táo từ Pháp

Việt Nam đang làm các thủ tục cần thiết để cho phép việc nhập khẩu thịt bò Pháp vào Việt Nam, cũng như gỡ bỏ quy định hạn chế nhập khẩu táo của Pháp.
 
Kỳ họp lần thứ 3 Đối thoại Kinh tế cấp cao Việt - Pháp đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.
 
Trao đổi với phía Việt Nam tại Đối thoại, ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Xúc tiến du lịch và người Pháp ở nước ngoài (Cộng hòa Pháp) nói: “Nếu Việt Nam đơn giản hóa được hơn nữa thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư nhanh hơn…, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp Pháp hơn nữa đầu tư tại Việt Nam”.
 
Thúc đẩy hợp tác thương mại và quan hệ đối tác phát triển cũng là nội dung được tập trung thảo luận tại buổi Đối thoại. Trong đó, một trong những mối quan tâm của phía Pháp là Việt Nam sớm gỡ bỏ rào cản đối với việc cấm nhập khẩu thịt bò và táo Pháp.
 
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phía Việt Nam đang làm các thủ tục cần thiết để cho phép việc nhập khẩu thịt bò Pháp vào Việt Nam, cũng như gỡ bỏ quy định hạn chế nhập khẩu táo của Pháp.
 
“Việt Nam mong muốn sớm kết thúc đàm phán và ký kết EVFTA để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương Việt - Pháp, cũng như hợp tác thương mại Việt Nam - EU. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ là thị trường cửa ngõ của Pháp và EU trong khu vực Đông Nam Á và ngược lại, Pháp là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào châu Âu”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
 
Có mặt trong đoàn doanh nghiệp Pháp tháp tùng ông Matthias Fekl tham gia cuộc Đối thoại, lãnh đạo Tập đoàn Sanofi khẳng định, Tập đoàn mong muốn hiện diện mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam.
 
ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương
 
“Nhà máy mới của chúng tôi ở TP.HCM sẽ khánh thành vào cuối năm nay, tạo 500 việc làm mới và mỗi năm xuất xưởng khoảng 100 triệu hộp thuốc”, vị này cho biết.
 
Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm, Sanofi vào tháng 3/2013 đã khởi công xây dựng thêm nhà máy mới và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TP.HCM, với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD. Khi ấy, ông Christopher A. Viehbacher, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sanofi cho biết, nhà máy sản xuất và trung tâm R&D mới này là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Sanofi tại Việt Nam.
 
“Sanofi đã hiện diện ở Việt Nam hơn 50 năm, đã và đang giữ vị trí số 1 tại một trong những quốc gia năng động nhất khu vực”, ông Christopher A. Viehbacher nói.
Trong khi đó, đại diện của các tập đoàn ALSTOM, Airbus D&S và Thales, cũng như IMP Engineering cũng đều bày tỏ mối mong muốn mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 
ALSTOM, sau khi tham gia hàng loạt dự án quy mô lớn ở Việt Nam, như Thủy điện Sơn La, Tuyến tàu điện số 3 ở Hà Nội…, đang hy vọng sẽ cùng các đối tác khác phát triển mô hình thành phố bền vững ở Việt Nam.
 
Các mối quan tâm khác của Thales, đó là phát triển các hệ thống vệ tinh quan sát ở Việt Nam. Còn với IMP, sau Dự án 500 giường bệnh Bệnh viện Cần Thơ, hiện được triển khai bằng nguồn hỗ trợ chính thức (ODA) của Pháp, muốn tham gia vào các dự án xây dựng bệnh viện khác ở Việt Nam thông qua đấu thầu bình đẳng.
 
Tất cả các đề xuất này của phía Pháp đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và hoan nghênh. “Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới các nhà đầu tư Pháp, đó là cơ hội đang mở ra cho các bạn khi năm nay, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), cũng như sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, là những thuận lợi trong môi trường đầu tư, kinh doanh, thể chế chính sách…”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
 
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Pháp hiện có 429 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,4 tỷ USD, đứng thứ 16/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
 
Năm 2014, thương mại song phương Việt - Pháp đạt 3,54 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm ngoái. Trong khi đó, liên quan đến hợp tác phát triển, lũy kế tính đến nay, Pháp đã dành cho Việt Nam 3 tỷ EUR vốn ODA. Cả hai bên, qua Đối thoại, đều khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển, với việc Pháp sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam các khoản hỗ trợ ODA.
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo