Thị trường

Việt Nam xuất hàng sang Pháp đạt 3 tỷ USD

Mặc dù kinh tế Pháp gặp khó khăn, kéo theo xuất khẩu hàng hóa của các nước vào Pháp cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng liên tục từ 380 triệu USD năm 2000 lên hơn 3 tỷ USD năm 2012.


Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trong số các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp phải kể đến là điện thoại di động và linh kiện điện tử. Dự báo trong hai năm tới, hai mặt hàng này sẽ trở thành mặt hàng có kim ngạch cao nhất ở Pháp, do nhu cầu của người tiêu dùng Pháp đối với các loại điện thoại di động Samsung sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng. Ngoài ra, các sản phẩm nội thất, đồ gia dụng, dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê là những sản phẩm đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp.

Hàng hóa của Việt Nam sản xuất chủ yếu nhằm vào người dân có thu nhập thấp và trung bình, nên dự tính cả năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,3 tỷ euro, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,6 tỷ euro.

Ngược lại, Việt Nam nhập từ Pháp chủ yếu các loại dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc cơ khí chính xác, thiết bị năng lượng, phương tiện và thiết bị giao thông vận tải, một số sản phẩm thời trang cao cấp và rượu vang. Trong năm 2011, xuất khẩu rượu vang của Pháp sang Việt Nam sụt giảm đáng kể do có sự thay đổi về thủ tục nhập khẩu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp xuất khẩu rượu vang Pháp đã quen với các thủ tục mới và đạt mức tăng trưởng mạnh.

Phân tích những khó khăn và thuận lợi đối với việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Pháp, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, xuất khẩu hàng Việt Nam vào Pháp về cơ bản có nhiều thuận lợi nhờ ngay từ rất sớm, Pháp đã có khung pháp lý cho hoạt động kinh tế - thương mại tương đối rộng khắp như Hiệp định thương mại và hiệp định thanh toán (10/1955); Hiệp đinh khung về hợp tác kinh tế (4/1977); Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật (1989); Hiệp định khuyến khích và bảo đảm đầu tư (1992); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (1993); Hiệp định hợp tác du lịch (1996); Hiệp định hợp tác hàng không (1997); Hiệp định hàng hải (2000); Hiệp định hợp tác khoa học-công nghệ (2007)… Pháp áp dụng chính sách ngoại thương chung và luật lệ hải quan chung của Liên minh châu Âu (EU) một các rất rõ ràng và minh bạch, thủ tục thông quan nhanh gọn, ít chi phí nhờ công nghệ thông tin và hệ thông hậu cầu hiện đại. Đặc biệt Pháp đã cho nhiều sản phẩm của Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Do đó theo ông Cường, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, tìm hiểu luật lệ, thị hiếu tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng của người Pháp, xây dựng quan hệ đối tác dài hạn với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và hệ thống phân phối tốt tại Pháp và châu Âu. Ngoài ra, cần sử dụng Thương vụ như một cánh tay nối dài của doanh nghiệp tại Pháp và chuẩn bị kế hoạch đầu tư và mở rộng thị trường để triển khai ngay sau khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết để có thể đón trước những lợi thế/bất lợi mới do FTA có thể mang lại.

Hiện tại, Pháp có nhiều dự án đầu tư sản xuất tại Việt Nam và các nước thứ ba, với tổng số khoảng 216 dự án đầu tư với 3 tỷ USD vốn thực hiện và có 240 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại 24 tỉnh thành của Việt Nam, thu hút hơn 24.000 lao động.

 

 

Đoàn Huế (Theo Báo Tin Tức)

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo