Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinalines - Vượt qua sóng lớn

Đến thời điểm này, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã đạt được những thành công nhất định sau thời gian tái cơ cấu mạnh mẽ.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức “cắt lỗ” để chuẩn bị IPO (phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng) trước ngày 30/6/2018.

Vượt qua “sóng lớn”

Tại tờ trình vừa được gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ -Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ ở thời điểm 31/12/2016 là trên 18.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 11.946 tỷ đồng.

Vinalines bước ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất. Ảnh: Báo Đầu tư.

Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và truyền thông của Vinalines, trong phương án này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lựa chọn hình thức cổ phần hóa kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho Vinalines.

“Vinalines sẽ có số vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 13.916 tỷ đồng (tương đương 1,391 tỷ cổ phần); trong đó, nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Tổng công ty, còn Vinalines sẽ được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ tại các Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Các công ty cảng còn lại như: Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương, Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ sẽ được Vinalines duy trì tỷ lệ nắm giữ ở mức từ 49 - 51%”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, ngoài 0,13% vốn điều lệ bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên, Vinalines sẽ dành 30% vốn điều lệ để bán cho nhà đầu tư chiến lược và 4,84% vốn điều lệ sẽ thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hà Nội với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho hay, năm 2017 Vinalines có doanh thu hợp nhất gần 16.000 tỷ đồng, tăng 14,8% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 515 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016.

Về kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, Công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng, dư nợ chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 23% so với trước khi tái cơ cấu. Các doanh nghiệp thành viên ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái vốn 39 doanh nghiệp, thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.

 

Cũng theo ông Tĩnh, bằng nhiều biện pháp như xử lý tàu già, thua lỗ, cơ cấu tài chính với ngân hàng để giảm nặng lãi vay, trả nợ, xác định phân khúc thị trường kinh doanh phù hợp, bắt tay với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Than -  Khoáng sản, Dầu khí, Thép Hòa Phát, Vissai Ninh Bình… mức lỗ của đội tàu đã giảm gần 53,2% so với năm 2016 và gần 50% so với kế hoạch của khối vận tải biển.

Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với tổng trọng tải khoảng 125.000 DWT, nhưng trong năm 2017, đội tàu (gồm 91 tàu, tổng trọng tải 1,8 triệu DWT) của Vinalines vẫn đạt sản lượng 24,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với kế hoạch năm và tăng 2,1% so với năm 2016.

“Với nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 là cổ phần hóa doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước ngày 30/6, mô hình mới thực hiện trong 3 lĩnh vực chính: Vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải, Vinalines đã và đang từng bước phục hồi, đẩy lùi những khó khăn của một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, bảo toàn và phát triển vốn đủ điều kiện để tiến hành IPO”, ông Tĩnh chia sẻ.

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu của Vinalines trong 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, đến thời điểm này Vinalines giống như “con tàu vượt qua được sóng lớn” và từ một doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản đã dần hồi phục, cân bằng và có lãi.

Vẫn còn thách thức cần tháo gỡ

 

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, hiện tại dù phương án đã được trình Thủ tướng, nhưng do một số vướng mắc liên quan đến Nghị định 59/2014/NĐ-CP và Nghị định 126/2017/NĐ-CP “Về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH Một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần” nên tất cả phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lý giải về những khó khăn mà Vinalines đang gặp phải, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, nếu thực hiện cổ phần hóa theo Khoản 5, Điều 21, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Vinalines phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền là 2.759 tỷ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên, dẫn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty sẽ lỗ lớn. Khoản lỗ này sẽ làm giảm phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Tổng công ty.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng lo ngại việc hạch toán không điều chỉnh lại giá trị tài sản theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (đã được đánh giá lại sát với giá trị thị trường) mà giữ nguyên giá trị tài sản theo sổ sách kế toán dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí kinh doanh tăng cao.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản của Công ty mẹ - Tổng công ty (chủ yếu là tàu biển) giảm khoảng 862 tỷ đồng so với giá trị sổ sách. Chi phí khấu hao tăng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các hãng tàu khác tại Việt Nam và quốc tế.

Theo quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, trong năm 2018, Vinalines sẽ tiến hành cổ phần hóa, nhưng phương án cụ thể đang chờ Thủ tướng phê duyệt và dự kiến đến cuối tháng 6/2018, Vinalines sẽ chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Khó khăn nhất hiện nay chưa có nhà đầu tư chiến lược nào đăng ký tham gia, mặc dù đơn vị đã tích cực tìm kiếm và đàm phán với Rent A Port (Bỉ), Deep C và một số đối tác khác.

 

“Sở dĩ xây dựng phương án nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ là do ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, hệ thống cảng biển của Vinalines phụ trách còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Song tỷ lệ 30% dường như chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Phần lớn các đơn vị quan tâm đến Vinalines đều muốn tham gia với tỷ lệ sở hữu cao hơn (49 - 51%) để có quyền chi phối”, ông Tĩnh đánh giá.

Dù được đánh giá đã vượt qua “sóng lớn”, nhưng đại diện Vinalines thừa nhận còn nhiều thách thức và khó khăn trong thời gian tới khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ trong và ngoài nước tại tất cả các thị trường vận tải biển, cảng biển lẫn logistics.

Ngoài ra, ngành vận tải biển chưa hết suy thoái khiến các đơn hàng trong và ngoài nước không nhiều, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể tham gia những tuyến vận tải tại khu vực châu Á, hạn chế trong những tuyến biển xa…

Nên đọc
Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo