Môi trường

Vịnh Nha Trang bị ô nhiễm

Hiện nay, các cống nước thải đen ngòm vẫn ngày đêm chảy thẳng ra biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Được đầu tư hơn 93 triệu USD để cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang - Khánh Hòa, quan trọng nhất là hệ thống thu gom và xử lý nước thải trước khi ra biển. Tuy nhiên, hiện dự án chỉ giải quyết được một phần nhỏ ở khu trung tâm và phía nam thành phố. Trong khi đó, ở phía bắc thành phố, các cống nước thải đen ngòm vẫn chảy thẳng ra biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng vịnh Nha Trang.
  Trăm dơ đổ… về biển

Phía bắc cầu sông Cái, gần thắng cảnh Hòn Chồng (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang), một miệng cống xả thẳng từ đường Phạm Văn Đồng ra biển, còn trên bờ thì dày đặc các loại rác thải. Chính vì quá ô nhiễm nên khu vực có cảnh quan độc đáo này vắng hoe. “Khách nào dám tắm ở đây. Trên bờ thì hôi, dưới biển thì ngứa” - ông Nguyễn Văn Xuân, người dân địa phương, nói.

Cách cống thải này một đoạn vài trăm mét về hướng bắc thuộc phường Vĩnh Hải là một cống khác với nước thải cũng đen ngòm, hôi thối chảy tràn ra biển… Theo Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Khánh Hòa, TP Nha Trang có tổng cộng 11 cửa xả nước thải. Trong đó, ba cửa xả thẳng ra biển, năm cửa ra sông Cái, ba cửa ra sông Quán Trường.

Bà Lý Ngọc Dung, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang, bức xúc: “Nước thải sinh hoạt của người dân, nhà hàng, khách sạn và các cơ sở sản xuất tại TP Nha Trang đều xả thẳng ra biển mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào nên ô nhiễm ngày càng nặng”.

Không chỉ có nước thải, vì vắng du khách nên hằng đêm, người dân địa phương rủ nhau ra bãi biển… phóng uế.

Theo số liệu vừa được Ban Quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang công bố, mỗi ngày, vịnh này nhận khoảng 10 tấn rác thải của hơn 2.000 người dân sống trên các đảo, 6.000 lồng nuôi thủy sản và tàu thuyền đánh cá, du lịch.

Teo tóp quy mô dự án

Trước tình trạng ô nhiễm của vịnh Nha Trang, năm 2006, dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang được triển khai. Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 77 triệu USD, phần lớn là vốn ODA, trong đó hạng mục quan trọng nhất là xây dựng hệ thống thu gom nước thải toàn TP để xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. “Tuy nhiên, do giá cả vật tư gia tăng nên vốn dự án tăng lên 93,6 triệu USD và quy mô dự án bị “thu hẹp bớt” - bà Lý Ngọc Dung cho biết.

Vì bị thu hẹp nên dự án chỉ được triển khai ở khu trung tâm và phía nam TP Nha Trang. Cho đến nay, dự án mới cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với tổng vốn đã giải ngân khoảng 16 triệu USD. Còn giai đoạn chính là xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải thì chưa xong các thủ tục cần thiết để tổ chức đấu thầu, trong khi thời hạn kết thúc dự án là năm 2014.

Theo lời bà Dung, dự án hoàn thành cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 50% lượng nước thải hiện nay của khu trung tâm và phía Nam TP Nha Trang. Vì vậy, một số khu vực nằm trong vùng dự án vẫn sẽ tiếp tục xả nước thải ra sông Cái như các khu phố Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, chợ Đầm… - những khu vực xả thải gây ô nhiễm nhức nhối nhất những năm gần đây ở TP Nha Trang.

Trong khi đó, khu vực bắc TP Nha Trang cần 68 triệu USD để thực hiện dự án cải tạo vệ sinh môi trường nhưng tỉnh Khánh Hòa chưa biết tìm số vốn trên ở đâu.
 
Còn lâu mới hết ô nhiễm

Bên lề kỳ họp thứ 3, khóa V Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, một số đại biểu cho rằng còn lâu mới giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở vịnh Nha Trang.
Theo các đại biểu, thực hiện được điều đó phải tốn hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng lại đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải toàn TP. Bên cạnh đó, phải thay đổi ý thức người dân và du khách trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển.
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo